Những năm gần đây, Tổ dịch vụ sản xuất Nông nghiệp xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa. Qua đó, góp phần tiết kiệm sức lao động, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Tổ dịch vụ sản xuất Nông nghiệp xã Đông Phương được thành lập từ năm 2014 gồm có 3 thành viên chính, với diện tích cấy là 60 ha/230ha diện tích cấy toàn xã (20 ha của gia đình; 40 ha cấy thuê cho các hộ dân trong xã). Việc ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tích cực thực hiện chủ trương cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tải đang cấy máy
Nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân
Trong bối cảnh lao động công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng cao, các khoản chi phí đầu tư giống, nhân công tăng cao, lao động nông nghiệp giảm mạnh thì việc ứng dụng mô hình mạ khay máy cấy vào sản xuất là phù hợp với thực tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tải- thành viên của Tổ dịch vụ cho biết: trước đây bà con xã Đông Phương chủ yếu canh tác sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, cấy tay quá dày dễ gây ra nhiều sâu bệnh, năng suất kém. Khi chuyển sang cấy máy có những ưu điểm hơn: đảm bảo được mật độ, cây lúa đầy đủ ánh sáng, phát huy được hiệu ứng hàng biên, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển, giảm sâu bệnh, tăng năng suất, giảm tình trạng bỏ ruộng hoang trên địa bàn xã.
Bên cạnh đó, lúa cấy bằng máy sử dụng mạ trong các khay không trải qua giai đoạn nhổ mạ cấy nên hạn chế được hiện tượng đứt rễ. Vì vậy, sau khi cấy, cây lúa có khả năng bén rễ nhanh hơn, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi tốt hơn cho năng suất cao hơn.
Vận chuyển mạ khay cấy máy
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu cấy máy của địa phương cho diện tích 230 ha, Tổ dịch vụ sản xuất Nông Nghiệp xã Đông Phương phải đầu tư đồng bộ 1 giàn gieo mạ tự động, 3 máy cấy; 2 máy gặt và 4 máy làm đất với chi phí trên 2,5 tỷ đồng. Tổ dịch vụ vẫn chưa có giàn gieo mạ nên vẫn phải đặt gieo mạ khay ở đơn vị khác rồi đem về chăm sóc đến khi cấy. Do chưa chủ động được quy trình gieo mạ nên nhiều khi cũng ảnh hưởng đến lịch thời vụ.
“ Người nông dân bây giờ họ phó mặc hết ruộng của mình cho tổ dịch vụ. Mình nhận làm dịch vụ đồng bộ luôn từ khâu làm đất (180.000 đồng/sào), gieo cấy (280.000 đồng/sào) đến thu hoạch sản phẩm (130.000 đồng/sào). Nhiều hộ đến ngày thu hoạch phải trở thóc về đến nhà cho họ nữa”, ông Nguyễn Văn Hiển chia sẻ vui.
Không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, nhạy bén ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa còn tạo nguồn thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi vụ cho Tổ dịch vụ nông nghiệp xã Đông Phương. Giúp đơn vị tự chủ về tài chính và hoạt động hiệu quả hơn.
Những khó khăn cần có thêm hỗ trợ
Nhận thấy tính ưu việt của mô hình nên hiện nay, nhu cầu áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy trong bà con nông dân rất lớn. Tuy nhiên, hình thức sản xuất này đang gặp rất nhiều khó khăn: Chi phí đầu tư thiết bị máy móc rất lớn, cần diện tích cơ sở mặt bằng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, trang thiết bị…. Mặc dù đã được dồn điền, đổi thửa, song đồng ruộng vẫn còn manh mún, quy hoạch dàn trải, không bằng phẳng, khó điều tiết nước, kênh mương nội đồng chưa được sửa chữa nâng cấp định kỳ.
Đề nghị Thành phố, UBND huyện có chính sách hỗ trợ về vốn vay để các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư thêm máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất mạ khay, cấy máy”. Mô hình của Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp xã Đông Phương đã giải quyết thiếu hụt lao động trong nông thôn, hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang hiện nay, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế, cần được nhân rộng và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
KS. Trần Thị Hòa – Trạm KN Kiến Thụy