Chuỗi bài: Hướng đến tổng kết 30 năm Khuyến nông Việt Nam, thành lập Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Vai trò của Khuyến nông trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Nuôi trồng thuỷ sản

15:33:21 05/08/2023 Lượt xem 1087 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        I. Đặc điểm chung

        Giai đoạn 1994-2022 nền sản xuất nông nghiệp nước ta đã chuyển qua nhiều giai đoạn:

       Giai đoạn đầu (từ năm 1994- 2004) nền nông nghiệp chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang phát triển kinh tế nông hộ. Vai trò Khuyến nông tập trung thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Khuyến nông tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ với các chương trình Khuyến nông ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng.

        Giai đoạn 2005- 2017 và giai đoạn 2018- 2022 đây là giai đoạn nền nông nghiệp nước ta cũng như thành phố Hải Phòng từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, các tiến bộ kỹ thuật về giống chất lượng cao, các công nghệ canh tác hiện đại từng bước được ứng dụng vào sản xuất. Vai trò Khuyến nông giai đoạn này tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất sử dụng. Bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ kết hợp với ứng dụng kỹ thuật thâm canh tiến bộ đã thúc đẩy phong trào xây dựng cánh đồng thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm phát triển rộng khắp trên toàn quốc.

        Trong những năm qua (giai đoạn 1994-2022), công tác Khuyến nông nói chung và Khuyến ngư của thành phố nói riêng đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ nông, ngư dân đổi mới và phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ giúp đỡ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thiết thực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thành phố.

        Công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản đã được triển khai đồng bộ trên lĩnh vực nuôi: nước ngọt, nước mặn, nước lợ theo hướng bền vững kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái. Khuyến ngư chuyển giao các công nghệ nuôi mới vào sản xuất như nuôi thâm canh và bán thâm canh giúp tăng năng suất nuôi tôm cá. Trong những năm đầu của giai đoạn 1994-2022, nuôi cá truyền thống năng suất chỉ đạt từ 1-4 tấn/ha; sau đó nhờ được chuyển giao TBKT, kỹ thuật thâm canh tiên tiến năng suất đã tăng lên, đạt 15-30 tấn/ha, đồng thời đã rút ngắn thời gian từ 2-3 tháng/vụ nuôi. Hệ thống Khuyến ngư thành phố đã chuyển giao áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, hiện đại, có trách nhiệm, an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP… đã góp phần nâng cao thu nhập, lợi nhuận đạt từ 100 triệu đồng/ha lên 300 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt nhiều mô hình đạt trên 1.000 triệu đồng/ha (tôm thẻ chân trắng, cua biển...) nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trái vụ và nuôi vụ đông trong nhà bạt...

          II. Một số kết quả nổi bật giai đoạn 1994-2022

          1. Hoạt động thông tin, tuyên truyền

         Trong những năm qua, hoạt động thông tin, tuyên truyền của hệ thống Khuyến ngư thành phố ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và chú trọng nâng cao chất lượng. Cụ thể:

        - Hàng năm, tham mưu cho lãnh đạo trung tâm ban hành 05 - 06 văn bản hướng dẫn về kỹ thuật theo từng giai đoạn. Phối hợp với chính quyền địa phương tham gia chỉ đạo sản xuất (mùa vụ, dịch bệnh...) thủy sản, phát trên đài phát thanh của xã phường 450-500 tin bài.

         - Phối hợp với đài truyền hình Hải Phòng, VTC, VTV2 và các Trạm Khuyến nông thực hiện 15 - 20 phóng sự truyền hình/năm.

          - Biên soạn mới 10- 15 tài liệu kỹ thuật/năm về nuôi trồng, khai thác và chế biến, VSATTP.

         - Tổ chức 4 - 8 cuộc hội nghị, hội thảo tổng kết nhân rộng mô hình mỗi năm.

         - Mỗi năm thực hiện 10 - 15 bài viết trên cuốn thông tin Khuyến nông Hải Phòng; 80-90 tin, bài viết trên cổng thông tin điện tử Khuyến nông Hải Phòng.

       - Phòng CGKT Thủy sản viết 02 bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về “Nghiên cứu thực nghiệm nuôi tôm càng xanh (Macrobranchium rosenbergii De man, 1879) toàn đực hai giai đoạn tại Hải Phòng” và Đại học Hạ Long về “Ứng dụng một số chất kích thích miễn dịch trong nuôi trồng thuỷ sản”.

        - Đồng thời hệ thống Khuyến nông thành phố Hải Phòng cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các nội dung và hình thức phong phú đa dạng, tạo điều kiện cung cấp thông tin tiến bộ kỹ thuật, cơ chế chính sách, giá cả thị trường kịp thời cho nông dân.

          2. Hoạt động đào tạo, tập huấn

          - Trong những năm qua, hoạt động đào tạo tập huấn được xác định là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong hoạt động Khuyến ngư, góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ Khuyến nông cơ sở và nông dân. Nội dung đào tạo, tập huấn phong phú, sát nhu cầu của đối tượng; phương pháp tập huấn thường xuyên được đổi mới; đa dạng hóa các hình thức tập huấn Khuyến nông trực tiếp tại lớp học và hiện trường; đào tạo gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông và internet…

        - Đã tổ chức 1.058 lớp tập huấn cho khoảng 54.536 lượt người tham dự từ nguồn kinh phí của Trung ương và thành phố và 6.348 lớp tập huấn tự mở của Khuyến nông viên tại các quận, huyện cho 190.440 lượt người.

         3. Hoạt động xây dựng mô hình:

        Xây dựng 115 mô hình, dự án quy mô 115,17 ha nuôi trồng thủy sản từ nguồn kinh phí của Thành phố và Trung ương và 378 mô hình tự xây dựng của các khuyến nông viên. Các mô hình triển khai đúng tiến độ, đạt và vượt mực tiêu đề ra. Một số kết quả mô hình, dự án tiêu biểu:

        - Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc” triển khai tại 5 thành phố/tỉnh (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa) trong 3 năm 2019-2021. Năng suất trung bình: 20,27 tấn/ha, lãi thuần trên 1,2 tỷ đồng/ha cao hơn mô hình truyền thống 60%.

          Mô hình: “Nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm” tại xã Tân Dân huyện An Lão và phường Phù Liễn quận Kiến An. Năng suất 12 tấn/ha; hiệu quả kinh tế tăng 35% so với các mô hình truyền thống. Sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình đã liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học đến tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các chủ hộ nuôi theo quy trình, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các chuỗi cửa hàng.

         - Mô hình: “Ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi thâm canh cá rô phi theo VietGAP liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm”: tại xã Mỹ Đức huyện An Lão, năng suất 42 tấn/ha, vượt 31,2% so với yêu cầu, lợi nhuận 250 triệu/ha.

           4. Công tác nghiên cứu khoa học

          Trong giai đoạn 2004 – 2022 đã thực hiện 16 nhiệm vụ khoa học công nghệ trong đó 10 đề tài cấp Thành phố, 6 đề tài cấp cơ sở. Các nhiệm vụ đều được hội đồng khoa học nghiệm thu xếp loại khá và xuất sắc. Kết quả nghiên cứu đã được xây dựng các dự án ứng dụng, dự án Khuyến nông Trung ương, xây dựng các mô hình trình diễn điểm. Các kết quả được xây dựng các quy trình đã được công nhận các tiến bộ kỹ thuật phổ biến nhân rộng trong các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình...

             5. Tư vấn Khuyến nông, liên kết với các doanh nghiệp

            - Tư vấn, kết nối 8 doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản với 30 hộ và 1 HTX nuôi trồng thuỷ sản, chuyển giao các quy trình công nghệ vào sản xuất. Qua đó các hộ đã được hỗ trợ, chuyển giao các quy trình kỹ thuật tiên tiến như ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng độ mặn thấp; Công nghệ ủ vi sinh...nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, sản phẩm đảm bảo chất lượng, nâng cao năng suất hiệu quả kinh tế.

           Từ kết quả đó, đã giúp nông ngư dân thay đổi tư duy, nâng cao trình độ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi.

             III. Đánh giá chung

         Kết quả hoạt động Khuyến nông của thành phố trong những năm qua góp phần nâng cao “nông trí” và chuyên nghiệp hóa người nông dân. Mọi hoạt động Khuyến nông đều xoay quanh nông dân, đáp ứng nhu cầu của nông dân theo phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có Khuyến nông”. Bên cạnh những kết quả đạt được như đã trình bày ở trên, công tác Khuyến nông lĩnh vực thuỷ sản của thành phố vẫn tồn tại nhiều hạn chế:

         - Những quy định từ Luật đất đai 2013 hiện đang là rào cản lớn cho việc sản xuất hàng hóa trong nuôi trồng, bảo quản sản phẩm thủy sản. Đồng thời rất khó khăn để hình thành vùng nuôi gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng theo hướng phát triển bền vững.

          - Công tác quy hoạch vùng tập trung còn ít, một số vùng quy hoạch chồng chéo, người dân không mạnh dạn đầu tư nên cơ sở hạ tầng không đáp ứng được các điều kiện để thực hiện các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Một số Quy hoạch nuôi trồng thủy sản bị thay đổi, tác động do các hoạt động kinh tế - xã hội khác như: các dự án giao thông, xây dựng cảng biển, khu công nghiệp… dẫn đến diện tích nuôi trồng thủy sản dần bị thu hẹp.

         - Cơ chế chính sách hoạt động Khuyến nông chưa đồng bộ, chưa bắt kịp với điều kiện sản xuất, nuôi trồng thực tế; còn nặng về thủ tục hành chính, ràng buộc nên hoạt động Khuyến nông còn nhiều khó khăn.

        - Công tác Khuyến ngư đã thành công về chuyển giao kỹ thuật; nhưng chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế, thị trường; Đã xây dựng thành công những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, … Tuy nhiên những liên kết này còn lỏng lẻo, hiệu quả chưa cao, chưa bền vững.

       - Năng lực cán bộ khuyến ngư còn hạn chế, đặc biệt thiếu các kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị kinh doanh, thương mại điện tử, chuyển đổi số…

        - Bên cạnh đó, công tác Khuyến ngư cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, úng lụt, nhiệt độ quá cao; dịch bệnh tiềm ẩn bùng phát… Đồng thời những khó khăn trong và ngoài nước, xung đột vũ trang, dịch bệnh trên thế giới đang gây sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng toàn cầu, giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao, làm suy yếu tính liên kết bền vững trong nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

           IV. Đề xuất kiến nghị

         Để khẳng định vai trò của công tác Khuyến nông trong những năm tới hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, phổ biến kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Khuyến nông, khuyến ngư bao gồm cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

        1. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phố cần tiếp tục củng cố, kiện toàn ổn định hệ thống tổ chức Khuyến nông nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở, đảm bảo giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong hoạt động Khuyến nông.

         2. Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phố cần xây dựng cơ chế chính sách cho lực lượng cán bộ Khuyến nông nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo, dẫn dắt Khuyến nông doanh nghiệp, Khuyến nông cộng đồng hoạt động. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hoạt động dịch vụ công Khuyến nông: định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ công. Khuyến khích phát triển mô hình quỹ khuyến nông để chủ động nguồn lực hoạt động khuyến nông.

           3. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nông dân sản xuất giỏi, nghệ nhân, những người có tâm huyết, đam mê với nông nghiệp, nông dân, nông thôn tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực cho hoạt động Khuyến nông.

         4. Tiếp tục cải tiến các phương pháp Khuyến nông phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông như: sử dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, công nghệ 4.0 để quản lý, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi, giám sát từ xa, đánh giá chất lượng và hiệu quả của mô hình Khuyến nông trước khi phổ biến, nhân rộng.

           5. Đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm xây dựng nền nông nghiệp, thủy sản có trách nhiệm, hiệu quả và bền vững.

          6. Về tư vấn Khuyến nông: phát triển các dịch vụ tư vấn khuyến nông trực tuyến trên truyền hình, truyền thanh, mobile app… để tư vấn cho nông dân giải quyết những vấn đề trong sản xuất và kinh doanh.

Ths. Đặng Thị Thanh - TP. Phòng CGKTTS

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 405
  • Hôm qua: 4550
  • Tuần này: 405
  • Tuần trước: 29866
  • Tháng này: 273531
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2841592
0225.3541.398 
messenger icon