Bệnh lùn sọc đen hại lúa và các biện pháp phòng trừ

11:01:23 20/08/2021 Lượt xem 2513 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

  Bệnh lùn sọc đen lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam năm 2009, bệnh thường xuất hiện và gây hại từ giai đoạn mạ và lúa mới cấy, bệnh có thể kéo dài tới giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bệnh lùn sọc đen có tốc độ lây lan rất nhanh và có thể bùng phát thành dịch. Để phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa có hiệu quả, cần lưu ý một số biện pháp phòng trừ bệnh như sau:

1. Tác nhân gây bệnh, môi giới và cơ chế lan truyền

- Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa do virut bệnh lùn sọc đen Phương Nam gây ra và rầy lưng trắng là môi giới lan truyền virut. Cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh.

- Rầy lưng trắng sau khi đã nhiễm virut có thể truyền bệnh đến khi chết. Virut không truyền qua trứng rầy. Bệnh không truyền qua hạt giống lúa, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe.

- Rầy lưng trắng bị nhiễm virut do chích hút nhựa từ cây bị bệnh, sau đó chúng di trú trên ruộng lúa chích hút và truyền bệnh cho những cây khác.

2. Triệu chứng và tác hại

- Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi cây lúa có bông, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Cây lúa bị nhiễm bệnh nặng sẽ không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen, lép.

  Ngoài cây lúa, bệnh lùn sọc đen còn gây hại trên ngô, lúa mì, cỏ lồng vực, cỏ chát, ... vì các cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng và cũng là nguồn lây virut để rầy lưng trắng truyền sang cây lúa. Virut gây bệnh tồn tại trong cơ thể của rầy lưng trắng sống qua đông hoặc di chuyển rất xa theo gió bão.

3. Các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa

  Vì bệnh lùn sọc đen chưa có thuốc đặc trị nên chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh là chính. Nếu cây lúa bị bệnh chỉ có thể nhổ bỏ và tiêu hủy.

3.1. Biện pháp phòng bệnh

- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ để diệt lúa chết, lúa tái sinh, dọn cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước

- Phòng ngừa rầy môi giới: Không gieo mạ ở những ruộng vụ trước có bệnh. Xử lý hạt giống bằng các loại thuốc như: COLA 600FS hoặc GAUCHO 600FS để tạo sức đề kháng của cây mạ trước khi đưa ra ruộng cấy khoảng 3-4 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu.

- Phòng ngừa bằng biện pháp canh tác:

+ Hạn chế sử dụng những giống lúa đã xác định nhiễm bệnh nặng, sử dụng các giống ít nhiễm rầy.

+ Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm để tăng tính chống chịu của lúa đối với dịch hại.

+ Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý nhằm đảm bảo có đủ thời gian để vệ sinh đồng ruộng.

3.2. Các biện pháp trừ bệnh

- Khi lúa mới xuất hiện bệnh: Ở giai đoạn lúa mới cấy đến đứng cái: tiến hành nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe; Ở giai đoạn từ phân hóa đòng trở đi: nhổ vùi những cây lúa bị bệnh; Thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng và tiến hành phun thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc đặc trị.

- Tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh: Tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng trên 30% số dảnh bị bệnh, khó hồi phục được).

- Trước khi tiêu hủy phải phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc.

- Tiêu hủy bằng cày vùi phải thực hiện ngay dù không cấy lại.

3.3. Các loại thuốc trừ rầy

- Những loại thuốc có tác động tiếp xúc: NIBAS 50EC, SHERTOX 100WP, ANVADO 100WP, VICTORY 585EC,....

- Những loại thuốc có tác động nội hấp: CHEESTA 50WP, SUTIN 5EC, APTA 300WP, SHERTIN 50EC, DANTOT SU 16XSG, ....

* Lưu ý: Khi sử dụng thuốc hóa học phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

- Đúng lúc: phun trừ khi rầy tuổi nhỏ (tuổi 1, 2, 3).

- Đúng thuốc: sử dụng thuốc trừ rầy theo khuyến cáo.

- Đúng liều lượng, nồng độ: phun đủ lượng thuốc theo hướng dẫn.

- Đúng kỹ thuật: phun vào buổi sáng khô sương hoặc chiều mát, không phun thuốc giữa trưa nắng. Không phun ngược chiều gió, không được tháo vòi sen, phun rải đều lượng nước thuốc cho ướt đều vào thân và gốc lúa.

Ks.Trần Văn Điều - Trạm KN An Dương

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 8521
  • Hôm qua: 11276
  • Tuần này: 46398
  • Tuần trước: 73453
  • Tháng này: 277882
  • Tháng trước: 566218
  • Lượt truy cập: 4645891
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon