Liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Quang Phục

16:43:41 27/02/2024 Lượt xem 413 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

           Trong số xã trên địa bàn huyện Tiên Lãng, xã Quang Phục được biết đến là đơn vị liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống trên cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

        1.Từ liên kết sản xuất lúa giống:

       Với diện tích 500 ha chuyên trồng lúa, chiếm 86% số diện tích đất nông nghiệp, kinh tế Quang Phục chủ yếu nhờ vào nghề nông. Người nông dân với những thửa ruộng manh mún, diện tích ít, sản xuất nhỏ lẻ, thông tin thị trường hạn chế nên sản phẩm làm ra luôn bị ép giá, thường rơi vào cảnh "được mùa, mất giá", khi được giá lại không có nông sản để bán. Từ thực tế trên, từ những năm 2010, Ban quản trị HTX Quang Phục nay là HTX SX KD DV nông nghiệp Quang Phục đã xây dựng phương án liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống với nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh, Công ty giống cây trồng Thái Bình, (ThaiBinh Seed), Công ty Cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng, Công ty giống cây trồng Phú Thọ....trình Đại hội xã viên ban hành Nghị quyết, và được UBND xã thống nhất.

       Để chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao, Giám đốc HTX Quang Phục Nguyễn Văn Tiến cho biết HTX đã chủ động phối hợp UBND xã vận động các thành viên HTX tham gia quy hoạch vùng sản xuất lúa giống tập trung, với diện tích lớn; làm cầu nối ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Phối hợp với Trạm Khuyến nông Tiên Lãng tổ chức tập huấn quy trình sản xuất đến tận địa bàn thôn, xóm; Phối hợp với các công ty cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn nông dân gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời trên từng cánh đồng. Những hộ tham gia cũng được "hóa giải" nỗi lo về vốn cho nông dân khi họ được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cuối vụ mới phải thanh toán mà không tính lãi suất, còn sản phẩm sau khi thu hoạch đạt tiêu chuẩn sẽ được Công ty thu mua với giá cao hơn giá thóc thường từ 1.500 - 1.700 đồng/kg.

         Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về những ưu điểm và lợi thế của liên kết sản xuất nên bà con đăng ký tham gia sản xuất lúa giống nhiều hơn. Từ chỗ cả xã năm 2010 chỉ có chưa đến 50 hộ tham gia với diện tích sản xuất 12 ha, cho thu hoạch được gần 20 tấn lúa giống, đến nay diện tích đã tăng lên 200 ha với tổng số hộ liên kết là 500 hộ, cuối vụ thu hoạch tiêu thụ gần 1.000 tấn lúa giống, với giá cao hơn thóc thường tại thời điểm là 1.500 đồng/kg, mang lại giá trị gia tăng hơn 2 tỷ đồng.

         2. Đến cánh đồng mẫu lớn:

        Hiệu quả từ liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống của HTX đã tạo điều kiện cho việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn xã Quang Phục có nhiều thuận lợi, nhưng để cho "chắc ăn", HTX đã phối hợp cùng với chính quyền, các đoàn thể triển khai thí điểm trên địa bàn hai thôn Nêu, Lật Dương. Với mục tiêu đặt ra là thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến từ khâu giống, làm đất, mạ khay cấy máy, bón phân, theo dõi chăm sóc phòng trừ sâu bệnh và quản lý đến khâu thu hoạch. Từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập cho người trồng lúa. Kết quả bước đầu, các mô hình cánh đồng mẫu lớn đã cho năng suất 72 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với những thửa ruộng sử dụng giống tùy tiện, gieo cấy tay, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Quan trọng hơn, đó là tạo tâm lý phấn khởi và tin tưởng không chỉ đối với nông dân tham gia mô hình mà còn lan tỏa ra các thôn khác. Trong vụ Xuân 2024, HTX đã cùng các ban ngành đoàn thể và tổ Khuyến nông cộng đồng tổ chức thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn bảy thôn trong xã, tổng diện tích 200 ha, với các giống lúa như: J02, nếp, DS1, ST25..... Hiện tại các diện tích này đã cấy xong và đang được áp dụng theo phương thức cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, mạ khay, cấy máy, chăm sóc tập trung nên lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt.

 

         Ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc HTX cho biết quá trình "xóa bờ thửa, mở rộng bờ vùng" hình thành các cánh đồng mẫu lớn đã tạo nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, áp dụng phương thức "ba giảm, ba tăng" để đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, với phương thức sản xuất mang tính bền vững thể hiện tính vượt trội về năng suất, giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập hộ thành viên. Thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn. Vấn đề đặt ra là để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Theo đó, tạo điều kiện khuyến khích các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc một số giống lúa thuần có năng suất cao, chất lượng gạo tốt đưa vào sản xuất, thay dần những giống lúa có năng suất thấp, chất lượng kém. Các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng địa bàn kinh doanh trong và ngoài nước, chọn thị trường ổn định, sau đó ký kết tiêu thụ trực tiếp với nông dân. Còn các HTX nông nghiệp, tổ Khuyến nông cộng đồng sẽ làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm hạn chế nạn cò mồi, thương lái ép giá, tạo chuỗi liên kết lâu dài, bền vững, tránh tình trạng được mùa thì mất giá, sản phẩm nông dân làm ra không có nơi tiêu thụ như hiện nay.

Ks. Hoàng Thị Tâm – Trạm KN Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4696
  • Hôm qua: 3425
  • Tuần này: 8121
  • Tuần trước: 29866
  • Tháng này: 281247
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2849308
0225.3541.398 
messenger icon