Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96-97%, ở mèo chiếm 3- 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được. Bệnh dại xảy ra rải rác các tháng trong năm, cao hơn vào các tháng nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 8).
Để đề phòng bệnh Dại, người dân cần quản lý và tiêm phòng Vắc xin cho chó, mèo
Trong giai đoạn từ năm 2010 – 2021, bệnh Dại đã làm chết 1.026 người (trung bình mỗi năm có 85 người chết vì Dại) và có trên 5,2 triệu người phơi nhiễm và buộc phải điều trị dự phòng (tổn thất trên 15.000 tỷ đồng). Riêng năm 2021, cả nước có 53 người chết vì bệnh Dại và 531.204 người phải đi điều trị dự phòng vì bệnh Dại, nguyên nhân chủ yếu do chó, mèo cắn, cào, liếm. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Theo thống kê của Cục Thống kê, tính đến tháng 01/2022 thành phố Hải Phòng có 198.378 con chó; trong đó huyện Tiên Lãng có khoảng trên 14 nghìn con chó, mèo được nuôi trong cộng đồng dân cư. Trong tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trên người chưa được khống chế và đang lây lan mạnh, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội nên việc triển khai tiêm phòng Dại năm 2022 cho đàn chó, mèo (lịch tiêm phòng chính từ 01/03 đến 30/05, hàng tháng tiêm bổ sung – theo Kế hoạch số 25, ngày 11 tháng 2 năm 2022 của UBND huyện Tiên Lãng) các địa phương cần chủ động thực hiện đúng lịch và kế hoạch đặt ra để đảm bảo đàn chó, mèo được tiêm phòng đầy đủ, tạo an toàn cho sức khỏe con người.
Tiêm Vắc xin Dại cho đàn chó mèo để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đảm bảo tỷ lệ bảo hộ phòng dịch cho đàn chó mèo nhằm bảo vệ sản xuất chăn nuôi, góp phần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật. Vì vậy, người dân cần chủ động đưa chó mèo đến điểm tiêm phòng theo đúng lịch của địa phương.
Quan niệm sai về bệnh dại
Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người bị động vật nghi dại cắn, cào được tiêm phòng Vắc xin đúng và đầy đủ. Thế nhưng điều đáng lo ngại là hiện vẫn còn nhiều người chủ quan hoặc có những quan điểm không đúng về căn bệnh này. Chẳng hạn: “không đi tiêm phòng vì cho rằng chó nhà nuôi hoàn toàn khỏe mạnh nên không thể mắc bệnh dại”; “tiêm Vắc xin phòng bệnh dại khiến trẻ em bị còi cọc, chậm lớn”; “tiêm Vắc xin phòng bệnh dại có thể khiến người đó bị ốm và mất trí nhớ”;…
Sự thực thì chó, mèo nuôi đều có khả năng mang mầm bệnh dại chứ không phải chỉ có chó, mèo thả rông mới mang mầm bệnh. Vắc xin phòng bệnh dại hiện nay thuộc nhóm Vắc xin bất hoạt, nghĩa là vi rút chứa trong Vắc xin hoàn toàn không có khả năng gây bệnh, vì thế đây là một loại Vắc xin an toàn cho tất cả mọi người, kể cả phụ nữ có thai và người đang cho con bú. Không xảy ra việc tiêm Vắc xin dại khiến trẻ còi cọc, chậm lớn, mất trí nhớ như các quan điểm trên và việc dùng thuốc Nam chữa khỏi bệnh dại là không có cơ sở khoa học.
Tiêm phòng Dại cho chó khi nào?
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại Vắc xin phòng bệnh cho chó, mèo như: Vắc xin 5 bệnh cho chó, vắc xin 7 bệnh cho chó, vắc xin phòng bệnh bạch cầu ở mèo, vắc xin phòng bệnh dại cho chó…Để phòng bệnh Dại chủ động cho đàn chó mèo nuôi, hàng năm, người nuôi chó, mèo cần đưa chó mèo đi tiêm phòng vắc xin phòng dại do cơ quan thú y thực hiện. Theo thông báo số 25, ngày 08 tháng 02 năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, việc thực hiện tiêm phòng dại cho đàn chó mèo trên địa bàn thành phố năm nay được thực hiện cho các đối tượng như sau: tiêm mũi vắc xin đầu tiên cho chó, mèo từ 12 tuần tuổi trở lên. Sau đó cứ mỗi năm tiêm phòng nhắc lại 1 lần. Chó mèo đã được tiêm vắc xin phòng dại năm 2021 và hết thời gian miễn dịch bảo hộ. (Tiêm phòng dịch quá sớm khiến miễn dịch bẩm sinh bị phá huỷ)
Đối với chó mèo sinh sản cần có kế hoạch tiêm vắc xin dại ít nhất 2-4 tuần trước khi có thai.
Đường tiêm, liều lượng vắc xin: tiêm bắp hoặc tiêm dưới da mỗi con 1 liều (01ml/liều)
Cần tiêm phòng dại đầy đủ và kịp thời
Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong, mặc dù vậy những ca tử vong này hoàn toàn có thể tránh được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin kịp thời, đúng và đầy đủ.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Những biện pháp sơ cứu khi người bị chó mèo nghi dại cắn.
Nếu không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cần phải rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại.
Sau đó tiếp tục rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Điều này giúp giảm và tiêu diệt bớt lượng virus dại bị lây nhiễm qua vết cắn. Bệnh Dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Những trường hợp chủ quan không tiêm phòng cũng như theo dõi động vật sau khi cắn có nguy cơ cao sẽ phát dại.
Khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian như: bôi dầu gió, dầu hỏa, dầu xanh, đắp ớt hiểm, đất sét, tỏi, củ kiệu, lấy nọc bằng dao liếc. Những biện pháp này không những không mang lại hiệu quả mà còn làm mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác do làm bẩn vết thương.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn ca tử vong ở người do bệnh dại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Đồng thời triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin cho chó, mèo, xử lý bệnh dại theo quy định của Luật Thú y. Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh dại với sự tham gia của cộng đồng. Chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin kịp thời giữa các ngành về biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
BSTY. Vũ Chung Thùy – Trạm KN Tiên Lãng