Một số lưu ý trong sản xuất cây trồng vụ Đông

10:36:07 31/10/2022 Lượt xem 836 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Vụ Đông năm 2022 được dự báo sẽ diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, không khí lạnh có thể về sớm, mưa bão dồn về cuối năm, trong khi đó giá vật tư, phân bón vẫn ở mức cao, lúa vụ Mùa năm nay thu hoạch muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 5 – 7 ngày. Vì vậy, để chủ động giành vụ Đông thắng lợi cần lưu ý một số vấn đề sau:

       1. Công tác chuẩn bị trước khi gieo trồng

     Đôn đốc tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất, tập trung điều tiết máy gặt cho các khu, vùng có lúa đến kỳ thu hoạch. Sau khi thu hoạch lúa mùa cần vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật, cày lật đất, khẩn trương tiến hành gieo trồng vụ Đông trên những diện tích sản xuất theo kế hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thực hiện khẩu hiệu “sáng lúa, chiều cây vụ Đông”.

       Ưu tiên trồng các loại cây rau đậu, các loại cây truyền thống có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ như: ngô nếp, bí xanh, bí đỏ, hành ta, su hào, súp lơ…; trồng lệch vụ, rải vụ để tiêu thụ thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao.

        Áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu hoặc không làm đất, để tranh thủ thời vụ.

      Ruộng trồng cây vụ Đông phải chủ động tưới tiêu, nhất là những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, thường có mưa ở đầu vụ; cần lên luống, vét rãnh sâu xung quanh để đảm bảo tiêu thoát tốt, đồng thời khi bị hạn tưới nước vào được thuận lợi. Đảm bảo ruộng không bị khô, hạn, ngập úng.

     Tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chủ động cho kịp mùa vụ đối với cây vụ Đông sớm: Làm đất tối thiểu như: cây ngô, đậu tương, họ thập tự; chủ động làm bầu như cây ngô, bí, dưa, cà chua…; làm đất lên luống khơi rãnh thoát nước phù hợp để phòng mưa ngập úng.

     Tham mưu cùng các địa phương mở rộng, quy vùng trồng tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Kết nối với các doạnh nghiệp thu mua sản phẩm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

      Quy hoạch gọn vùng, tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn để thuận tiện tưới tiêu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, công lao động và bao tiêu sản phẩm được dễ dàng.

       Đa dạng các nhóm cây trồng vụ Đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ với cây rau nhằm giảm áp lực tiêu thụ và đảm bảo rau phục vụ Tết Nguyên đán. Ưu tiên các giống cây vụ Đông ít phụ thuộc thời vụ để trồng như: trồng bí rau, bí thu quả non,... Hoặc chuyển sang trồng các cây rau màu ưa lạnh như: khoai tây, cải bắp, su hào,…

      Chuẩn bị hạt giống, củ giống thuộc nhóm cây ưa lạnh để gieo trồng thay thế trong trường hợp mưa lớn, kéo dài xảy ra gây ngập úng, chết cây.

       2. Thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống

        - Thời vụ mỗi loại cây trồng cần được gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất, cụ thể:

        Đối với cây ưa lạnh (khoai tây, su hào, bắp cải…) gieo trồng sau 10/10, riêng cây khoai tây trồng tập trung từ 15/10 - 05/11. Không nên trồng quá muộn vì thiếu ánh sáng, nhiệt độ thấp, âm u mưa phùn bệnh hại phát triển, tích luỹ về củ chậm, kéo dài thời gian sinh trưởng ảnh hưởng đến năng suất và thời vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2023.

       - Cơ cấu giống chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày, năng suất cao, cụ thể:

      + Cây ngô, sử dụng các giống ngô lai F1, năng suất cao, thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày: HN88, HN68, MX10…

      + Cây khoai lang trồng các giống có thời gian sinh trưởng từ 80 - 100 ngày (Hoàng Long, VX-37, TV1…)

      + Cây khoai tây trồng các giống có thời gian sinh trưởng từ 80 - 90 ngày (Solara, Marabel, Alatic, ….)

     + Cây rau màu các loại mở rộng diện tích trồng cây rau thực phẩm, nhất là cây ưa lạnh có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ, sử dụng các giống hạt lai F1.

     + Hoa cây cảnh cần mở rộng gieo trồng như hoa cúc, hoa lily, hoa hướng dương, đồng tiền, loa kèn, hoa cúc.... phục vụ nhu cầu thị trường vào dịp tết nguyên đán.

       Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại để có phương án khắc phục và phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

       * Lưu ý, đối với cây con cần:

       + Che phủ nilon cho cây con trong bầu, gieo bổ sung lượng cây con để dự phòng;

       + Làm luống cao, cày rãnh sâu tạo đường thoát nước tốt;

       + Tận dụng rơm, rạ, bèo bồng để ủ gốc, tránh gặp mưa bị trôi đất, dí gốc;

       + Sau các đợt mưa khẩn trương thoát nước và phun thuốc phòng bệnh cho cây.

      3. Bón phân

      Bón phân cân đối và hợp lý để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nên sử dụng phân bón tổng hợp NPK hoặc NPK đa yếu tố chuyên dùng cho từng loại cây. Thu gom rơm rạ và các phế phụ phẩm dư thừa để tận dụng nguồn phân hữu cơ. Bón đủ lượng, chú ý bón lót là chủ yếu, bón thúc sớm.

     4. Phòng trừ sâu bệnh kịp thời

     Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại và có biện pháp tổ chức phòng trừ kịp thời, không để lây lan thành dịch. Chú ý các đối tượng như: sâu khoang, sâu xanh, chuột, nhất là những nơi năm trước đã có ổ dịch.

Ks. Cao Thị Thu Hiệp – Phòng Chuyển giao kỹ thuật Nông nghiệp

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1386
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 269962
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2838023
0225.3541.398 
messenger icon