Với chiều dài bờ biển 125km, Hải Phòng có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Thành phố có khoảng 17.000 ha diện tích mặt nước thuận lợi cho phát triển nuôi các đối tượng hải sản như các loài cá biển, các đối tượng nhuyễn thể, hải sâm, bào ngư... Đặc biệt, trước những khó khăn do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ngày càng được chú trọng. Theo đó, nhiều mô hình nuôi thủy sản có giá trị đã được xây dựng, triển khai, trong đó có mô hình sản xuất giống chất lượng cao và nuôi cua biển thương phẩm tại Hải Phòng.
Cua biển có kích thước lớn, được coi là đặc sản bởi hàm lượng Protein cao, chứa nhiều khoáng vi lượng và Vitamin. Hiện nay, cua biển là đối tượng nuôi trồng thủy sản quan trọng, có giá trị kinh tế rất cao, thị trường tiêu thu rộng cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ở Việt Nam, cua biển phân bố chủ yếu ở các thuỷ vực nước lợ vùng cửa sông và có mặt tại hầu hết các tỉnh ven biển với 4 loài cua biển thuộc giống Scylla.
Tại vùng Hải Phòng chủ yếu loài Scylla serrata phân bố tự nhiên. Việc sản xuất giống cua và nuôi cua thương phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Toàn thành phố hiện có khoảng 10 trại giống tham gia sản xuất cua giống, mỗi năm mới chỉ sản xuất được từ 15 - 20 triệu con/ năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thả nuôi của thành phố, còn lại phải nhập từ Trung Quốc và các tỉnh miền Nam.
Do cua giống vận chuyển xa, chất lượng chưa đảm bảo, giá thành cao. Công nghệ sản xuất giống cua tại Hải Phòng chủ yếu phát triển tự phát, chuyển đổi từ sản xuất tôm giống sang sản xuất cua giống, công nghệ sản xuất giống cua chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tự học hỏi cho nên chất lượng chưa cao, giá thành sản xuất lớn.
Xuất phát từ thực tế đó, việc xây dựng mô hình sản xuất giống chất lượng cao và nuôi cua biển thương phẩm tại Hải Phòng (Scylla sp.) là điều cần thiết. Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua xanh là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do Viện nghiên cứu NTTS III chủ trì đã được nhận giải xuất sắc của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WIPO) và giải thưởng Khoa học sáng tạo Việt Nam VIFOTEC, hiện nay công nghệ đã được Viện nghiên cứu NTTS III hoàn thiện, chuyển giao cho một số tỉnh đạt kết quả tốt, trong đó có Hải Phòng.
Cụ thể, công nghệ sản xuất giống, không sử dụng kháng sinh mà sử sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học để sử lý môi trường, phòng trừ bệnh trong bể ương nuôi ấu trùng. Nâng cao chất lượng con giống, kích cỡ giống đồng đều, tỷ lệ sống trung bình từ giai đoạn Zoae 1 đến cua bột ≥ 8 % cao hơn 2,7 lần so với công nghệ hiện tại đang áp dụng tại địa phương (3% ). Đối với công nghệ nuôi thương phẩm cua biển, sử dụng con giống chất lượng cao, giá thành hạ, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tự có, năng suất 2,5 – 3 tấn /ha cao hơn 10 lần so với công nghệ nuôi ghép hiện tại của địa phương (0,2 – 0,3 tấn /ha) và gấp 1,8 - 2 lần so với nuôi chuyên (1,5 tấn/ha).
Mô hình sản xuất giống chất lượng cao và nuôi cua biển thương phẩm tại Hải Phòng được triển khai tại Công ty TNHH Phát triển Thủy sản Hoàng Hương ở khu dân cư Tân Hợp, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.
Trại giống chất lượng cao và nuôi cua biển thương phẩm tại Hải Phòng
Với thời gian thực hiện 30 tháng, từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2023, Dự án đặt mục tiêu đào tạo 5 kỹ thuật viên là cán bộ kỹ thuật của đơn vị thực hiện dự án (doanh nghiệp) và cán bộ khuyến ngư nắm vững các quy trình sản xuất giống cua biển và quy trình nuôi cua thương phẩm, tiếp thu, áp dụng thuần thục, làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật và đủ năng lực nhân rộng tại địa phương. Tiến hành tập huấn cho 100 người dân tham gia tập huấn nắm được kỹ thuật nuôi cua thương phẩm để áp dụng vào sản xuất.
Lớp tập huấn quy trình nuôi thương phẩm cua biển
Đồng thời, xây dựng thành công mô hình sản xuất giống cua biển, công suất đạt 10 triệu cua giống/năm, kích cỡ cua giống đạt từ 1 –1,2 cm/con. Kết thúc dự án thu được: 20 triệu cua giống. Xây dựng thành công mô hình nuôi thương phẩm cua biển từ nguồn giống cua có chất lượng được sản xuất từ dự án, quy mô mô hình 2ha/vụ, năng suất ≥ 3 tấn/ha/vụ. Thời gian nuôi 4 ÷ 5 tháng /vụ, trọng lượng cua đạt 300÷500g/con. Kết thúc dự án thu được 12 – 20 tấn cua thương phẩm đạt chất lượng. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, mô hình đã cho những kết quả bước đầu tương đối tốt.
Cua thương phẩm đạt chất lượng
Trong quá trình triển khai Dự án, cùng với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, tăng cường phối hợp với các bên liên quan, hỗ trợ thực hiện Dự án đạt hiệu quả, sát sao với cơ sở được triển khai, cử cán bộ khuyến nông theo học…
Mô hình sản xuất giống chất lượng cao và nuôi cua biển thương phẩm tại Hải Phòng (Scylla sp.) qua thực tế triển khai cho thấy những chuyển biến rõ nét về hiệu quả kinh tế. Việc sản xuất cua giống khi công nghệ ổn định, tỷ lệ sống đạt cao sẽ đạt giá trị kinh tế cao, nuôi cua biển thương phẩm bằng nguồn giống có chất lượng đã đem lại năng suất, sản lượng tốt. Dự kiến sau hai năm sản xuất tổng lợi nhuận thu được đạt trên 2.7 tỷ đồng.
Việc triển khai Dự án thành công sẽ tạo thêm những vùng cung cấp nguồn cua biển giống có chất lượng cao, nuôi ổn định, năng suất cao tạo ra nguồn sản phẩm tập trung, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện để phát triển nuôi cua biển theo hướng bền vững, đồng thời góp phần khôi phục, tái tạo nguồn lợi tự nhiên đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Có thể mở rộng dự án xây dựng vùng sản xuất tập trung đạt sản lượng lớn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển, đảm bảo an ninh an toàn xã hội vùng ven biển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nguyễn Hương Giang - Phòng Đ&TTTT