Hải Phòng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn - hướng đi bền vững tiềm năng và thách thức

15:29:49 20/12/2024 Lượt xem 13815 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới du lịch bền vững, thành phố Hải Phòng đang tận dụng những lợi thế địa phương để đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn. Đây không chỉ là xu hướng thời đại, mà còn mở ra con đường phát triển kinh tế bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân.

            Hải Phòng là đô thị loại I cấp quốc gia, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Những năm gần đây, thành phố liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ chiếm 90% trong GDP. Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn còn hơn 55% dân số ở khu vực nông thôn, với hơn 55 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp. Căn cứ Quyết định Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định Phê duyệt Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Thủ Tướng CP và quy hoạch chung thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thành phố Hải Phòng xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao; Phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản bền vững; gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

        Khu vực nông thôn Hải Phòng hiện vẫn còn lưu giữ được nếp sống, phong tục tập quán truyền thống của người dân vùng Đồng bằng sông Hồng; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống với các làn điệu dân ca, các tích chèo, múa rối nước; những món ăn truyền thống, dân dã mang hồn Việt cùng hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống (tạc tượng Bảo Hà, mây tre đan Chính Mỹ, dệt chiếu Lật Dương, mây tre đan An Thái…) tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh nông thôn Hải Phòng và là yếu tố hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

         Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhà nước quan tâm, đầu tư về cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, môi trường, viễn thông...), đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Đây được xem là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông thôn một cách bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút lao động, đặc biệt là lao động trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất nông thôn, tạo nguồn nhân lực cho du lịch phát triển.

         Việc phát triển du lịch nông thôn đã góp phần mở rộng không gian tuyến điểm du lịch, bước đầu hình thành điểm đến mới, giảm bớt sự quá tải tại các trung tâm du lịch truyền thống của thành phố là Đồ Sơn và Cát Bà, góp phần gia tăng các sản phẩm trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến với Hải Phòng. Đây cũng là một trong số những sản phẩm du lịch giúp khắc phục tính mùa vụ của du lịch biển Hải Phòng, tạo lợi thế thu hút khách vào mùa thấp điểm (Đông Xuân và Thu Đông). Đồng thời góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đặc sắc địa phương cũng như giữ gìn môi trường sinh thái.

Mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp

        Để phát huy tiềm năng du lịch, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, Hải Phòng đã lựa chọn một số huyện có tiềm năng như Cát Hải, Kiến Thụy, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên để xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông thôn.

         Bên cạnh đó, một số nông dân đã chủ động phát triển trang trại tổng hợp, mô hình VAC, vườn cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách như: trang trại tổng hợp Trường Thành Farm, khu Đảo Bầu, trang trại hoa phong lan, Trung tâm trải nghiệm sáng tạo Hai Bà Trưng (với loại hình tham gia trải nghiệm nông trại để mở mang kiến thức xã hội, kỹ năng sống đáp ứng nhu cầu thực tế trải nghiệm đời sống nông thôn, tham quan các mô hình sản xuất, nông nghiệp, thưởng thức các món ăn chế biến từ nông sản). Sự phát triển của các mô hình này đã góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê và đời sống người dân nơi đây. Người nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định và được tham gia vào hoạt động quản lý du lịch.

 

         Việc phát triển du lịch nông thôn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, thiếu cách làm bài bản để thu hút du khách. Đa số hoạt động du lịch nông thôn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, kết nối. Nguyên nhân chính là do mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn mặc dù phát sinh từ nhu cầu thực tế song lại chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện. Luật Du lịch 2017 chưa đề cập cụ thể loại hình du lịch nông nghiệp trong các quy định về tài nguyên du lịch. Theo đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về quy mô, diện tích, sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát triển du lịch nông nghiệp cũng chưa được quy định rõ ràng. Vấn đề về đất đai, xây dựng hạ tầng, cảnh quan, vốn là những yếu tố cốt lõi tạo nên tính đặc sắc, hấp dẫn của sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, vẫn còn rất nhiều vướng mắc nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

 

 Khu du lịch sinh thái Đảo Bầu

          Với định hướng “phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn”, năm 2022, thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030 với các nhiệm vụ, giải pháp được phân công chi cụ thể cho các ngành, địa phương để tổ chức triển khai.

           Theo báo cáo của Sở Du lịch Hải Phòng, để hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn thực sự phát huy hiệu quả trong thời gian tới cần đưa ra một số giải pháp sau:

          Một là, cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương. Trong đó, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng trên cơ sở liên kết hình thành tuyến du lịch. Ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng...

         Hai là, hoàn thiện pháp luật về du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn, nhất là các chính sách về đất đai với các quy định cụ thể về quỹ đất cho phát triển du lịch nông nghiệp bảo đảm quy mô, đáp ứng nhu cầu thực tế để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho loại hình kinh tế này phát triển. Đồng thời sớm ban hành các hướng dẫn thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn với các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện cần được tính toán phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường, kinh tế, văn hóa - xã hội tại từng vùng miền ở nông thôn; công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

         Ba là, đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Việc xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng. Để phát huy thế mạnh của vùng, cần có sự điều phối chung của vùng trong việc nghiên cứu sản phẩm và khai thác thị trường.

          Bốn là, thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.

         Năm là, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cán bộ ngành du lịch, đặc biệt là cấp cơ sở cần được nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là năng lực trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, được tiếp cận tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông. Đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng, cần bổ sung vốn kiến thức về văn hóa bản địa, tăng cường đào tạo cung cách, kỹ năng phục vụ du lịch...

          Sáu là, các địa phương cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với các sản vật được sản xuất tại địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) mang thương hiệu của địa phương. Tăng cường các hoạt động liên kết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh với thế mạnh nông nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp các địa phương có điểm đến để nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách…

         Bảy là, chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Quản lý chất lượng dịch vụ lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa các nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành. Xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ hình thành các mô hình trang trại du lịch kiểu mẫu (Farmstay) trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch.

        Tám là, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Sản phẩm nông nghiệp phải được hướng dẫn sản xuất và công nhận tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ; công nghệ chế biến; mẫu mã, bao bì đẹp được kiểm định và đảm bảo. Nghiên cứu nhu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu dùng du lịch thông qua các sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe; hàng tiêu dùng đặc sản địa phương làm quà tặng, đồ lưu niệm.

Ths. Lê Thị Đức – TP Đào Tạo, Thông tin và Thị trường

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6973
  • Hôm qua: 10386
  • Tuần này: 35247
  • Tuần trước: 45318
  • Tháng này: 322835
  • Tháng trước: 566844
  • Lượt truy cập: 5251696
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon