Đến thăm làng nghề bánh đa Lạng Côn, xã Đông Phương vào bất cứ mùa nào trong năm chúng ta đều bắt gặp khắp các con đường quanh co trong làng khung cảnh vô cùng đặc biệt đó là những phên bánh đa vừa ra lò vẫn còn nóng hổi.
Bánh đa Lạng Côn vừa ra lò
May mắn cho tôi khi có mặt tại làng nghề bánh đa Lạng Côn xã Đông Phương vào buổi sáng sớm, người dân trong làng đang phơi những phên bánh đa vừa mới ra lò cho kịp thời gian, khắp trong nhà ngoài ngõ, mang đậm nét truyền thống về một không gian làng nghề Việt.
Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại, nghề làm bánh đa đã xuất hiện từ thế kỷ 10 ở Lạng Côn. Năm 2014, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu làng nghề bánh đa Lạng Côn. Đến nay, trong làng vẫn còn khoảng 43 hộ theo nghề, mỗi ngày sản xuất ra khoảng 16 vạn bánh đa các loại đi giao khắp nơi trong và ngoài xã.
Anh Phạm Văn Phác một người theo nghề làm bánh đa đã gần 20 năm chia sẻ: “Nhà tôi ba đời làm nghề bánh đa, đến đời tôi nếu như không sợ nghề truyền thống của làng bị mai một thì tôi cũng bỏ nghề lâu rồi. Vì làm nghề này vô cùng vất vả, phải thức khuya dậy sớm, nếu trời nắng thì không sao chứ trời mưa một ngày phải chạy bánh đa mấy lần nghĩ mà nản”.
Người dân trong làng đang lật bánh đa
Bánh đa truyền thống đặc sản của làng được làm từ bột gạo nguyên chất, Nguyên liệu làm bánh cũng rất đơn giản chỉ gồm gạo, đường trầm, gừng, vừng, quả gấc (làm bánh đa gấc). Muốn bánh ngon phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: gạo phải chuẩn, bột phải mịn, đủ nhiệt độ; người làm bánh phải làm việc cẩn thận, tỷ mỷ… Để có thể cho ra lò những phiên bánh đa vào buổi sáng sớm người làm bánh thức dậy từ 2 giờ sáng để xay bột, tráng bánh. Công đoạn phơi bánh là khó khăn và vất vả nhất vì phải phụ thuộc vào thời tiết nhiệt độ, nắng, mưa, nếu không cẩn thận bánh sẽ bị nứt, mốc, phải bỏ đi. Thời tiết thuận lợi, bánh sau khi ra lò khoảng từ 20-30 phút là được lật bánh, phơi từ 3-5 tiếng là bánh khô. Những chiếc bánh đa sau khi đã được phơi khô sẽ được đóng gói để thương lái đến thu mua giao đi khắp nơi. Giá mỗi chiếc bánh là 11.000 đồng/10 cái.
Trước kia, người dân chủ yếu làm bánh đa thủ công bằng tay rất vất vả mỗi ngày chỉ được vài trăm cái bánh. Nhưng những năm gần đây việc làm bánh đã được thay thế bằng máy, máy trộn, máy tráng… một hộ tráng được trên 4.000 bánh một ngày nên cũng phần nào giúp cho người dân đỡ vất vả giảm sức lao động và năng suất cũng được tăng lên đáng kể.
Làng nghề bánh đa Lạng Côn không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã, huyện mà còn có mặt ở khắp nơi trong thành phố Hải Phòng. Bánh đa Lạng Côn được nhiều người tin tưởng bởi là thứ bánh thơm, ngon, không dùng hóa chất, không dùng phẩm màu, hàn the. Nghề làm bánh đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây. Trừ chi phí mỗi hộ có thu nhập trung bình từ 25-30 triệu/tháng (4 người làm).
Trong thời gian tới UBND huyện Kiến Thụy sẽ đưa sản phẩm bánh đa Lạng Côn đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu bánh đa đảm bảo an toàn chất lượng cho quê hương, hy vọng sản phẩm sẽ liên kết tiêu thụ ổn định, góp phần gia tăng giá trị cho người dân.
Ks Trần Thị Hòa - Trạm Khuyến Nông Kiến Thụy