Nhận thấy cây Thanh Long là cây phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại Hải Phòng, gia đình ông Phạm Đức Hiểu ở thôn Đồng Xuân, xã Trường Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 16 sào đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng 600 gốc Thanh Long. Đến nay, mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu đã cho thấy có hiệu quả kinh tế.
Mô hình trồng Thanh Long của gia đình ông Hiểu đang được nhân rộng ở xã Bát Trang
Với quyết tâm muốn đưa cây Thanh Long trở thành cây trồng thay thế cho những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp, năm 2016 gia đình ông Hiếu đã đi tìm hiểu thực tế, học hỏi kinh nghiệm và bắt tay xây dựng mô hình trồng Thanh Long, cùng với sự tư vấn hướng dẫn về kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng và sự hỗ trợ của cán bộ Khuyến nông Trạm Khuyến nông An Lão, ông Hiếu chuyển đổi 8 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây Thanh Long.
Sau thời gian trồng thử nghiệm 300 gốc, nhận thấy cây Thanh Long mang lại hiệu quả và có giá trị kinh tế cao. Sau một năm ông lại tiếp tục thuê thêm ruộng của các hộ dân xung quanh trồng thêm 300 gốc, đến thời điểm hiện nay ông đã trồng 600 gốc Thanh Long trên tổng diện tích 16 sào.
Được cán bộ Khuyến nông Trạm An Lão hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật từ khâu làm đất, chuẩn bị cây trụ bê tông, lựa chọn cây giống, trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình ông luôn tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của Khuyến nông cơ sở. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất gia đình ông đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt và chăm sóc theo quy trình hữu cơ. Do sản xuất theo quy trình hữu cơ nên chất lượng quả Thanh Long luôn đảm bảo, quả có vị ngọt mát, màu sắc quả đẹp mắt.
Sau hơn 05 năm triển khai mô hình 600 gốc cây Thanh Long của gia đình ông Hiếu đến nay đã cho hiệu quả kinh tế.
Cán bộ khuyến nông cơ sở theo dõi mô hình Thanh Long
Trong một năm, Thanh Long cho thu hoạch liên tiếp trong 9 đợt, sản lượng sẽ tiếp tục tăng dần trong những năm tiếp theo và đặc biệt tuổi thọ của cây bình quân từ 20 - 25 năm tùy theo khả năng chăm sóc. Tại thời điểm này, mỗi ngày, gia đình ông thu hái được hơn 1 tấn quả, với giá bán trung bình 15-20 nghìn đồng/kg. Ước tính sau vụ thu hoạch này, sẽ mang lại thu nhập cho gia đình từ 150 - 200 triệu đồng, cao hơn gấp 4 lần so với trồng lúa.
Không chỉ tiên phong chuyển đổi diện tích đất cấy lúa sang trồng cây Thanh Long, ông Phạm Đức Hiểu còn tích cực chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con nông dân trong xã tham gia chuyển đổi. Hiện nay ngoài gia đình ông Hiểu, một số hộ trong thôn cũng trồng Thanh Long. Tuy diện tích không nhiều nhưng cũng góp phần mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Có thể khẳng định, mô hình trồng cây Thanh Long của gia đình ông Hiếu là mô hình mới, từng bước khẳng định giá trị kinh tế của cây trồng này đem lại tại địa phương. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, cây Thanh Long sẽ là cây trồng chủ lực, thay thế những cây trồng kém hiệu quả, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình và góp phần tăng thu nhập cho người nông dân tại địa phương cũng như trên phạm vi toàn huyện và thành phố.
Ks. Đào Thị Phương Nhung - Trạm Khuyến nông An Lão