Thời tiết mưa rét, kết hợp với nồm ẩm, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, sinh sản của đàn gia súc, gia cầm, tạo môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh nguy hiểm như vi rút Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng gia súc, Cúm gia cầm, Tai xanh ở lợn,...tồn tại và phát triển, gây nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Quận Đồ sơn có tổng đàn chăn nuôi là 29378 con. Trong đó, lợn: 8281 con, đại gia súc: 221 con, gia cầm: 20754 con (Theo thống kê tháng 2 năm 2022). Để chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi. Trạm Khuyến nông Liên Quận tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi cần chủ động áp dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật phòng chống rét cho vật nuôi, đồng thời lưu ý một số nội dung như sau:
1. Đối với chuồng trại
Chủ động tu sửa chuồng trại, có hệ thống bạt, rèm che chắn chuồng, bảo đảm chuồng trại kín, ấm, khô. Đặc biệt, nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, cần rải thêm lớp trấu, rơm khô để giữ ấm chân và tăng nhiệt độ trong chuồng.
2. Thời điểm chăn thả gia súc
Không chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ ngoài trời dưới 120C (đặc biệt là gia súc nhỏ), nhốt vật nuôi trong chuồng để tiện chăm sóc, quản lý và giữ ấm cho đàn vật nuôi.
3. Chăm sóc nuôi dưỡng
- Đốt, sưởi cho gia súc, gia cầm khi trời lạnh, nhiệt độ thấp: Tốt nhất là dùng bóng đèn điện tròn hồng ngoại để sưởi, giữ ấm chuồng; hoặc có thể sử dụng các nhiên liệu để đốt sưởi như: Trấu, củi, than,...Trong quá trình đốt sưởi phải chú ý phòng hỏa hoạn và thoát khí độc (CO2, CO,...).
- Cho gia súc, gia cầm ăn uống đầy đủ và tăng cường dinh dưỡng.
+ Đối với trâu bò, cần đảm bảo dự trữ rơm khô hoặc thức ăn ủ chua, bình quân từ 5-7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét, ngoài đảm bảo khẩu phần thức ăn thô xanh (20-30 kg cỏ hoặc rơm, thức ăn thô xanh), bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, ngô, gạo khoảng 1-2 kg/con/ngày, cho uống nước ấm có pha muối loãng (20-30g muối/con/ngày).
+ Đối với lợn và gia cầm thương phẩm cho ăn theo khẩu phần tự do;
+ Đối với lợn, gia cầm sinh sản tăng khẩu phần từ 15-20% so với mức ăn. Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh, kết hợp bổ sung thuốc bổ các loại khoáng vitamin, các men tiêu hóa, dể tăng khả năng hấp thụ thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng.
4. Vệ sinh thú y
Tăng cường thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trong và ngoài chuồng nuôi, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Thường xuyên giám sát và thực hiện quy định về khai báo dịch bệnh nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc,... kiện thời tiết rét, ẩm.
Khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ks. Phạm Thị Thu Hải - Trạm Khuyến nông Liên Quận