Nhộn nhịp mùa thu hoạch sứa tại phường Hải Thành, quận Dương Kinh

16:35:33 19/05/2025 Lượt xem 132 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Mỗi độ đầu năm, khi tết vừa qua, cũng là lúc ngư dân phường Hải Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng lại tất bật bước vào một mùa vụ đặc biệt – mùa sứa biển. Không rộn ràng như ngày hội, cũng chẳng rầm rộ như phiên chợ, nhưng nhịp sống nơi đây bỗng sôi động hơn hẳn với tiếng máy tàu, tiếng gọi nhau hối hả từ bến Thủy Giang, nơi những khoang sứa trắng ngần, đỏ au tươi rói lần lượt cập bờ.

         Sứa – món quà biển cả, nghề truyền thống bền vững

        Sứa biển từ lâu đã không chỉ là sản vật mà biển khơi ban tặng, mà còn là nguồn sinh kế ổn định, là nghề truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ người dân Hải Thành. Mùa sứa thường kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch, là thời điểm ngư dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, chi phí thấp, đánh bắt gần bờ mà vẫn cho thu nhập cao.

Công nhân chuyển sứa từ tàu vừa lên bến Thủy Giang - Hải Thành

         Hiện toàn phường có 44 phương tiện khai thác sứa, chủ yếu là tàu công suất vừa, đánh bắt ven bờ bằng lưới te – loại lưới đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với đặc tính di chuyển nổi của đàn sứa. Trung bình mỗi tàu có thể thu từ 2–3 tấn sứa/ngày, thời điểm cao điểm có thể lên đến 5 tấn/tàu.

         "Sứa năm nay ít trắng, nhiều đỏ, nhưng bù lại con nào cũng to khỏe, có con nặng đến 20–25kg”, ông Nguyễn Văn Bảo – một chủ tàu chia sẻ với niềm phấn khởi.
        “Chỉ đi trong ngày, không tốn nhiều nhiên liệu, lại được giá, nên mỗi vụ có thể thu hàng chục đến cả trăm triệu đồng.”

            Chế biến tại chỗ – tăng giá trị, tạo thêm việc làm

          Ngay sau khi tàu cập bến, sứa được sơ chế ngay tại chỗ, tạo thành một chuỗi giá trị khép kín. Những bàn tay cần mẫn của người lao động bắt đầu cắt, rửa, phân loại, đưa từng mẻ sứa vào bể quay 12 tiếng để khử nhớt, rồi tiếp tục ngâm trong dung dịch muối – phèn nhằm bảo quản được quanh năm.

         Chị Hoa – một công nhân sơ chế chia sẻ: “Bán sứa tươi chỉ được 1.500 – 2.000 đồng/kg, nhưng khi đã sơ chế sạch sẽ có thể bán 10.000 – 15.000 đồng/kg. “Mỗi ngày công nhân làm từ sáng sớm đến tối muộn, thu nhập từ 200 – 300 nghìn đồng/ngày”. Công việc tuy vất vả nhưng ai cũng phấn khởi vì có thu nhập ổn định.”

Sơ chế sứa từ tàu vừa lên tại bến Thủy Giang

         Hiện nay, ngành sơ chế sứa tại Hải Thành không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm, mà còn giải quyết việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương, góp phần giảm áp lực thất nghiệp nông thôn, ổn định đời sống người dân vùng ven biển.

          Sứa biển – biểu tượng của sức sống biển khơi

         Từ khơi xa trở về, mỗi khoang sứa không chỉ là kết tinh của lao động và kinh nghiệm ngư dân, mà còn là hơi thở mặn mòi của biển cả – một phần máu thịt của người dân Hải Thành. Nghề đánh bắt và chế biến sứa đang cho thấy tiềm năng phát triển bền vững, ít phụ thuộc vào đầu tư lớn, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa bản địa.

Sơ chế sứa trong bể

        Dù thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, dù thách thức từ biến đổi khí hậu ngày một rõ ràng, nhưng tinh thần bền bỉ, kiên cường và sáng tạo của người dân nơi đây chưa bao giờ lùi bước. Họ vẫn lặng thầm ra khơi mỗi sớm mai, trở về khi hoàng hôn xuống, mang theo bao giá trị không chỉ bằng vật chất, mà bằng chính niềm tự hào từ một nghề cha ông để lại, một nghề gắn bó với biển khơi, với quê hương.

Cán bộ Khuyến nông thăm cơ sở chế sứa tại bến

       Phát triển nghề đánh bắt – chế biến sứa không chỉ là hướng đi kinh tế mà còn là giữ gìn bản sắc biển, gìn giữ nghề truyền thống. Mỗi con sứa lên bờ là minh chứng cho sự đổi thay, cho khát vọng làm giàu chính đáng từ biển cả quê hương!

Ks. Nguyễn Thị Huệ - Trạm Khuyến nông Kiến Thụy

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 11321
  • Hôm qua: 8561
  • Tuần này: 19882
  • Tuần trước: 53600
  • Tháng này: 541768
  • Tháng trước: 593132
  • Lượt truy cập: 6266786
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon