1. Thời vụ
Ngô ngọt trồng được quanh năm nhưng thích hợp nhất vào vụ Xuân, Thu - Đông và Đông. Tránh trồng vào thời điểm trỗ cờ phun râu có nhiệt độ trên 37°C hoặc dưới 15°C.
Để giúp cây sinh trưởng tốt:
- Ươm cây con trong bầu trước khi trồng để tăng tỷ lệ sống và điều chỉnh mật độ trồng hợp lý.
- Điều chỉnh hướng lá để giúp cây nhận đủ ánh sáng, phát triển khỏe mạnh.
2. Chuẩn bị giống và gieo trồng
2.1. Giống ngô ngọt phổ biến
- Một số giống nhập khẩu từ Mỹ, Thái Lan có chất lượng cao: Sugar 75, Star Brix, Seminis, Sakita, TN 103, TN 115…
- Lượng giống cần thiết: 20 - 25 kg/ha
Xử lý hạt giống trước khi gieo:
- Ngâm hạt 8-10 tiếng trong nước sạch, sau đó ủ với cát ẩm hoặc trấu.
- Sau 20-24 tiếng, hạt sẽ nảy mầm, chỉ nên gieo khi hạt mới nứt nanh để tránh gãy rễ.
2.2. Kỹ thuật làm đất và trồng ngô
- Làm đất kỹ, phay đất sâu 18-20 cm, bón vôi và phân chuồng để cải tạo đất.
- Đất trồng ngô ngọt cần cách ly ít nhất 300m với ruộng ngô khác giống hoặc cách ly thời gian trổ cờ 15 ngày để tránh lai tạp, làm giảm độ ngọt của bắp.
Khoảng cách trồng phù hợp:
- Hàng đơn: Hàng cách hàng 65-70 cm, cây cách cây 25 cm (mật độ 61.000 - 71.000 cây/ha).
- Hàng đôi: Hàng hẹp 30-35 cm, hàng rộng 80-90 cm (mật độ 66.000 cây/ha).
Gieo hạt giống thẳng hàng
Cách gieo hạt:
Gieo mỗi hốc 1 hạt, độ sâu 2-3 cm.
Đất phải đủ ẩm, nếu khô cần tưới nhẹ trước khi gieo.
3. Chăm sóc và bón phân
3.1. Bón phân
Ngô ngọt cần nhiều dinh dưỡng, bà con cần bón cân đối đạm, lân, kali theo từng giai đoạn:
Giai đoạn |
Loại phân |
Lượng bón (kg/ha) |
Bón lót (trước khi trồng) |
Phân chuồng hoai mục, lân, vôi bột |
8-10 tấn phân chuồng, 600 kg lân, 500 kg vôi |
Thúc lần 1 (3-5 ngày sau trồng) |
Đạm ure, kali clorua |
140-150 kg ure, 60-65 kg kali |
Thúc lần 2 (ngô 5-6 lá) |
Đạm ure, kali clorua |
140-150 kg ure, 60-65 kg kali |
Thúc lần 3 (ngô 10-11 lá) |
Đạm ure, kali clorua |
140-150 kg ure, 60-70 kg kali |
Lưu ý:
Ngô trồng trên đất bạc màu: Có thể thay một phần ure, kali bằng NPK để cây phát triển tốt hơn.
Giai đoạn chín sữa - chín sáp, nếu cây có biểu hiện thiếu dinh dưỡng, bổ sung 2-3 kg NPK (16-16-8) /sào.
Bón phân kết hợp làm cỏ và vun cao cho cây ngô
3.2. Tưới nước hợp lý
Ngô cần độ ẩm 70-80%, nên tưới rãnh để nước thấm từ từ, không để ngập úng.
Các giai đoạn cần nước nhiều: 3-4 lá, 7-8 lá, 13-14 lá (xoáy loa kèn), trỗ cờ phun râu.
Tránh tưới quá nhiều ở giai đoạn chín để hạn chế sâu bệnh.
3.3. Tỉa chồi, bắp phụ
Sau 3 tuần, tiến hành tỉa bỏ chồi phụ để tập trung dinh dưỡng nuôi bắp.
Giữ lại 1 bắp/cây để đạt chất lượng tốt nhất.
4. Phòng trừ sâu bệnh
Các loại sâu bệnh hại chính và cách phòng trừ:
Loại sâu bệnh |
Biện pháp phòng trừ |
Sâu xám |
Cày bừa kỹ đất, diệt trứng, bẫy sâu, sử dụng Diptere 80WP, Karate 2.5EC… |
Sâu đục thân |
Bón phân cân đối, rắc Basudin 10G, thu gom thân cây bị hại để tiêu hủy. |
Rệp hại cờ ngô |
Trồng đúng mật độ, vệ sinh ruộng, phun Sherpa 25EC, Chess 50WP… |
Bệnh cháy lá lớn, cháy lá nhỏ |
Tiêu hủy cây bệnh, phun Antracol 70WP, Tilt 250EC… |
Bệnh khô vằn |
Vệ sinh đồng ruộng, không trồng quá dày, phun Validacin 5SL, Rovral 50WP. |
Bệnh gỉ sắt |
Cày bừa kỹ, tiêu hủy tàn dư bệnh, phun Score 250ND, Bayleton 25EC. |
Bệnh thối thân |
Không tưới thừa nước, nhổ bỏ cây bệnh để tránh lây lan. |
5. Thu hoạch
Sau 65-75 ngày, khi râu ngô hơi héo, hạt căng vàng sữa, có thể thu hoạch.
Thu hoạch vào sáng sớm để giữ độ ngọt, tiêu thụ ngay trong 3-5 ngày để đạt chất lượng tốt nhất.
Lưu ý: Không để bắp quá già vì đường sẽ chuyển hóa thành tinh bột, làm giảm độ ngọt.
Ngô ngọt đến thời điểm thu hoạch
Một số lưu ý:
Trồng đúng thời vụ để tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.
Bón phân hợp lý, tăng cường phân hữu cơ, bón thúc đúng thời điểm.
Tưới nước đủ ẩm, không để ngập úng.
Tỉa bắp phụ, chỉ giữ 1 bắp/cây để đảm bảo chất lượng.
Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh, phòng trừ kịp thời.
Thu hoạch đúng độ chín, tiêu thụ nhanh để giữ được độ ngọt.
Áp dụng đúng kỹ thuật, bà con sẽ đạt năng suất cao, bắp ngọt chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao!
Ths. Phạm Thị Ngọc Điệp - Phòng CGKT NN