Cảnh giác khi nuôi Đuông dừa tự phát

10:37:14 24/04/2025 Lượt xem 722 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Hiện nay, món ăn từ Đuông dừa đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram… bởi tính độc đáo và được quảng bá là một đặc sản nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ. Hiện nay tại một số tỉnh miền Bắc đã có hộ nhập và nuôi Đuông dừa, tuyên truyền cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị kinh tế trước mắt, việc nuôi đuông dừa tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng, cây trồng, và cả hệ sinh thái nếu không được quản lý chặt chẽ.

            Vì sao món đuông dừa được ưa chuộng?

         - Hương vị độc đáo: Đuông dừa có vị béo ngậy, mềm, thường được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như chiên giòn, hấp, nướng, hoặc thậm chí ăn sống cùng nước mắm.

          - Đặc sản miền Tây: Đây là món ăn truyền thống, gắn liền với đời sống nông thôn và văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Trà Vinh.

         Quảng cáo hấp dẫn: Các nền tảng mạng xã hội thường nhấn mạnh đến sự mới lạ, độc đáo và giá trị dinh dưỡng của món ăn này, tạo sự tò mò đặc biệt với giới trẻ và người tiêu dùng ở thành thị.

 

Hình ảnh: món đuông dừa ngâm mắm

             1. Đặc điểm nhận biết loài đuông dừa

             Trứng: màu trắng sữa, bóng, dài 2,5 mm, khoảng 3 - 4 ngày trứng sẽ nở ra ấu trùng.

           Ấu trùng: dài 40 - 50 mm, cơ thể màu trắng, đầu màu nâu đỏ, gồm 13 đốt, không có chân, miệng cứng rất phát triển, cuối đuôi dẹp và có nhiều lông trắng.

             Nhộng: ban đầu có màu trắng sữa sau đó chuyển sang màu nâu, dài khoảng 35 mm.

Hình ảnh: đuông dừa

           Trưởng thành: là loài bọ cánh cứng có kích thước tương đối lớn, thân dài 25 - 30 mm, rộng 10 - 15 mm. Toàn thân màu nâu đỏ. Phía đầu có một vòi dài, cong. Đầu và vòi chiếm 1/3 chiều dài thân. Cánh cứng có 6 sọc lõm chạy dọc và 3 sọc mờ, cánh không che hết bụng.

 

Hình ảnh: Bọ dừa trưởng thành

              2. Nơi cư trú

             Chúng sống và phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm, thường đục khoét bên trong thân cây gỗ mềm như:

             - Dừa và cau: Loại cây phổ biến trong vườn nhà dân.

             - Cây chà là, cọ dầu, cau vua: Cây cảnh được trồng rộng rãi trong các khuôn viên công cộng.

             - Cây sắn dây: Loại cây được sử dụng để sản xuất bột sắn dây.

            Dấu hiệu nhận biết cây bị đuông dừa tấn công: Lỗ đục trên thân cây, dịch tiết bất thường. Lá héo úa, rụng không rõ nguyên nhân.

             3.Tác hại tiềm ẩn của đuông dừa đối với sức khỏe người tiêu dùng:

          Nguy cơ nhiễm khuẩn: Đuông dừa sống có thể mang theo vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc mầm bệnh, gây hại đến đường ruột nếu không được chế biến kỹ.

          Nguồn gốc không rõ ràng: Nhiều đuông dừa rao bán trên mạng có thể đến từ những khu vực bị nhiễm hóa chất, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

          4.Đối với cây trồng:

          Gây suy yếu và chết cây, Đuông dừa đục khoét mạch dẫn, phá hủy lõi gỗ, khiến cây rỗng ruột, héo úa, rụng lá và chết dần.

          Thiệt hại kinh tế làm giảm năng suất và chất lượng trái dừa ở các hộ trồng. Gây tổn thất thẩm mỹ và chức năng che mát của cây cảnh, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

           Lây lan nhanh chóng nếu không kiểm soát, đuông dừa có thể lan sang các vùng khác, gây nguy cơ mất trắng diện tích cây trồng. suy yếu dần, thậm chí chết.

            5. Biện pháp phòng chống đuông dừa

          - Vệ sinh thông thoáng vườn dừa, đối với những cây dừa bị đuông phá hại nên đem tiêu hủy để hạn chế sự lây lan.

            - Hạn chế tối đa việc gây ra các vết thương cơ học trên thân dừa và sự gây hại của kiến vương.

            - Quét vôi kín phần gốc giai đoạn cây 2 - 5 năm tuổi để chống đuông đẻ trứng vào các vết nứt.

            - Sử dụng thuốc trừ sâu dạng hạt rắc lên đọt và kẽ lá dừa để đề phòng đuông dừa.

          - Khi phát hiện dừa mới bị đuông tấn công có thể dùng 1 gói Regent 800WG loại 0,8 gram hòa với 70ml nước lắc cho tan đều rồi rót thuốc vào lỗ đục của đuông thuốc sẽ ngấm vào thân cây và tiêu diệt đuông. Sau 1, 2 ngày kiểm tra nếu không còn thấy xác bã cây và nhựa màu nâu rỉ ra từ lỗ đục là đuông đã chết.

           Lưu ý: khi sử dụng thuốc hóa học ở giai đoạn mang trái cần đảm bảo thời gian cách ly để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

           Như vậy, đuông dừa, tuy nhỏ bé, nhưng sức phá hoại của chúng là vô cùng nghiêm trọng. Bà con nên chủ động kiểm tra vườn cây và áp dụng biện pháp phòng trừ sớm. Báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu đuông dừa lây lan. Không tự ý nuôi trái phép, tham gia các chương trình tập huấn và tuyên truyền để nâng cao nhận thức, bảo vệ cây trồng trước nguy cơ từ loài côn trùng này. Hãy cùng hành động ngay hôm nay để bảo vệ sự xanh tươi và giá trị kinh tế của cây trồng tại địa phương!

Ks. Trần Việt Linh - Trạm Khuyến Nông An Lão

 

 

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 8240
  • Hôm qua: 9779
  • Tuần này: 63448
  • Tuần trước: 59620
  • Tháng này: 546508
  • Tháng trước: 605702
  • Lượt truy cập: 6043672
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon