Chuỗi bài: Hướng đế Tổng kết 30 năm Khuyến nông Việt Nam và thành lập Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Vai trò của hoạt động Khuyến nông trong phát triển sản xuất hoa, cây cảnh tại huyện An Dương

22:20:54 27/07/2023 Lượt xem 1189 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

           Huyện An Dương là địa phương có diện tích trồng hoa, cây cảnh lớn nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trong đó, có những làng, xã nổi tiếng như làng hoa Đồng Dụ, Tri Yếu (xã Đặng Cương), Minh Kha (xã Đồng Thái), Kiều Trung (Hồng Thái). Các loại cây trồng chủ đạo là quất, đào, hải đường, lily, layơn, loa kèn, hướng dương,...Sản xuất hoa cây cảnh tại huyện An Dương bắt đầu từ khoảng năm 1996 chỉ vài chục ha, tập trung chủ yếu tại xã Đồng Thái, Hồng Thái, Đặng Cương chủ yếu là hoa lay ơn, quất cảnh, hải đường, hoa cúc, hoa sứ. Các hộ sản xuất hoa cây cảnh khi đó có nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và chưa biết cách áp dụng kỹ thuật, tiến bộ khoa học vào việc sản xuất cây cảnh. Do vậy, nhiều hộ dân gặp khó khăn, lúng túng, thu nhập thấp, diện tích sản xuất không phát triển.

       Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, nhu cầu phát triển sản xuất hoa cây cảnh của huyện là rất lớn và tính thực tiễn cao, cũng như hạn chế, nguyên nhân dẫn tới sự phát triển sản xuất còn chậm trễ, chưa từng xứng với lợi thế và nhu cầu của huyện. Cùng với yêu cầu của thực tế sản xuất, các cơ quan, ban ngành, địa phương, Trung tâm Khuyến nông đã tập trung làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất cũng như quy trình canh tác hoa cây cảnh ở huyện An Dương.

        Trong nhiều năm qua, hoạt động Khuyến nông đã tập trung vào công tác hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Mỗi năm tổ chức từ 4- 5 lớp tập huấn chuyển giao về giống mới, giống nuôi cấy mô trong sản xuất giống hoa, sản xuất hoa thương phẩm, kỹ thuật trồng cây cảnh, cây thế, cây bonsai, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa cây cảnh,…lớp tập huấn được tổ chức tại hội trường và ngay cả tại thực địa sản xuất. Người sản xuất đã nắm bắt được các đặc tính của cây, nắm vững được kỹ thuật trồng và chăm sóc, thành thạo về kỹ thuật thâm canh hoa cây cảnh, kỹ thuật ghép mắt đào phai trên gốc đào cổ thụ, tạo dáng thế cho đào và quất, chăm sóc, điều chỉnh cho hoa đúng kỳ vào dịp tết, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các loại phân bón vi sinh…

Lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa cây cảnh

         Hoạt động Khuyến nông còn khuyến cáo, hướng dẫn, thực hiện các mô hình trình diễn để chuyển giao, để nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới, cách làm mới rộng ra ngoài thực tiễn sản xuất, làm nhân tố để thúc đẩy sản xuất phát triển. Mô hình trồng hoa hồng cổ trên chậu và mô hình trồng hoa LiLy tại xã Đồng Thái đã giảm công chăm sóc, giảm sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, cần ít diện tích đất nhưng thu hoạch, giá trị mang lại rất cao. Mô hình trồng hoa liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích đất bỏ hoang: Hoa loa kèn tại xã Đồng Thái, Hoa cúc taị xã Hồng Thái, Hoa lay ơn chất lượng cao tại xã Đại Bản, An Hưng, mô hình trồng 1 ha hoa lily, 5 ha hoa sen tại xã Tân Tiến,…. Các mô hình hộ nông dân đã thu lãi từ 150- 250 triệu đồng /ha.

Hoa đào Đồng Dụ xã Đặng Cương

Quất thế Minh Kha xã Đồng Thái

       Bên cạnh công tác kỹ thuật, hoạt động Khuyến nông cùng với địa phương còn tập trung công tác liên kết để giới thiệu, bao tiêu sản phẩm. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu qua mọi hình thức, kênh thông tin khác nhau. Đặc biệt là các buổi tọa đàm, xúc tiến thương mại, hội thảo, hội nghị, các gian hàng tại hội chợ, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của hệ thống Khuyến nông, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá qua các trang mạng, hướng dẫn đưa thương hiệu hoa trên sàn giao dịch điện tử thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, hàng năm Khuyến nông Hải Phòng đã tổ chức kết nối, giới thiệu cho hàng chục đoàn khách từ các tỉnh thành khác đến thăm quan học tập kinh nghiệm sản xuất hoa cây cảnh tại Huyện An Dương.

       Nhu cầu phát triển các diện tích trồng hoa cây cảnh vẫn tăng, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đó, nhiệm vụ công tác Khuyến nông đã tham mưu, tuyên truyền, hỗ trợ cho các địa phương, khuyến cáo các hộ thuê, mượn, tận dụng các diện tích đất bỏ hoang để sản xuất hoa cây cảnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh. Từ đó hạn chế và khắc phục hàng chục ha hoang hóa, bỏ hoang, tích tụ thành vùng và cánh đồng rộng để sản xuất hoa cây cảnh, dần hình thành các làng hoa, các hợp tác xã, các hộ sản xuất hoa nổi tiếng và có thương hiệu.

        Chính từ sự nỗ lực của các hộ sản xuất và sự đồng hành liên tục của hoạt động Khuyến nông và các đơn vị trong từng năm. Sản xuất hoa cây cảnh tại huyện An Dương không những ngày càng tăng về diện tích tại các làng hoa mà còn lan tỏa phát triển sang các xã khác trong huyện, các huyện khác trên địa bàn thành phố, sản phẩm hoa cây cảnh đa dạng, phong phú, đẹp về mẫu mã, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Đến nay huyện An Dương có tổng diện tích hoa, cây cảnh đạt 592,03 ha (trong đó diện tích hoa đạt 227,77 ha; diện tích cây cảnh 364,26 ha) bao gồm cây cảnh và các loại hoa chậu, hoa cắt cành, tập trung nhiều ở các xã: Đồng Thái, Hồng Thái, Đặng Cương, Lê Lợi, Thị Trấn An Dương và một số xã khác trong huyện. Với nhiều loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao đang được thị trường ưa chuộng như: Đào cảnh, Quất cảnh, Đào thế, Hải Đường, Đào cảnh, Hoa Hồng cổ Hải Phòng, hoa Lan, hoa Anh Đào, Hoa lan…Đồng thời thu nhập những hộ trồng hoa cây cảnh bình quân nhập từ 150-350 triệu đồng/năm trở lên, nhiều hộ trồng và kinh doanh lớn đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm, tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Hùng – thôn Kiều Trung trồng hoa Lan thu nhập 2 - 3 tỷ trên một năm; anh Đỗ Văn Sanh - xã Tân Tiến thu 5 - 6 tỷ trên năm. Năm 2013, thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh của bà con huyện An Dương đạt hơn 130 tỷ đồng thì năm 2022 thu nhập về hoa cây cảnh, đặc biệt nhân dịp tết Nguyên Đán toàn huyện đạt 210 tỷ đồng.

         Huyện An Dương đang tâp trung xây dựng đề án phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030. Do đó trong những năm tiếp theo, ngành sản xuất hoa cây cảnh tại huyện An Dương dự báo sẽ tiếp tục phát triển, thương hiệu hoa cây cảnh ngày càng được khẳng định, thu nhập của người trồng hoa cây cảnh sẽ tăng cao. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, hoạt động Khuyến nông vẫn tiếp tục đồng hành, tìm tòi, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn tập huấn, mô hình, tư vấn, sẽ cũng với các cấp của đại phương đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến giao thương…các làng nghề hoa cây cảnh, các sản phẩm hoa cây cảnh của huyện được khắp nơi biết tới. Đáp ứng ứng mục tiêu mang lại giá trị kinh tế cao cho sản xuất, giúp người dân có thu nhập cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới./.

Ks. Nguyễn Thị Huệ- Trạm KN An Dương

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1046
  • Hôm qua: 3425
  • Tuần này: 4471
  • Tuần trước: 29866
  • Tháng này: 277597
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2845658
0225.3541.398 
messenger icon