Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đang có nguy cơ lây lan. Tính đến ngày 07/04/2021, đã có 2 xã có trâu, bò xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC. Trạm Khuyến nông Tiên Lãng kết hợp với Trạm Chăn nuôi và thú y đang tích cực hướng dẫn người chăn nuôi trâu bò các biện pháp phòng bệnh để giảm thiểu sự phát sinh và lây lan của dịch VDNC trên trâu bò.
Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD), còn được gọi là bệnh viêm da nổi cục truyền nhiễm hoặc bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút không gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.
Khi bệnh xảy ra gây ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng do làm giảm khả năng sản xuất, giảm cân, chết phôi, mất khả năng sinh sản, làm hỏng vùng da lớn...Tuy tỷ lệ chết thấp nhưng tỷ lệ mắc bệnh rộng, có thể gây thành dịch. Trâu bò ở tất cả các lứa tuổi đề mắc bệnh.
Con đường lây truyền bệnh chủ yếu là do côn trùng: ruồi, mòng, ve... đốt hút từ trâu bò bệnh sang trâu bò khỏe. Hoặc do trâu bò khỏe tiếp xúc trực tiếp với con bệnh, vi rút từ các lớp da tổn thương, nước bọt, nước mũi, sữa, tinh dịch, thịt, dịch từ cục bị vỡ loét trên con bệnh truyền sang con khỏe. Ngoài ra, bệnh còn lây qua đường vận chuyển, chim chuột tiếp xúc với nguồn bệnh ...
Theo CV số 1355/TY-DT ngày 18/08/2020 của Cục Thú y về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm của bệnh VDNC trên trâu bò. Căn cứ vào báo cáo, kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng, UBND huyện Tiên Lãng đã ra Công điện khẩn số 02 ngày 30/03/2021, chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y cùng với Trạm Khuyến nông Tiên Lãng triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, tiêu hủy trâu bò bệnh, chất thải chăn nuôi, sản phẩm có liên quan tại 2 xã Tự Cường và Khởi Nghĩa.
Mặc dù, nguy cơ lây lan bệnh viêm da nổi cục trâu bò rất nguy hiểm, tuy nhiên cũng không nên hoang mang vì bệnh này. Đây là bệnh không lây sang người, đã có vác xin phòng bệnh, tuy nhiên, người chăn nuôi không được chủ quan, cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Để giúp người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của bệnh, các cán bộ khuyến nông cơ sở phụ trách chăn nuôi phối hợp cùng với cán bộ thú y và địa phương hướng dẫn bà con chăn nuôi trâu bò thực hiện các biện pháp phòng bệnh và điều trị hỗ trợ với trâu bò nghi bệnh, xét nghiệm còn âm tính như sau:
- Hướng dẫn bà con chăn nuôi thường xuyên theo dõi các biểu hiện của trâu bò để kịp thời phát hiện các biểu hiện khác thường của con vật như: ăn kém, bỏ ăn, sốt, nổi cục trên da... cần báo ngay với cơ quan chức năng và thú y địa phương để có biện pháp xử lý...Bên cạnh đó, khuyến cáo người chăn nuôi không được bán chui, bán chạy, giết mổ, tiêu thụ trâu bò có biểu hiện bị mắc bệnh.
- Phun khử trùng và sát trùng thường xuyên khu vực chuồng nuôi bằng: formaldehyt 1%, phenol 2%/15 phút, dung dịch iodin...
- Phát quang bụi rậm, diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng như: dung dịch iodin 3-5%, Hantox 200....
- Thu dọn chất thải đem chôn, đốt, rải vôi bột xung quanh chuồng trại.
* Đối với những trâu bò nghi mắc bệnh hoặc đang đợi kết quả xét nghiệm có thể sử dụng biện pháp điều trị hỗ trợ như sau:
+ Sử dụng kháng sinh kéo dài (các dòng Oxytetracyclin, Sefua...) ức chế và phòng bệnh bội nhiễm: 1-2 ngày/lần
+ Hạ sốt: Analgin C, Vitamin C.
+ Tiêu viêm: Dexamethazol (gia súc không mang thai), Presnisolon, Diclophenax.
+ Xử lý vết loét bằng kháng sinh có khả năng hút nước và lưu lại lâu như: Oxytetracyclin, Rivanol.
+ Truyền dịch hỗ trợ, nâng cao sức đề kháng: dung dịch Ringer lactac, đường 10%, muối 0,9%.
+ Hàng ngày sử dụng dung dịch iodin 3-5% phun toàn thân gia súc: 1-2 lần/ngày (phòng chống côn trùng).
Hoặc sử dụng bài thuốc dân gian khi các cục đã khô, bong vảy:
+ Phèn phi 100g + 200g chè xanh đun sôi kỹ với 4-5l nước + 0,2-0,3% muối, để nguội rửa lên vết thương, để khô sau đó sử dụng dung dịch axitláctic nhẹ hoặc chanh, khế thấm lên vùng bong tróc ngày 1-2 lần, sử dụng dung dịch xanhmethylen bôi lên để chống côn trùng.
+ Chăm sóc, dinh dưỡng tốt để tăng sức đề kháng cho gia súc
+ Để gia súc nơi khô ráo, thoáng mát, giữ cơ thể sạch sẽ để tăng khả năng thoát nhiệt.
+ Kiểm soát di chuyển gia súc, côn trùng.
+ Khoanh vùng, cách ly, tiêm phòng vác xin cho gia súc. Dùng vác xin phòng bệnh là con đường duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh.
Hiệu quả của vác xin sau khi được được tiêm kéo dài trên 1 năm hoặc lâu hơn. Những con bê được sinh ra từ bò mẹ đã khỏi bệnh hoặc sử dụng vắc xin thì được miễn dịch trong thời gian 6 tháng.
Một số hình ảnh về tiêu hủy bò bị bệnh viêm da nổi cục
Tiêu hủy bò bệnh viêm da nổi cục truyền nhiễm tại Tự Cường - Tiên Lãng
Bê bị bệnh viêm da nổi cục truyền nhiễm tại Khởi Nghĩa - Tiên Lãng
Ks.Vũ Chung Thùy - Trạm Khuyến nông Tiên Lãng