Hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót lên men trong nuôi lợn

21:20:26 28/08/2023 Lượt xem 885 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Đệm lót sinh học là miếng đệm lót chuồng được làm từ các nguyên vật liệu như trấu, mùn cưa, thân cây khô, rơm rạ,… cấy vi khuẩn vào. Nhờ hoạt động của các vi khuẩn, phân hủy nước tiểu, phân của vật nuôi hiệu quả hơn, làm giảm khí độc, mùi hôi, đảm bảo môi trường sạch sẽ, vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, chất độc cũng như mùi hôi trong phân, nước tiểu được khử đáng kể, giảm vi sinh vật độc hại, tăng sức đề kháng cho lợn.

        Ưu điểm của đệm lót sinh học: Tiết kiệm 80% lượng nước dùng để vệ sinh chuồng trại, tắm rửa; Tiết kiệm 60% nhân lực; Giảm thiểu chi phí thú y vì vật nuôi ít mắc bệnh; Tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi; tăng chất lượng đàn lợn và chất lượng của sản phẩm; Chi phí làm đệm lót sinh học thấp; tận dụng nguyên liệu có sẵn mà không cần phải mua. Bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân xung quanh vùng chăn nuôi; tận dụng nguồn phân bón hữu cơ đệm lót bón cho cây trồng. Tăng hiệu quả chăn nuôi.

        Với những ưu điểm trên, chúng tôi hướng dẫn người chăn nuôi lợn kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn như sau:

          I. CHUỒNG TRẠI

        - Nền chuồng được thiết kế thành 2 phần: 1/2 là nền chuồng láng xi măng có nền cao hơn; 1/2 là nền láng xi măng độ dốc 1 – 30, thấp hơn nền chuồng từ 35 - 40cm. Phía cuối chuồng có đặt ống thoát một phần nước thải của lợn nối với bể Biogas hoặc bể xử lý nước thải.

        - Vòi uống nước tự động đặt ở phía cuối chuồng để giúp lợn tăng sự vận động làm đảo trộn chất độn có lợi cho lên men.

         - Xây máng hứng nước dưới vòi nước tự động để tránh nước chẩy vào đệm lót.

          - Mật độ phù hợp: lợn từ sau cai sữa đến 70 ngày tuổi (1 m2/con), lợn từ 30kg đến 110kg (2 – 3 m2/con).

           II. THIẾT KẾ ĐỆM LÓT LÊN MEN

           1. Đệm lót lên men

          Vận dụng tùy thuộc vào chuồng trại được cải tạo hay xây dựng mới, nhưng quan trọng nhất là phụ thuộc vào địa thế đất cao hay thấp để đảm bảo đệm lót luôn khô ráo, không bị ngấm nước từ bên ngoài vào làm hỏng ; cần đặc biệt lưu ý đối với các chuồng nuôi ở cạnh ao, hồ, mương máng thoát nước. Đây là vấn đề có tính quyết định đến sự thành bại cũng như thời gian sử dụng dài hay ngắn của đệm lót lên men.

            2. Độ dầy đệm lót chuồng

           - Độ dầy đệm lót thường trong khoảng 20 cm và bổ sung dần trong quá trình nuôi đến cuối kỳ khoảng 30 – 40 cm.

          - Cần chú ý bổ sung đệm lót nếu bị sụt giảm độ cao

           3. Nguyên liệu làm chất độn

         Tiêu chuẩn: các nguyên liệu có độ sơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn và có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không độc, không gây kích thích: Vỏ bào, trấu, vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô nghiền…

        Các loại nguyên liệu như vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô nghiền có kích thước 3- 5 mm

         - Xử lý trấu bằng một trong các biện pháp sau:

         Biện pháp 1: Xử lý phơi nắng trên nền bê tông sạch hoặc phơi trên lớp bạt với độ dày của lớp trấu khoảng 10cm, cứ 30 phút đảo trấu một lần. Thời gian phơi khoảng 8 tiếng.

          Biện pháp 2: Phương pháp khử trùng bằng xông focmol và thuốc KMnO4

         - Bước 1: Chuẩn bị kho riêng (hoặc chuồng nuôi kín), giá, kệ để bao trấu.

         Bước 2: Chuẩn bị cốc và thuốc khử trùng

         Bước 3: Xông với công thức: 15g KMnO4 + 30 ml Focmol cho 1m3, thời gian xông khoảng 48 tiếng.

          * Chú ý trấu phải được xử lý trước từ 1 -2 tuần

          4. (Cho 100 m2 chuồng có đệm lót dầy 20cm)

        - Nguyên liệu trấu để làm cho 100m2 chuồng có đệm lót dầy 20cm và bổ sung dần trong quá trình nuôi lợn trong 4 tháng khoản 50kg.

        - Dùng men men vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ở đây chúng tôi hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học MT- Biomix dùng 01 kg.

 (Ảnh minh họa)

        5. Các bước tiến hành

       - Bước 1: Rải lớp trấu dày 20 cm

       - Bước 2: Dùng vòi phun nước sạch (phun như mưa) lên lớp trấu cho đến khi đạt độ ẩm 30% (bốc một nắm trấu trên tay quan sát thấy trấu thấm nước, bóp chặt không thấy nước làm ướt tay là được. Lưu ý, khi phun nước phải dùng cào đảo để cho trấu ẩm đều.

         - Bước 3: Rải trực tiếp 0,5 - 1 kg MT-BIOMIX, dùng cào cào cho men lẫn với trấu sau đó làm thật phẳng lớp bề mặt.

          Chú ý: Để đệm lót đạt hiệu quả nhanh hơn nên hòa vi sinh cùng với đường hoặc rỉ mật đường: Cho 0,5kg men gốc và 1 kg đường vào thùng 100 lít nước, (nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 150C thì dùng nước ấm ) khuấy đều, đậy kín để từ 2-5 giờ. Sau bước 1 và bước 2 ở trên thì tưới dịch men lên

          6. Quản lý và sử dụng

        - Sau 3 – 5 ngày tùy theo điều kiện thời tiết có thể thả lợn vào.

          - Thả lợn vào nuôi sau 01 tuần đầu có thể rắc thêm 0,5kg chế phẩm MT- BIOMIX thật đều lên bề mặt nền chuồng.

         - Bảo dưỡng đệm lót: Cứ sau 20 - 30 ngày rắc thêm 0,5kg MT-BIOMIX lại 1 lần đối với lợn trọng lượng nhỏ hơn 40kg. Sau 7 - 20 ngày rắc thêm 0,5kg MT-BIOMIX lại 1 lần đối với lợn trọng lượng lớn hơn 40kg. Tùy thuộc vào mật độ vật nuôi trong chuồng và lượng phân thải ra hàng ngày mà ngày rắc nhắc lại có thể dài hay ngắn (căn cứ vào độ tơi xốp của lớp đệm lót sinh học để đảo bề mặt lớp đệm lót, làm cho lớp đệm lót tơi xốp đều).

            Phải đảm bảo độ ẩm của đệm lót

          Tầng trên cùng luôn giữ độ ẩm ở 30% để đảm bảo cho sự lên men tiêu hủy phân tốt (Nắm trên tay có cảm giác trấu thấm đều nước, quan sát thấy có mầu thẫm hơn so với khi khô là đạt độ ẩm 30%)

          Ở độ ẩm 30% này lợn sống thoải mái, không cảm thấy khó chịu, da được bảo vệ tốt ít bị ban đỏ nổi mẩn ngứa như nuôi trên nền xi măng.

          Do đó để đảm bảo cho tầng trên đệm lót không khô và ẩm quá cần chú ý:

           - Khi thấy đệm lót bị khô cần phun ẩm bằng vòi phun như mưa phùn

            Phải đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót

         - Đệm lót có tơi xốp thì sự tiêu hủy phân mới nhanh do vậy hàng ngày phải chú ý sới tơi đệm lót ở độ sâu trong khoảng 15 cm, đặc biệt ở chỗ độn lót có hiện tượng kết tảng. Khi cần thiết thì bổ sung thêm trấu và vi sinh, tính đến khi xuất bán lợn sau 3 – 4 tháng nuôi đệm lót có độ dày khoảng 40cm.

           Cần thường xuyên quan sát phân

            - Phân phải được vùi lấp tốt do sự vận động của lợn. Nếu phát hiện thấy phân nhiều ở một chỗ cần phải giúp vùi lấp

           - Nếu lượng phân quá nhiều, không được phân giải hết có thể hót bớt đi (nếu nuôi đúng mật độ 2 -3 m2 thì hiện tượng này không xảy ra) .

           Cần chú ý: khi nuôi lợn có trọng lượng hơn 60 kg trở lên thì lượng phân, nước tiểu thải nhiều, do lợn ít vận động và có thói quen ỉa đái tập trung một nơi cho nên đệm lót chỗ đó dễ bị hỏng do không tiêu hủy hết phân, do đó cần cào phân sang vị trí khác và lấp xuồng.

           - Nếu cá biệt có lợn bị bệnh ỉa chẩy nặng thì cần cách ly, chỗ phân lợn bệnh cần rắc vôi hoặc phun chế phẩm men sau đó vùi sâu xuống đáy đệm lót.

            Bảo dưỡng đệm lót

          - Căn cứ vào mùi đệm lót dể xác định nó hoạt động tốt hay không: khi ta ngửi chỉ thấy có mùi của nguyên liệu kèm mùi của phân lên men, không có mùi thối là đệm lót hoạt động tốt.

            Nếu như còn phân và mùi thối là lên men không tốt, cần phải bảo dưỡng như sau:

            Sới tung đẹm lót ở độ dầy 15 cm để cho tơi xốp trong trường hợp có kết tảng và độ ẩm cao, sau đó bổ sung thêm chế phẩm men

             Nếu nuôi nhiều cần điều chỉnh mật độ lợn nuôi trong chuồng

            - Hàng ngày phải dùng cào để cào cho đệm lót được tơi xốp.

           4. Vấn đề sử dụng thức ăn

          Để sự tiêu hủy phân, nước tiểu được triệt để và kéo dài tuổi thọ của đệm lót cần kết hợp cho ăn thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa. Sử dụng thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa sẽ có tác dụng: Giảm thải phân và độ thối của phân, giảm chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tăng hiệu quả kinh tế.

Ts. Vũ Đức Hạnh - TP. Phòng Chuyển giao KTN

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2469
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 271045
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2839106
0225.3541.398 
messenger icon