Hiện nay, tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng, bà con nông ngư dân đang tích cực cải tạo ao đầm, xử lý môi trường nuôi để chuẩn bị thả giống cho vụ nuôi mới năm 2025.
Công tác cải tạo ao tại các vùng nuôi nước ngọt
Tháo cạn nước, cải tạo ao
Ở các khu vực nuôi nước ngọt, một số hộ dân vẫn đang tập trung chăm sóc và thu hoạch cá nuôi qua đông, trong khi phần lớn bà con đã bắt tay vào công tác cải tạo ao để chuẩn bị cho vụ Xuân Hè. Ông Vũ Văn Tăng – một hộ nuôi tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão – chia sẻ:
"Sau mỗi vụ nuôi kéo dài, lượng thức ăn dư thừa, chất thải và mầm bệnh tích tụ trong ao rất lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi. Do đó, việc xử lý lượng bùn đáy ao trước khi bắt đầu vụ mới là rất quan trọng. Thời gian cải tạo ao thường mất khoảng 30 ngày, vì vậy từ tháng 2 tôi đã tiến hành cải tạo để kịp thời vụ.”
Người dân đang tích cực cải tạo ao để chuẩn bị thả giống vụ mới
Cải tạo ao đầm tại vùng nuôi nước lợ
Tại các khu vực nuôi trồng thủy sản nước lợ, đặc biệt là tại huyện Tiên Lãng và quận Dương Kinh, bà con đang tích cực rút nước, cải tạo ao đầm và chuẩn bị các yếu tố môi trường cần thiết nhằm hạn chế dịch bệnh trong vụ nuôi mới. Sau cơn bão Yagi năm 2024, diện tích bị ảnh hưởng nhẹ đã được vệ sinh, tu sửa và tiếp tục sản xuất. Một số hộ nuôi tôm bằng hệ thống nhà bạt kiên cố bị hư hỏng nặng cũng đã từng bước khắc phục để tái sản xuất vụ Xuân Hè.
Tại phường Tân Thành, gần 400 ha diện tích nuôi tôm nước lợ đang được cải tạo, một số hộ dân đã tiến hành thả giống tôm sớm nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Chú trọng chọn giống chất lượng, mật độ thả phù hợp
Bên cạnh việc cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng con giống là yếu tố được bà con đặc biệt quan tâm. Chọn giống tốt sẽ quyết định phần lớn thành công của vụ nuôi. Để đảm bảo chất lượng, người nuôi cần chọn mua giống từ các cơ sở cung ứng uy tín, có kiểm dịch rõ ràng.
Các loài tôm như tôm thẻ chân trắng, tôm sú nên được chọn ở kích cỡ từ Post 12 đến Post 15 và được ương dưỡng trong ao trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Đồng thời, mật độ thả giống cũng cần được tính toán phù hợp với hình thức nuôi và khả năng đầu tư:
Tôm sú:
Nuôi thâm canh, bán thâm canh: 15 - 20 con/m².
Nuôi xen ghép với cua và cá: 5 - 12 con/m² (thả giống tôm trước các đối tượng xen ghép tối thiểu 15 ngày).
Tôm thẻ chân trắng:
Nuôi thâm canh công nghệ cao: 200 - 300 con/m².
Nuôi thâm canh, bán thâm canh: 80 - 150 con/m².
Mô hình nuôi 2 hoặc 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: 1.000 - 2.000 con/m².
Giai đoạn 2 - 3: 120 - 300 con/m² (tùy vào công nghệ và hình thức nuôi).
Lưu ý khi thả giống và quản lý môi trường ao nuôi
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, thời điểm thả giống tốt nhất là từ tháng 3 đến tháng 4, tuy nhiên đây cũng là giai đoạn chuyển mùa với diễn biến thời tiết phức tạp, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi.
Các hộ nuôi cần lựa chọn con giống chất lượng, mật độ phù hợp
Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho tôm phát triển, bà con cần:
Duy trì mực nước ao từ 1,2 - 1,5m để hạn chế biến động nhiệt độ.
Bố trí hệ thống quạt nước hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ oxy.
Theo dõi thường xuyên các chỉ số môi trường nước để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khâu cải tạo ao, chọn giống đến kiểm soát môi trường nuôi, bà con sẽ có một vụ nuôi trồng thủy sản xuân hè 2025 thuận lợi và đạt năng suất cao./.
Ths. Nguyễn Thị Tài - Phòng CGKT Thuỷ Sản