Biện pháp phòng trừ chuột hại lúa

10:46:13 27/07/2021 Lượt xem 6395 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Những năm gần đây, tình trạng chuột phá lúa xảy ra ngày càng nhiều, nhìn những cây lúa đang xanh mơn mởn bị chuột cắn phá đến tận gốc, nhiều nông dân tỏ ra lo lắng. Nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục, năng suất lúa sẽ bị giảm đáng kể.

Hình ảnh chuột cắn phá lúa tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thuỵ

       Chuột là động vật rất tinh khôn và nhanh nhẹn có bộ răng phát triển liên tục cả vòng đời, do đó chuột thường hay phải mài răng, cắn phá, gặm nhấm tất cả các thứ, đối tượng nguy hiểm trong sản xuất nông nghiệp. Chuột cắn phá hầu hết các loại cây trồng, đặc biệt là cây lương thực và rau màu, phá hại các công trình xây dựng, thủy lợi, kênh mương... Để bà con chủ động trong công tác diệt chuột ngay từ đầu vụ sản xuất, chúng tôi xin giới thiệu và hướng dẫn một số biện pháp sau đây:

       1. Thời điểm diệt chuột

      Tổ chức triển khai diệt chuột thường xuyên, liên tục, đồng loạt và tập trung vào 4 thời điểm quan trọng có tính quyết định.

         1.1. Trong mùa mưa, đồng ruộng đang ngập nước

       Chuột co cụm sống tập trung ở bờ bụi, cồn bãi và khu dân cư. Vì vậy, tổ chức đánh bắt thủ công và đặt bã thuốc đạt hiệu quả khá cao.

         1.2. Trước lúc gieo cấy 7 - 10 ngày

      Giai đoạn này, chuột sống tập trung ở ven đường giao thông, bờ đê, bờ mương, cồn bãi, nguồn thức ăn thiếu nên tổ chức diệt chuột đồng loạt bằng nhiều biện pháp, kết hợp đánh bắt thủ công và đặt bã thuốc, diệt chuột ngoài đồng ruộng và trong cả khu dân cư.

        1.3. Thời kỳ lúa đẻ nhánh

      - Đây là thời điểm cây lúa phát triển mạnh về dảnh và lá, nguồn thức ăn trên đồng ruộng phong phú. Vì vậy, chuột tập trung di cư ra ruộng lúa trú ẩn và phá hoại. Để diệt chuột đạt hiệu quả cao, huy động lực lượng diệt chuột bằng biện pháp thủ công kết hợp đặt bả thuốc.

         1.4. Thời kỳ lúa làm đòng đến trỗ

        - Giai đoạn này là thời điểm chuột chủ yếu sinh sống trên đồng ruộng, chuột cái vào hang để sinh sản nên tổ chức tìm hang để đào bắt, săn bắt rất có hiệu quả (biện pháp này bắt được nhiều chuột cái và chuột con).

        - Thời kỳ này chuột thường ít ăn bả nên việc sử dụng thuốc hiệu quả không được cao.

         2. Các biện pháp phòng trừ

       Tùy từng thời điểm chuột gây hại mà lựa chọn và phối hợp các biện pháp cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả

          2.1. Biện pháp thủ công (Đây là biện pháp quan trọng)

        - Tổ chức lực lượng đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn (khí đá), đốt rơm trộn ớt khô...

Hình ảnh người nông dân tổ chức đào hang, săn bắt chuột

      - Sử dụng các loại bẫy thủ công như: Bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy keo dính…triển khai ngoài đồng ruộng và trong khu dân cư (đặt bẫy trên đường đi lại và trước cửa hang của chuột).

Hình ảnh người nông dân đặt bẫy chuột

       - Làm hàng rào nilon (hàng rào cao 90 cm, cách xa bờ ruộng 30 - 40 cm, mép dưới chôn sâu vào đất) bao quanh ruộng kết hợp đặt bẫy lồng và đào hố để bắt chuột.

Hình ảnh người nông dân làm hàng rào nilon bao quanh ruộng lúa

       - Thời gian thực hiện: Trước và trong vụ sản xuất

        2.2. Biện pháp sử dụng thuốc

        Chỉ sử dụng bả, thuốc hoá học ở những nơi xa khu dân cư, nơi đang bị chuột phá hại trầm trọng, chuột có thói quen là nếm thử thức ăn có độc hay không, do đó cần đặt bả mồi không có thuốc liên tiếp 3 - 5 ngày để đánh lừa, làm chuột mất cảnh giác, sau đó thì dùng bả mồi có dùng thuốc.

     - Sử dụng bả diệt chuột sinh học đặt theo lối đi, cửa hang có chuột thường qua lại, khoảng 5 - 6m đặt 1 mô bả, mỗi mô bả khoảng 5-10 gam, số mô bả và lượng bả cần linh động tăng giảm theo mật độ chuột và mức độ gây hại... Lưu ý: Khi mở gói bả ra thì nên dùng hết một lần, nếu để lại sẽ mất hiệu lực.

 

Hình ảnh bả diệt chuột sinh học

        -Sử dụng các loại thuốc: Storm, Rat K 2%D, ... để diệt chuột; cách sử dụng: Dùng lúa luộc nhẹ cho nứt vỏ trấu để làm mồi, trộn 1 gói thuốc Rat K 2%D 10 gam trộn với 0,5 kg mồi, khi trộn xong là đem đặt thành từng mô ở những nơi chuột thường qua lại, tùy theo mật độ và mức độ gây hại của chuột mà tăng hoặc giảm lượng mồi bả cho phù hợp.

 

Hình ảnh mồi bả chuột Storm

         Cần chú ý thuốc hóa học trừ chuột rất độc nên khi dùng phải thông báo, cắm bảng cho mọi người trong vùng biết, kiểm tra quản lý bả chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và môi trường. Xác chuột hoặc những động vật khác chết do bả độc phải thu gom để chôn vùi sâu với vôi trong đất và nghiêm cấm việc dùng điện để bẫy chuột để tránh trường hợp thương vong về người.

         2.3. Biện pháp sinh học

       - Khuyến khích và hỗ trợ nông dân nuôi mèo, làm bù nhìn để đuổi, diệt chuột.

      - Nghiêm cấm săn bắt các loại động vật là thiên địch của chuột như: Rắn, chim cú mèo, chim diều,….

Hình ảnh thiên địch (mèo, rắn) diệt chuột

Ks. Phạm Thị Huyền - Phòng Tư vấn - Khởi nghiệp

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1035
  • Hôm qua: 4463
  • Tuần này: 26379
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 265089
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2833150
0225.3541.398 
messenger icon