Được du nhập vào Việt Nam cách đây khá lâu, nhưng trong 10 năm trở lại đây thú nuôi cá Koi mới thực sự nở rộ. Không chỉ bắt mắt với màu sắc đẹp, cá Koi còn hấp dẫn bởi yếu tố phong thủy đem lại sự giàu sang, may mắn cho gia chủ. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, một số hộ dân với diện tích ao đầm, ruộng sâu trũng đang nuôi các loại cá truyền thống như cá trắm, trôi, mè, cá – lúa, ,… cho thu nhập không ổn định đã quyết tâm tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Một trong những hướng đi bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao đó là nuôi cá cảnh, đối tượng chính là cá chép Koi. Hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng, diện tích nuôi cá Koi tập trung nhiều ở một số xã Mỹ Đức, An Thắng, Quang Hưng huyện An Lão; xã Minh Tân, Tân Trào huyện Kiến Thụy; Hòa Nghĩa - Dương Kinh;…
Nhằm hỗ trợ bà con nông dân nuôi trồng thủy sản phát triển đối tượng mới có giá trị kinh tế cao, năm 2021 Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh học ương nuôi cá chép Koi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Đây là mô hình đầu tiên được thực hiện trên đối tượng cá cảnh từ trước đến nay. Khác với những mô hình nuôi cá thịt, sản phẩm tạo ra được sử dụng phục vụ thú chơi giải trí, trang trí tiểu cảnh, chất lượng sản phẩm không được quyết định bởi giá trị dinh dưỡng, thịt thơm ngon mà được quyết định bởi ngoại hình, màu sắc, khoang vân…
Kỹ thuật chăm sóc quản lý ao nuôi để tạo ra đàn cá có chất lượng màu sắc đẹp đang là một trong những hạn chế của những hộ dân trên địa bàn thành phố. Những giải pháp về sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, lọc tách phân loại qua các giai đoạn đã được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn đến người nuôi.
Lọc tách, phân loại cá trong quá trình nuôi
Hộ gia đình anh Vũ Văn Tăng là một trong những hộ nuôi cá chép Koi lớn tại huyện An Lão. Hiện tại, anh đang ấp ủ mong muốn nâng tầm thương hiệu cá chép Koi Việt. Theo anh Tăng chia sẻ thì so với cá chép Koi Nhật Bản thì cá chép Koi Việt Nam có khả năng thích ứng với môi trường cao hơn, ít dịch bệnh và giá cả cũng phù hợp với đa số khách hàng hiện tại. Giá bán hiện tại của cá chép Koi Việt khoảng 250 - 300 nghìn đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với nuôi cá thịt thương phẩm. Trong thời gian tiếp theo, chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ của các đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để giúp đỡ tạo ra con giống có chất lượng tốt hơn nữa thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Sản phẩm cá chép Koi Việt có chất lượng, thương hiệu
Trước nhu cầu thị trường càng mở rộng, nguồn cung cấp cá chép Koi có chất lượng đẹp còn hạn chế thì việc phát triển các mô hình cá cảnh là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên để việc phát triển đối tượng nuôi mới có hiệu quả cần có định hướng cụ thể để có giải pháp phù hợp về sản xuất và thị trường tiêu thụ tránh trường hợp được mùa mất giá như trong nuôi thương phẩm. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng phối hợp với Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão tổ chức tọa đàm: “Giải pháp phát triển sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm cá Koi”. Thông qua báo cáo của các đơn vị đã cho thấy tiềm năng, xu thế phát triển của nghề nuôi cá cảnh nói chung, cá Koi nói riêng. Từ những ý kiến phản hồi của các địa phương, các hộ nuôi để cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin phục vụ cho những định hướng, quy hoạch phù hợp trong thời gian tiếp theo.
Khung cảnh buổi tọa đàm về giải pháp phát triển sản xuất LKTT sản phẩm cá Koi
Ks. Nguyễn Thị Tài - Phòng CGKT Thủy sản