Các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số thức ăn (FCR) trong nuôi trồng thủy sản

10:50:39 12/08/2022 Lượt xem 2204 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Thức ăn là một trong những chi phí quan trọng quyết định đến hiệu quả kinh tế của người nuôi, chi phí này thường chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 70% tổng chi phí nuôi của các loài thủy sản nói chung. Do đó, việc tăng hiệu quả sử dụng thức ăn thông qua giảm FCR là rất quan trọng để giảm chi phí và cải thiện lợi ích kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản. Việc giảm FCR luôn là mục tiêu của ngành nuôi trồng thủy sản và là mối quan tâm hàng đầu của người nuôi. Giảm FCR đồng nghĩa với giảm chi phí nuôi, giảm ô nhiễm môi trường, tôm cá khỏe mạnh hơn, … Như vậy sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người nuôi cả về trước mắt và lâu dài.

        1. Khái niệm về Hệ số chuyển đổi thức ăn

       Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) là tỷ lệ giữa tổng lượng thức ăn ăn vào và tổng trọng lượng tôm, cá được tăng trọng thêm trên một đơn vị diện tích. Hay còn được hiểu là người chăn nuôi tốn bao nhiêu kg thức ăn để thu về được 1 kg tăng trưởng của vật nuôi. Hệ số tiêu tốn thức ăn được tính theo công thức:

 

FCR =

Khối lượng (kg) thức ăn tiêu tốn

Khối lượng (kg) tôm, cá tăng trọng thêm

         2. Các yếu tố ảnh hưởng đến FCR

      Các yếu tố chính ảnh hưởng đến FCR gồm: loài nuôi và chất lượng con giống, thức ăn và chất lượng môi trường nước. Ngoài ra cũng cần phải kể đến các yếu tố khác như mật độ thả, tỷ lệ sống, công nghệ nuôi, sự tồn tại của các động vật ăn thịt ở khu vực nuôi, …

        2.1. Chất lượng con giống

       Các loài nuôi khác nhau sẽ có tỷ lệ FCR khác nhau. Ví dụ như FCR của tôm sú là 1,5 - 1,6 trong khi tôm thẻ chỉ từ 1,1-1,3; FCR của cá rô phi từ 1,3-1,7, cá trắm cỏ từ 1,5-1,8. Bên cạnh đó, chất lượng con giống khi thả nuôi cũng là một yếu tố khiến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn của động vật thủy sản thay đổi theo. Giống tôm, cá kém chất lượng (mang mầm bệnh, gen di truyền chậm lớn, …) khi thả nuôi sẽ chậm tăng trưởng, từ đó kéo theo trọng lượng tôm cá khi thu hoạch trên một đơn vị diện tích sẽ giảm xuống.

         

Tôm thẻ chân trắng và cá rô phi giống khỏe, kích cỡ đồng đều

        2.2. Thức ăn và quản lý thức ăn

     Thức ăn là yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của động vật thủy sản nuôi. Khi cho tôm cá ăn đúng liều lượng và đủ khẩu phần sẽ giúp tôm cá tăng trưởng và phát triển tốt hơn, đồng thời giảm các tác nhân gây ô nhiễm môi trường ao nuôi từ thức ăn dư thừa.

       Ngoài ra chất lượng thức ăn cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Hiện tại thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng thủy sản được dùng nhiều nhất vì sự tiện lợi và thành phần dinh dưỡng cao phù hợp cho sự phát triển nhanh chóng của vật nuôi. Có hai loại thức ăn công nghiệp là thức ăn dạng viên chìm để nuôi giáp xác, một số loài cá ăn chìm và thức ăn công nghiệp dạng viên nổi sử dụng để nuôi cá. Thức ăn công nghiệp chất lượng cao có thành phần dinh dưỡng cân đối giúp tôm cá tiêu hóa, hấp thu tốt, khỏe mạnh và lớn nhanh. Thức ăn công nghiệp thường được bổ sung các Vitamin, khoáng chất giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, bảo vệ hệ vi sinh đường ruột, tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên giúp tôm cá khỏe mạnh và nâng cao tỷ lệ sống cho tôm cá. Ngược lại, khi người nuôi sử dụng những loại thức ăn kém chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng thấp và không cân đối cũng sẽ khiến tôm cá nuôi chậm phát triển dẫn đến tỷ lệ FCR cao.

Sử dụng máy cho ăn tự động để quản lý thức ăn

Trộn thức ăn với men vi sinh trước khi cho cá ăn

          2.3. Môi trường nuôi

        Khi chất lượng nước ao nuôi bị ô nhiễm hoặc một số chỉ tiêu lý hóa thay đổi vượt ngưỡng chịu đựng sẽ khiến động vật thủy sản bị stress, bỏ ăn, chậm lớn, bùng phát dịch bệnh, … dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tăng.

Bảng 1: Chất lượng nước cấp vào ao nuôi và nước ao nuôi tôm Sú và tôm Chân trắng

Thông số Tối ưu Giá trị cho phép
Nhiệt độ (0C) 20-30 18-33
Độ mặn (‰) 10-25 5-35
Độ trong (Cm) 30-35 25-50
pH (dao động sáng chiều không quá 0,5) 7,5-8,5 7-9
Độ kiềm (mg/l) 100-150 60-180
Oxy hòa tan (mg/l) >5 >3,5
H2S (mg/l) <0,03 <0,05
NH3 (mg/l) <0,1 <0,3
NO2- (mg/l) <0,2 <1

 

(QCVN 02-19:2014/BNNPTNT)

       Trong nuôi trồng thủy sản, các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau, việc theo dõi thường xuyên các yếu tố môi trường để đánh giá chất lượng nước là rất cần thiết. Từ đó có các biện pháp quản lý chất lượng nước, thức ăn cho phù hợp với từng đối tượng nuôi./.

Ks. Nguyễn Thị Tài - Phòng CGKT Thủy sản

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4922
  • Hôm qua: 6840
  • Tuần này: 15916
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 254626
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2822687
0225.3541.398 
messenger icon