Ứng dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ

10:38:36 22/04/2022 Lượt xem 1257 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Đã vài chục năm nay, việc sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng là một thói quen của người nông dân Việt Nam nói chung, nông dân Hải Phòng nói riêng. Bởi nó tiện lợi, cây trồng hấp thu nhanh và mang lại năng suất cao rõ rệt. Tuy nhiên dùng phân vô cơ quá nhiều và liên tục đã làm cho đất sản xuất Nông nghiệp ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Việc thay đổi loại phân bón hóa học  sang các loại phân bón hữu cơ đang được nông dân lựa chọn sử dụng. Việc sử dụng phân hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất hiệu quả, trả lại cho đất lượng hữu cơ đã bị mất. Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất Nông nghiệp thành phố Hải Phòng hiện nay.

          Phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế xói mòn,.. Phân bón hữu cơ có chứa chất hữu cơ tự nhiên có lợi cho cây trồng và đất. Đặc biệt, ngày nay trong xu thế phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thì phân hữu cơ càng có nhiều lợi ích thiết thực.

           Phân hữu cơ trước khi sử dụng phải được ủ hoai mục nếu không sẽ có tác dụng ngược lại. Bởi vì trong phân tươi còn có nhiều hạt cỏ dại, nhiều ấu trùng, nhiều bào tử ngủ nghỉ của nấm, xạ khuẩn, vi khuẩn. Hơn nữa còn có nhiều tuyến trùng gây bệnh.

             Những lợi ích của việc ủ phân hữu cơ trước khi bón cho cây trồng đó là:

             - Giúp đất tơi xốp và dễ hấp thu chất dinh dưỡng để nuôi cây hơn so với phân không được ủ.

            - Bảo vệ tài nguyên đất và môi trường sạch sẽ.

            - Diệt trừ các mầm bệnh, vi khuẩn có hại có trong phân hữu cơ.

           - Ủ phân giúp khai thác triệt để các nguyên tố khoáng có lợi như N-P-K.

          - Ngoài ra, ủ phân hữu cơ còn giúp tiết kiệm kinh tế cho các hộ gia đình nông thôn, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp có sẵn.

           Hộ anh Quản Văn Cường - thôn Nhu Kiều - xã Quốc Tuấn - huyện An Dương có 6 sào trồng đào cảnh. Hàng năm, khi chưa sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục bón cho cây thì anh vẫn thường xuyên dùng phân hữu cơ vi sinh Quế lâm để bón lót cho cây. Mùa dịch Covid, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng thì giá cả vật tư cho cây trồng lại tăng cao (đặc biệt là giá phân bón tăng quá cao) trong khi giá bán thấp, tính ra người trồng bị thua thiệt.

            Chính vì vậy, Khuyến nông viên phụ trách đã tư vấn cho anh Cường mạnh dạn mua phụ phẩm nông nghiệp: vỏ trấu, thân cây xay vụn (mày ngô,…) ở các công ty chế biến thức ăn gia súc ủ với phân gia súc, gia cầm tươi để thay thế phân hữu cơ vi sinh Quế lâm nhằm giảm chi phí sản xuất.

           Trước khi trồng lại đào, dùng phân ủ  bón lót và bón thúc cho cây, dùng 1 tấn phụ phẩm + 5 tạ phân tươi + 5 kg vôi bột + phân lân 10 kg. Tiến hành ủ 1 lượt phụ phẩm xuống dưới đến 1 lượt phân chuồng tươi, vôi bột, lân theo tỷ lệ, tưới nước cho ẩm khoảng 40- 50% và phải phủ bạt, ni - lông che đậy kín. Suốt thời gian ủ, phải tiến hành kiểm tra, cần bổ sung thêm nước hợp lý để bảo đảm ẩm đều. Sau thời gian ủ 2,5-3 tháng, kiểm tra thấy đống phân màu nâu đen, tơi xốp, có mùi chua nồng của dấm, thọc tay vào đống phân thấy ấm vừa tay là phân đã hoai mục có thể đem sử dụng.

  

Quá trình ủ phân

  

 

Phân đã được ủ hoai mục

          Hoạch toán hiệu quả cho thấy sử dụng cho 1 sào:  Phân bón hữu cơ quế lâm: 430 kg  chi phí 1.720.000 đồng,  sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục 400 kg vỏ trấu + 200 kg phân lợn +2 kg vôi + 4 kg lân + công ủ chi phí 1.054.000 đồng.

         Cây đào được bón phân hữu cơ hoai mục sinh trưởng phát triển xanh tốt. Các cành mầm mập, khỏe. Lá dầy, xanh thẫm. Bộ rễ phát triển tốt, có nhiều rễ tơ giúp cho cây hút nước và chất dinh dưỡng tốt. Cây ra nụ mập, hoa to lâu tàn. Sâu bệnh được hạn chế. Ngoài ra, khi sử dụng phân hữu cơ ủ hoai còn giúp cho cây đào hấp thu chất dinh dưỡng từ phân vô cơ hiệu quả hơn. Lượng phân vô cơ bón cho cây đào giảm 10 – 15% khi không bón phân hữu cơ hoai mục giúp cho người nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất trong thời điểm khó khăn hiện nay.

         Anh Cường chia sẻ: “Khi thấy cây đào sinh trưởng phát triển tốt, chi phí đầu vào giảm được 700.000 đồng/sào. Hơn nữa còn nâng cao chất lượng cây hoa giúp cho nhà anh tiêu thụ nhanh, có nhiều người đặt mua trước. Đây là niềm vui lớn đối với người trồng cây cảnh như anh”.

        Nhận thấy cách làm của anh Cường có hiệu quả. Đến nay, đã có chục hộ với diện tích trồng đào được áp dụng dùng phân ủ hoai mục từ phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây. Ngoài ra, có thể sử dụng phân bón đã ủ hoai mục bón cho các cây trồng khác như cây ăn quả, lúa, rau màu với lượng phân tương ứng cũng được hộ nông dân áp dụng.

         Để sử dụng phân bón tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, đồng thời hướng đến nền nông nghiệp bền vững, xanh sạch tạo độ phì nhiêu trong đất có giá trị gia tăng cao. Vì vậy các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, nhất là tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, rác thải sinh hoạt,... Áp dụng và nhân rộng các mô hình, tiến bộ kỹ thuật.

KS. Phạm Thị Mỵ - Trạm Khuyến nông An Dương

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 5290
  • Hôm qua: 4613
  • Tuần này: 29296
  • Tuần trước: 27766
  • Tháng này: 236851
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2804912
0225.3541.398 
messenger icon