Trong sản xuất lúa hiện nay do mức độ thâm canh ngày càng cao nên áp lực sâu bệnh trên đồng ruộng cũng ngày càng gia tăng. Sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại, bảo vệ năng suất, tăng sản lượng cây trồng là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng nhiều hộ nông dân đã vứt bừa bãi bao bì, vỏ thuốc Bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, kênh mương. Mà phần lớn bao bì thuốc Bảo vệ thực vật đều được làm từ nilon, nhựa rất khó phân hủy; chai lọ thuốc Bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng thuốc Bảo vệ thực vật nhất định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe của con người.
Việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc Bảo vệ thực vật đúng quy định sẽ góp phần giảm tác động xấu, hạn chế những hệ lụy tiềm ẩn về sức khỏe và đảm bảo môi trường sản xuất nông nghiệp ổn định, an toàn. Nhận thức được điều đó, UBND xã Bát Trang đã triển khai và xây dựng mô hình bể thu gom bao bì, vỏ thuốc Bảo vệ thực vật tại một số cánh đồng trên địa bàn. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
Được sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của thành phố xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu , đầu năm 2023 UBND xã Bát Trang đã triển khai lắp đặt 126 bể chứa bằng xi măng để thu gom bao bì, thuốc Bảo vệ thực vật tại các cánh đồng của 4 thôn gồm: Hạ Trang, Quán Trang, Trung Trang và Thượng Trang. Xã đang tiếp tục làm thêm 100 bể chứa để nắp trên cánh đồng 4 thôn còn lại của xã.
Định kỳ 2 tháng/lần, tổ chức thu gom vỏ bao bì, thuốc Bảo vệ thực vật tại các bể chứa đến địa điểm tập kết rác thải để Tổ Dịch vụ vệ sinh môi trường ở địa phương vận chuyển đến nơi tiêu hủy theo quy định.
Đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể thôn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân về tác hại của rác thải Bảo vệ thực vật; hướng dẫn người dân phân loại rác thải đúng nơi quy định; sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Người dân xã Bát Trang thu gom bao bì vỏ thuốc Bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vào bể chứa
Việc triển khai mô hình bể chứa bao bì, vỏ thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn xã bước đầu đã thay đổi nhận thức, hành vi của các hộ nông dân về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Đến nay hầu hết các vỏ bao bì thuốc Bảo vệ thực vật độc hại xả trực tiếp ra môi trường đã được cho vào bể chứa, giúp tiết kiệm chi phí trong quá trình xử lý rác thải, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong việc thực hiện chương trình Nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Ks. Đỗ Thị Thuỷ - Trạm KN An Lão