Từ lâu, xã Kiến Thiết được xem là nơi phát triển vùng chuyên canh hoa màu với các đối tượng cây trồng chủ yếu là dưa lê, ớt, dưa bở…; trong đó, mô hình trồng dưa lê trên nền đất lúa được nông dân thôn An Thạch, xã Kiến Thiết đưa vào trồng hơn chục năm, là hướng đi hiệu quả tại vùng này.
Ông Vũ Văn Hương – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Kiến Thiết cho biết, loại cây này có ưu điểm dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, quả chín đều, chất lượng khá tốt nên được thương lái thu mua với giá cao. Mỗi một công dưa lê, sau khi thu hoạch thu lãi rất nhiều lần trồng lúa. Vì vậy, nhiều người dân ở đây mở rộng đầu tư diện tích đất canh tác, từng bước đưa loại dưa lê trở thành một trong những giống cây trồng chủ lực tại địa phương.
Theo ông Vũ Văn Sang, trước đây, nông dân chỉ làm hai vụ lúa là chính, sau khi thấy một số người dân địa phương trồng hiệu quả dưa lê trên nền đất lúa theo dạng “hai lúa, một màu”, gia đình ông Sang cũng làm theo. Trung bình mỗi một mẫu gia đình thu hoạch từ 10-15 tấn, với giá bán hiện nay từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Trước đây các hộ trong thôn, xã cũng chỉ loay hoay trồng hai vụ lúa trong năm, nên đời sống khó khăn. Sau khi một số hộ được đi tập huấn mô hình xen canh lúa - dưa, ớt do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức ở một số nơi, các hộ thấy người dân trồng dưa hoàng kim, dưa lê, ớt hiệu quả trên nền đất lúa mùa vừa thu hoạch và được sự hướng dẫn của Khuyến nông viên Trạm Khuyến nông Tiên Lãng nên các hộ đã mạnh dạn về trồng theo.
Đúng là hiệu quả ngoài mong đợi, sau thời gian khoảng 55-60 ngày từ ngày gieo hạt sẽ cho thu hoạch. Với loại dưa lê đặc điểm ít hao hụt, dễ trồng nên cho thu hoạch ổn định, vì vậy trung bình mỗi năm cho ông Sang thu về khoảng 100-150 triệu đồng/vụ.
Ông Vũ Văn Hương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Kiến Thiết cho biết, trước đây nông dân đa phần còn khó khăn, từ khi chuyển sang mô hình trồng dưa lê đã vươn lên thoát nghèo và đã có nhiều hộ khá giàu.
Trong đó phải kể đến hộ ông Đỗ Văn Quyền, với 1,5 ha diện tích trồng dưa lê, mỗi năm cho gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng, nay đã xây nhà khang trang ngay trong vùng quê.
Cũng theo ông Vũ Văn Hương, trồng dưa lê không đòi hỏi cầu kỳ, nhưng phải đúng kỹ thuật. Trước đây, nông dân xã Kiến Thiết cũng đã trồng, nhưng theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng kém.
Sau khi được tập huấn, người dân được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, dần thay đổi theo phương thức trồng thưa, phủ rơm rạ kết hợp với thường xuyên bấm ngọn, tuyển quả. Nhờ đó, hạn chế sâu hại tấn công, giảm bệnh héo xanh, giúp cây phân cành tốt cho sai trái góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Từ hiệu quả mô hình này, nhiều nông dân xã Kiến Thiết đang chuyển sang trồng dưa lê; trong đó có nhiều gia đình áp dụng thành công mô hình hai vụ lúa, một vụ màu; thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Trạm Khuyến nông Tiên Lãng tổ chức để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng; ứng dụng sản xuất theo hướng VietGAP, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Qua thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước thay đổi những nhận thức của nông dân trong sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, đặc biệt, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo ra sản phẩm và giữ cho môi trường an toàn.
Ngoài ra, luân canh màu trên nền đất lúa còn rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo lịch thời vụ, từng bước thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện từng vùng.
Ks. Trần Thị Thanh Mai – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng