Hướng dẫn quản lý pH trong ao nuôi cá ở thời điểm giao mùa

15:07:37 07/10/2021 Lượt xem 7028 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Thời điểm giao mùa được xem là khoảng thời gian khó khăn nhất trong nghề nuôi cá vì chất lượng nước trong ao nuôi diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Một trong những nhân tố môi trường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống động vật thủy sản như sinh trưởng, tỷ lệ sống, sinh sản và dinh dưỡng chính là pH.

         Độ pH thích hợp cho ao nuôi cá người nuôi cần duy trì ở mức từ 7-8,5 là tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển. Khi pH thay đổi kéo theo sự rối loạn quá trình trao đổi muối - nước giữa cơ thể và môi trường ngoài. Đối với những ao bị nhiễm phèn cao thì vấn đề pH trong ao nuôi giảm nhanh khi gặp nước mưa nhất là những trận mưa kéo dài. Nếu người nuôi không có biện pháp chuẩn bị và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng các loài thủy sản nuôi bị chết đột ngột với số lượng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

          Nguyên nhân của việc pH trong ao bị giảm có thể do nhiều yếu tố như phân hủy chất hữu cơ, hô hấp của thủy sinh vật… Tuy nhiên vấn đề pH giảm nhanh đến dưới 4,5 chủ yếu là do đất phèn tiềm tàng bị oxy hóa. Để đề phòng vấn đề này, người nuôi cần lưu ý một số điều sau đây:

      - Thường xuyên kiểm tra pH trong ao nuôi bằng bộ test chuyên dụng. Nên kiểm tra 2 lần/ngày vào lúc 8-9 giờ sáng, khi mặt trời đã lên cao, lần thứ 2 vào lúc 16-17h chiều. Khi kiểm tra nên lưu ý lấy mẫu nước ở giữa ao và cách mặt nước khoảng 0,5 m. Cần tuân thủ các bước lấy mẫu và so màu theo như hướng dẫn đi kèm, sau khi cho dung dịch thuốc thử vào mẫu phải lắc đều và so màu ngay, nếu để quá lâu sẽ cho kết quả không chính xác.

        - Sử dụng vôi để giảm pH là phương pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất, có nhiều loại vôi nhưng người nuôi nên sử dụng loại vôi nông nghiệp có thể là vôi đá (CaCO3) hoặc vôi đen CaMg(CO3)2. Số lượng vôi cần sử dụng tùy thuộc vào độ pH trong ao, đối với ao đã nuôi nhiều năm liều lượng sử dụng là 10-15 kg/1.000 m2, tạt đều xuống ao và rải trên bờ ao, có thể trên cả lối đi. Việc rải vôi trên bờ ao giúp cho lượng acid trên bờ ao được trung hòa trước khi bị rửa trôi xuống bờ ao. Biện pháp trên cần được thực hiện trước khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa sẽ mang lại hiệu quả cao. Riêng đối với ao nuôi vụ đầu tiên cần sử dụng vôi giống như trên nhưng với liều lượng cao hơn, từ 50-70 kg/1.000 m2. Sau khi bón vôi, cần kiểm tra lại pH thường xuyên, nếu pH vẫn còn thấp thi tiếp tục sử dụng lặp lại cho đến khi pH đạt mức yêu cầu.

      - Sau khi pH đã ổn định, người nuôi tiếp tục sử dụng các loại men vi sinh và các loại hóa chất gây màu nước, xử lý liên tục từ 5-7 ngày, mục đích là làm giảm lượng khí độc trong ao nuôi, kích thích hệ tảo phát triển thông qua đó làm tăng cường khả năng của hệ đệm trong nước, có như vậy thì pH trong ao nuôi sẽ được giữ ổn định ở mức thích hợp và ít biến động.

      Ngoài việc chú trọng quản lý pH trong ao, trong quá trình nuôi cần bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin C vào khẩu phần ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng của đối tượng nuôi. Có như vậy thì vụ nuôi mới thắng lợi, đem lại lợi nhuận cho người nuôi thủy sản.

Ks.Bùi Thị Hợp – Trạm KN Liên quận

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 8260
  • Hôm qua: 11276
  • Tuần này: 46137
  • Tuần trước: 73453
  • Tháng này: 277621
  • Tháng trước: 566218
  • Lượt truy cập: 4645630
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon