Hướng dẫn cách nhận biết về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng, chống bệnh Lở mồm Long móng ở Dê

08:40:12 06/12/2023 Lượt xem 1265 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Bệnh lở mồm long móng ( LMLM) gia súc là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc giống Aphthovirus, họ Picornaviridae gây ra trên các loài động vật móng guốc chẵn (móng chẻ đôi) như: trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ... Bệnh có khả năng lây lan rất mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường xung quanh.

         1. Nguyên nhân:

         Bệnh LMLM do virus gây nên. Ở Việt Nam đã phát hiện chủ yếu 3 type gây bệnh là A, O và Asi.

         2. Đường truyền lây

        Virus gây bệnh lở mồm long móng trên dê có khả năng truyền nhiễm rất cao. Mầm bệnh có thể tồn tại trong cơ thể (2 – 3 năm với bò, 9 tháng đối với dê) và có nguy cơ lây bệnh xảy ra khi đã hết các triệu chứng lâm sàng.

      Virus lây lan theo đường thức ăn, nước uống, hô hấp, niêm mạc mắt từ không khí. Chủ yếu virus lây qua đường không khí với cự ly trung bình truyền lây 10km (nếu theo gió hoặc trên mặt nước bằng phẳng có thể truyền xa đến 200km).

       Động vật mắc bệnh virus cư trú ở mụn nước, nước bọt, nước tiểu và phân nên càng dễ lây lan trong không khí, dụng cụ, môi trường.

         3. Triệu chứng lâm sàng

        Con vật kém linh hoạt, lờ đờ, đi tập tễnh sau đó chỉ nằm 1 chỗ, dê bị sốt cao 40 – 410C, miệng, mũi khô. Dê kém ăn rồi bỏ ăn do xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ bằng hột đậu mọc sâu ở lớp niêm mạc mồm, vành mõm, nướu răng, lưỡi gây đau đớn.

        Dê bị long móng, bàn chân sưng to, phần tiếp giáp giữa móng và chân bị nổi mụn nước, sau đó vỡ ra, nhiễm trùng lở loét, mưng mủ. Khi bệnh nặng có thể bị tụt móng.

       Ở dê cái còn xuất hiện mụn trên bầu vú, nếu dê cái trong thời kỳ nuôi con sẽ không cho con bú. Có thể gây sẩy thai ở dê cái mang thai. Các vùng da có mụn trở nên tái xám. Sau khi các mụn vỡ ra sẽ để lại các vết loét rất sâu và làm cho dê đau đớn.

Dê bị bệnh Lở mồm long móng

       4. Cách chẩn đoán bệnh

      Dựa vào các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh: gia súc sốt cao, có các mụn nước và vết loét trên miệng, chân, móng, vú…

       Xác định căn nguyên gây bệnh bằng ph­ương pháp ELISA kháng nguyên hoặc phư­ơng pháp PCR.

      5. Phòng bệnh và chống dịch bệnh

       * Phòng bệnh

        - Khi chưa có dịch

      + Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Sử dụng vắc xin nhập ngoại hoặc vắc xin chế tạo được từ những chủng virus gây bệnh trong vùng. Tiêm lần đầu lúc dê từ 2 – 4 tháng tuổi, sau đó 4 – 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

        + Thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống khỏe mạnh, biết rõ nguồn gốc từ vùng không có dịch bệnh LMLM, chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh thú y, thường xuyên quét dọn sạch sẽ, định kỳ tiêu độc, khử trùng 1 lần/tuần. Kết hợp chăm sóc nuôi dưỡng tốt, khẩu phần thức ăn gia súc phải đầy đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của gia súc. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc.

        - Khi có dịch

        + Khi khu vực chăn nuôi xảy ra bệnh, nhanh chóng cô lập vùng bệnh, tiêu diệt những gia súc bị mắc bệnh.

        + Luôn đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng. Định kỳ sát trùng, tiêu độc chuồng trại.

       + Thức ăn, nước uống phải đầy đủ và đảm bảo sạch sẽ để tránh dê ăn hoặc uống phải thức ăn, nước uống ô nhiễm. Thức ăn không được ướt, dính nước mưa hoặc bùn đất.

         + Hằng ngày kiểm tra bệnh tật từng con để nhanh chóng phát hiện bệnh sớm.

         + Kiểm tra và cắt móng chân dê thường xuyên để dê dễ dàng đi lại và tránh các bệnh liên quan về chân, móng dê.

          + Không nên chăn thả dê chung với các loại gia súc, gia cầm khác.

          + Đàn dê mới phải tiêm phòng đầy đủ và nuôi cách ly ít nhất 15 ngày mới cho nhập đàn.

           * Chống dịch bệnh

         Khi thấy gia súc có hiện tượng ốm, sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt, có mụn nước ở vùng miệng, quanh móng chân hoặc chết bất thường phải tiến hành cách ly ngay những con ốm ra khu vực riêng; không được chăn thả, không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết và chất thải của chúng ra môi trường.

         Báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời. Thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của cán bộ thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Thực hiện ngay công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc: Đối với hộ có dịch phun hóa chất ngày 1 lần, xã có dịch 2 ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong suốt thời gian có dịch. Tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, tiêm từ ngoài vào trong, người tiêm phòng phải thực hiện tốt an toàn sinh học không làm lây lan dịch bệnh.

        Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền địa phương và Quy định của pháp luật về thú y. Đồng thời người chăn nuôi gia súc phải thực hiện tốt 05 không: Không giấu dịch; Không bán chạy gia súc bị bệnh, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh; Không ăn thịt gia súc ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; Không ăn tiết canh gia súc bị bệnh; Không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường xung quanh, phải tiêu hủy theo quy định./.

        BSTY. Nguyễn Ngô Hải Yến - Phòng Chuyển giao KT NN

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 10767
  • Hôm qua: 14447
  • Tuần này: 54065
  • Tuần trước: 62771
  • Tháng này: 459717
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4492992
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon