Hiện nay chăn nuôi vịt tại Hải Phòng đang phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo số liệu thống kê đến tháng 9/2024, số lượng đàn vịt (toàn thành phố có khoảng 1,3 triệu con), chỉ đứng thứ hai sau chăn nuôi gà. Trong đó số lượng vịt nuôi thịt có khoảng 629.000 con, sản lượng thịt hơi đạt 3.889 tấn. Chăn nuôi vịt có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều hộ dân, có nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện nay, chăn nuôi vịt đang gặp phải một số khó khăn do nhiều bệnh gây ra, đặc biệt là một số bệnh truyền nhiễm do virus gây ra làm cho tỷ lệ vịt mắc bệnh và chết rất cao; hơn nữa một số bệnh do virus gây ra hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh. Để giúp bà con chăn nuôi hiệu quả, chúng tôi cung cấp một số thông tin một số bệnh thường gặp do virus gây ra đàn vịt.
1. Bệnh Adeno
* Đặc điểm của bệnh
Là một căn bệnh mới được gọi là bệnh Adeno trên vịt, đã lưu hành trên đàn vịt Muscovy của Trung Quốc từ năm 2014, với biểu hiện là mệt mỏi, tiêu chảy, chết đột ngột và viêm gan cấp tính với gan có màu vàng và xuất huyết. Virus gây bệnh chủ yếu là chủng DadV-1, DadV-2 và DadV-3. Bệnh thưởng xảy ra trên vịt từ 1 - 40 ngày tuổi, với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 40 - 50% và có tỷ lệ chết từ 35 - 43% trên tổng đàn. Bệnh gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi vịt trong những năm qua.
* Đường lây truyền bệnh
Virus Adeno lây nhiễm qua đường truyền ngang từ vịt ốm sang vịt khỏe qua đường tiêu hóa, thông qua thức ăn, nước uống và dụng cụ chăn nuôi. Ngoài ra vịt nhiễm virus có thể lây truyền từ mẹ sang con thông qua phôi trứng.
* Triệu chứng
Khi vịt nhiễm virus Adeno thường có triệu chứng rụt đầu và cổ, đi lại khó khăn do liệt một chân, chảy nước mắt và nước mũi. Bệnh có thời gian xảy ra nhanh trong vòng 4-8 ngày, sau đó giảm dần.
Do thời gian ủ bệnh ngắn và phát bệnh nhanh nên thực tế bà con thường thấy hiện tượng vịt, ngan chết đột ngột kể cả những con to khỏe sau buổi đêm.
* Bệnh tích điển hình
Bệnh tích của vịt nhiễm virus Adeno có đặc trưng với hiện tượng gan vàng, xuất huyết các chấm tròn lan rộng.
(Bệnh tích của vịt nhiễm Adeno ở gan)
Tim của vịt bị sưng biến dạng, xuất huyết chấm tròng, viêm rộp bao quanh tim.
(Bệnh tích của vịt nhiễm virus Adeno ở tim)
(Quan sát thận thấy thận sung huyết nặng)
* Điều trị vịt bị bệnh Adeno
Đây là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị.
Bà con cần tiến hành cách ly ngay những con vịt có biểu hiện bệnh.
Phun thuốc sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi.
Giải độc gan, thận bằng Hepasol-B12 theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sử dụng kháng sinh để phòng bệnh kế phát như Gentatylo, Lincospec với liều và liệu trình dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
* Giải pháp phòng bệnh
Bệnh Adeno trên vịt hiện tại chưa có vắc xin và kháng thể đặc trị. Nên bà con chăn nuôi vịt cần thực hiện các công tác phòng bệnh như:
– Không nhập vịt giống từ đàn bố mẹ có tiền sử bị bệnh Adeno do virus truyền từ mẹ sang con.
– Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
– Vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi thường xuyên và bằng các sản phẩm sát trùng. Ngăn ngừa và tiêu diệt virus sẽ giúp bà con bảo vệ được đàn vịt khỏi căn bệnh này.
2. Bệnh Circo trên vịt
* Đặc điểm của bệnh
Bệnh do Pocine circovirus (PCV), thuộc họ Circoviridae gây ra cho vịt. PCV có hai loại là PCV1 và PCV2. PCV1 xuất hiện trên vịt từ lâu, thường nhiễm vào tế bào nuôi cấy thận nhưng lại không gây bệnh; PCV2 mới xuất hiện gần đây và thường nhiễm ghép với nhiều bệnh khác trên vịt, gây thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi. Những tiểu phần PCV2 rất bền vững, có thể tồn tại hầu hết và rất lâu trong môi trường chăn nuôi, ở các lứa tuổi của vịt, rất khó tiêu diệt.
* Cơ chế gây bệnh
Virus xâm nhập vào cơ thể vịt ngay những ngày đầu sơ sinh, sau đó tấn công vào tế bào lympho, làm giảm số lượng tế bào lymphocyte, giảm sức đề kháng và khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng độ mẫn cảm với các loại vi khuẩn, virus khác.
Bệnh có tỷ lệ nhiễm rất cao, gần 100% vì hầu hết vịt đều mang mầm bệnh trên cơ thể. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, giống, môi trường, dinh dưỡng.... số vịt mắc bệnh chiếm 3 - 50%.
Bệnh có tỷ lệ chết không cao, nhưng bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch để mở đường cho các mầm bệnh khác xâm nhập và tấn công vào cơ thể, tạo cơ hội cho các bệnh kế phát phát triển. Bệnh do PCV2 sẽ không chết ngay mà chúng chỉ bị còi cọc, chậm lớn, nhưng vẫn tiêu tốn một số lượng lớn thức ăn, làm giảm hiệu quả chăn nuôi.
* Biểu hiện của bệnh
Khi nhiễm bệnh, vịt có biểu hiện ở các thể như: hội chứng còi cọc và viêm da, viêm thận.
Thể còi cọc: trên 95% vịt bị nhiễm virus có biểu hiện bệnh rõ ràng với các triệu chứng còi cọc, chậm lớn, xù lông. Ngoài ra, vịt thở khó khăn do phổi bị tổn thương, hệ thống hạch sưng to, vàng da, sốt, chết đột ngột. Khi mổ khám, nhiều cơ quan nội tạng bị tổn thương như ruột sưng, dạ dày loét, sưng gan, viêm phổi và nhục hóa...
(Vịt còi cọc chậm lớn)
Thể viêm da, viêm thận: heo xuất hiện nhiều vết loét với kích thước khác nhau trên vùng da toàn thân, sau một thời gian, vét loét khô lại và hình thành vảy.
(Hiện tượng rụng lông ở vịt)
(Triệu chứng gai lông ở lưng)
Tổn thương trên thận: thận sưng dẫn đến hai đầu quả thận không cân đối, viêm, nhạt màu, có xuất huyết trên bề mặt; một số trường hợp, bề mặt thận xuất hiện nhiều điểm trắng.
* Phòng bệnh circovirus trên vịt
Hiện chưa có vắc xin để phòng bệnh này.
Bà con nên áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cao.
Sử dụng chế phẩm Anti circovirus theo hướng dẫn của nhà sản xuất
* Giải pháp điều trị bệnh circovirus trên vịt
- Tách những con có hiện tượng chậm lớn, rụng lông, gẫy lông ra để điều trị chăm sóc riêng.
- Phu khử trùng tổng thể chuồng trại.
- Sử dụng chế phẩm Anti circovirus kết hợp với kháng viêm thảo dược và acid hữu cơ chanh theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bởi vịt bị bệnh do circovirus gây suy giảm miễn dịch nên rất dễ nhiễm E.coli, bại huyết nên bà con sử dụng Marbofloxacin, cephalosporin tiêm hoặc uống để cho vịt uống, mục đích để chống bội nhiễm.
3. Hội chứng lật ngửa và giảm đẻ trên vịt do virus tembusu
* Đặc điểm bệnh
Bệnh chủ yếu cảm nhiễm trên vịt ở mọi độ tuổi với biểu hiện sinh trưởng chậm với vịt thịt, giảm hoặc ngừng sinh sản với vịt nuôi theo hướng sinh sản, tỷ lệ chết tương đối cao. Hiện tại chưa có vaccine chính ngạch cho bệnh Tembusu, nên bệnh đang diễn biến phức tạp.
* Nguyên nhân cơ chế truyền lây
Bệnh do virus Tembusu thuộc họ Flavivirus, là một RNA virus nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ba và cs.(2022) cho thấy chủng virus Tembusu lưu hành ở miền Bắc Việt Nam tương đồng cao với virus phân lập từ Thái Lan.
Virus có thể lan truyền từ con bệnh sang con khỏe qua hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc. Ngoài ra còn có minh chứng muỗi là nhân tố trung gian truyền bệnh.
* Triệu chứng
Vịt con 3 tuần tuổi trở lên và vịt thịt: Đàn vịt khi nhiễm bệnh sẽ giảm ăn đột ngột, sinh trưởng giảm, tiêu chảy phân trắng, loãng, chảy nước mũi, các triệu chứng thần kinh như đi lại mất thăng bằng, vịt nằm lật ngửa, chân tê liệt. Tỷ lệ bị bệnh có thể lên đến 90% và tỷ lệ chết 5-30% phụ thuộc điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng.
Đối với vịt đẻ: Triệu chứng xuất hiện sớm là giảm lượng ăn vào và giảm lượng trứng đột ngột. Tiếp đến xuất hiện tiêu chảy phân xanh dẫn đến suy nhược, giai đoạn sau của bệnh vịt có biểu hiện thần kinh, đi lại bất thường, nặng thì bại liệt hoàn toàn. Diễn biến ổ dịch xảy ra trong vòng 7-10 ngày, tỷ lệ chết trong đàn có thể từ 5-15%, những con vịt trong đàn qua khỏi ngày 10 sẽ phát triển kém, sinh sản kém, dẫn đến chăn nuôi không có hiệu quả.
(Triệu chứng lật ngửa do Tembosu trên vịt)
* Bệnh tích
Xác chết gầy, túm lông đuôi dính phân xanh. Mổ khám cho thấy phù não, màng não xuất huyết, và mạch máu bị tắc nghẽn. Xoang ngực tích dịch màu vàng, cơ tim thoái hóa biến chất. Xoang bụng tích dịch màu vàng, gan sưng to nhạt màu hoặc vàng, lách sưng to sung huyết. Mặt trong dạ dày cơ bị bong tróc, niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết, niêm mạc ruột xuất huyết tràn lan. Tuyến tụy sưng xuất huyết hoặc hoại tử.
Ngoài những bệnh tích trên vịt đẻ viêm, xuất huyết buồng trứng và thoái hóa, vỡ các nang trứng non, viêm xuất huyết ống dẫn trứng và phúc mạc.
* Phát hiện bệnh
- Chẩn đoán lâm sàng: căn cứ vào dịch tễ lưu hành bệnh, căn cứ triệu chứng lâm sàng và căn cứ vào bệnh tích mổ khám đặc trưng để chẩn đoán Tembussu.
Chẩn đoán xét nghiệm: chẩn đoán virus: thông qua lấy mẫu xét nghiệm bằng sinh học phân tử RT-PCR.
- Chẩn đoán huyết thanh: có thể sử dụng phương pháp ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI) để tầm soát, xét nghiệm huyết thanh vịt
* Giải pháp trong bối cảnh chưa có vaccine hữu hiệu, vaccine chính ngạch
Hiện tại chưa có vaccine chính ngạch nhập về để phòng bệnh Tembusu, trước bối cảnh đó nhiều loại vaccine trên thị trường không chính ngạch hiệu quả chưa được kiểm duyệt. Việc tầm soát phát hiện mầm bệnh sẽ rất quan trọng.
Khi chưa có dịch: thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi vịt, tiêm đủ các loại vaccine trong quy trình để nâng cao sức đề kháng chung cho vịt.
Định kỳ tuần 2 lần tiêu độc khử trùng, diệt côn trùng, khai thông cống rãnh và phát quang bụi rậm. Định kỳ cần tầm soát sự lưu hành của virus Tembusu thông qua giám sát huyết thanh phát hiện sớm để có hướng xử lý giảm thiệt hai chăn nuôi.
Khi có dịch: Cần phát hiện sớm để cách ly những con ốm ra khỏi đàn, tiến hành phun khử trùng trên những con vịt chết và chất thải của chúng trước khi mang đi chôn, cần rắc vôi trước khi lấp đất.
Tăng cường giám sát theo dõi để cách ly vịt ốm, tiêu độc khử trùng ngày 1 lần.
Vịt trong đàn chưa có triệu chứng cần tăng sức đề kháng bằng cách bổ sung điện giải, hạ sốt, men tiêu hóa, giải độc gan thận.
Cần sát trùng để trống chuồng trại sau 1,5 đến 2 tháng mới cho tái đàn.
4. Bệnh rụt mỏ trên vịt
* Đặc điểm của bênh
Bệnh rụt mỏ trên vịt là một bệnh tiêu hóa cấp tính. Do Parvovirus parvovirus vịt gây ra với vịt con. Bệnh này rất dễ lây lan. Đặc biệt ở đàn nhạy cảm thì tỷ lệ chết lên đến 70-100% khi nhiễm trùng xảy ra trong 10 ngày tuổi đầu tiên.
* Nguyên nhân gây bệnh: Do Parvovirus vịt gây ra.
* Lứa tuổi mắc bệnh
Tùy từng độ tuổi mà mức độ của bệnh rụt mỏ là khác nhau. Dưới một tuần tuổi, vịt con c rất nhạy cảm với bệnh này. Chúng thường nhiễm bệnh ở thể cấp tính với tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Vịt 4-5 tuần tuổi mắc bệnh nhẹ hơn với thể bệnh bán cấp tính hoặc mãn tính.
* Đường lây truyền
– Lây truyền ngang: trong phân của vịt nhiễm bệnh có chứa lượng lớn virus. Phân thải ra ra môi trường dẫn đến sự lây lan nhanh chóng. Có thể tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp thông qua con đường “phân-miệng”. Bệnh lây nhiễm từ thức ăn, nước uống đến vịt khỏe mạnh.
– Lây truyền dọc: vịt sinh sản bị nhiễm bệnh cận lâm sàng đóng vai trò là vật mang mầm bệnh. Từ đó truyền virus qua trứng và gây bệnh cho những con non. Bên cạnh đó, nhiễm trùng ngoài vỏ trứng cũng là tác nhân đưa bệnh nhiễm vào những con không có bệnh trong trại ấp trứng.
* Dấu hiệu lâm sàng của bệnh rụt mỏ
Biểu hiện của các dấu hiệu lâm sàng là khác nhau. Phụ thuộc vào độ tuổi của vịt khi bị bệnh.
– Thể cấp tính: vịt con dưới 1 tuần tuổi thường nhiễm thể này. Bệnh có diễn tiến rất nhanh bao gồm các biểu hiện sau. Con bệnh kém ăn, uống nhiều nước, viêm ruột, tiêu chảy trắng, chảy nhiều nước mắt và nước mũi. Hơn nữa còn bị liệt, suy nhược. Tỷ lệ tử vong cao chỉ trong 2-5 ngày sau khi nhiễm bệnh. Trong các lò ấp trứng, những con nhiễm bệnh có tỷ lệ chết có thể đạt tới 100%. Đối với vịt con 2-3 tuần tuổi mắc bệnh, tỷ lệ chết thường dưới 10%.
– Thể mãn tính: vịt sống sót qua giai đoạn cấp tính có thể bị bệnh kéo dài hơn. Có dấu hiệu chậm phát triển, giảm ăn, uống nhiều nước. Chân bi liệt và yếu ớt, miễn cưỡng khi di chuyển. Dịch từ mũi và nước mắt chảy ra nhiều. Mí mắt hay đỏ và sưng. Tiêu chảy phân trắng. Xuất hiện màng giả xơ cứng bao bọc quanh lưỡi và xoang miệng. Lông xung quanh lưng và cổ rụng nhiều, lộ ra vùng da đỏ. Dịch lỏng tích tụ nhiều trong xoang bụng làm cho vịt con đứng trong tư thế “chim cánh cụt”.
(Triệu chứng rụt mỏ, thè lưỡi ở vịt nhiễm Tembosu)
* Bệnh tích
+ Trường hợp cấp tính: Biểu hiện lâm sàng ngắn, thường có các bệnh tích sau. Cơ tim nhợt nhạt và đỉnh tim tròn. Gan, lá lách, thận và tuyến tụy bị sưng và tắc nghẽn.
+ Bán cấp tính và mãn tính: Biểu hiện lâm sàng kéo dài hơn, các bệnh tích thường thấy là: Cơ tim mềm nhão, viêm màng ngoài gan và viêm màng ngoài tim. Bị sưng và tắc nghẽn gan, viêm lách và tuyến tụy, phù phổi. Xoang bụng bị ứ huyết thanh và viêm ruột.
* Điều trị
Bệnh rụt mỏ trên vịt chưa có thuốc đặc trị. Do đó, cần cấp kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát. Tăng sức đề kháng cho vật nuôi bằng việc cấp vitamin và men vi sinh. Qua đó có thể làm giảm thiệt hại do bệnh rụt mỏ gây ra.
* Phòng bệnh
– Lúc vịt 1 ngày tuổi tiêm 0,1 ml/con với thuốc Ceptiofur. Những ngày sau đó pha thuốc Tetra Colivit với liều 1g/lít nước. Cho vịt uống liên tục trong 5 ngày để phòng ngừa bệnh về đường tiêu hóa.
– Sát trùng chuồng nuôi, sát trùng trại ấp, máy ấp trứng thật kỹ lưỡng với một trong các loại thuốc sát trùng hiệu quả cao như Iodine hoặc Biosept hoặc Bioxide hoặc Bio-Guard.
– Khi thời tiết thay đổi cần cấp thuốc cho vịt để tăng sức đề kháng như Bio Amcoli Plus hoặc Bio-Tilodox Plus hoặc Bio-Enro C. Đồng thời cấp thêm vitamin ADE, C. Mỗi đợt khoảng từ 3-5 ngày.
– Tiêm phòng vắc xin parvovirus nhược độc để phòng bệnh. Các nghiên cứu cho thấy chỉ có loại vaccine có chứa parvovirus vịt mới có khả năng bảo vệ đầy đủ để chống lại bệnh ở vịt.
Ts. Vũ Đức Hạnh - TP Chuyển Giao KTNN