Ngũ Đoan – một xã thuần nông của huyện Kiến Thụy với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 92,9 ha đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Dựa vào lợi thế sẵn có của địa phương người dân xã Ngũ Đoan đã mạnh dạn lựa chọn và đưa nhiều loại giống thủy sản mới vào nuôi. Không ít mô hình nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao đã thành công trong đó phải kể đến mô hình nuôi cá vược thương phẩm.
Nói đến xã Ngũ Đoan, trong lĩnh vực thủy sản người ta sẽ liên tưởng ngay đến cá vược nước ngọt. Từ năm 2013 trở lại đây phong trào nuôi cá vược nước ngọt ngày càng phát triển khá nhanh và mạnh bởi Cá vược là loài nuôi có giá trị kinh tế cao, thịt cá thơm ngon, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, tốc độ lớn nhanh, giá bán so với các loài cá nước ngọt khác gấp 2 – 3 lần (từ 80.000 – 100.000 đồng/kg cá thương phẩm cỡ 1,5kg trở lên).
Theo sự tính toán của người dân địa phương thì: “từ khi thả giống cỡ 50-100g/con, mật độ thả 2 – 3 con/m2 đến khi thành phẩm xuất bán chỉ 6 - 8 tháng trọng lượng đạt 1,5 – 1,8 kg/ con”.
Chuẩn bị thức ăn cho cá vược
Tuy nhiên khi nuôi thâm canh, vấn đề người nuôi thường gặp phải là lượng thức ăn, lượng chất thải từ cá vược dư thừa, ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh. Do vậy, biện pháp tốt nhất vừa xử lý môi trường nước và nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời có thêm nguồn thức ăn tự nhiên người dân địa phương đã tiến hành nuôi ghép cá vược với cá rô phi (loài ăn tạp, có khả năng sinh sản nhanh), chúng có thể sử dụng chất thải của cá vược làm thức ăn trực tiếp đồng thời sinh sản nhanh bổ sung thêm nguồn thức ăn tươi sống tự nhiên cho cá vược. Theo cô Phạm Thị Hằng – hộ nuôi cá vược ở thôn Đương Thắng cho biết: “Đặc biệt, nếu nuôi ghép cá vược với cá rô phi, cá không chỉ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt cũng thơm ngon, hơn nữa lượng thức ăn cho cá cũng giảm đáng kể”.
Gia đình anh Vũ Duy Khải (thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan) là một trong những hộ nuôi cá vược đầu tiên của xã, bắt đầu nuôi từ năm 2006, đến nay gia đình anh đã có gần 15 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá vược. Anh Khải cho biết: “So với cá nuôi truyền thống như cá rô phi, cá chép, cá trắm... trước đây, mặc dù 1 năm nuôi 2 vụ nhưng cá hay mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt lớn, giá bán không cao dao động từ 30.000 – 50.000 đ/ kg, trong khi cá vược chỉ nuôi 1 năm 1 vụ, cá khỏe, ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao, đặc biệt giá bán cao hơn. Ở thời điểm hiện tại 1 kg cá vược bán ra thị trường có giá thành khoảng 90.000 đ/ kg, mùa cao điểm có thể lên 120.000 đ/ kg và cá rô phi nuôi kết hợp cũng có giá khoảng 40.000 đ/ kg”.
Hộ nuôi thu hoạch cá vược
Gia đình Vũ Kim Cường (thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan) là một trong những hộ nuôi cá vược ở xã ngũ Đoan cho biết: “Với diện tích ao nuôi 2.000m2, anh thả giống 1.200 con cá vược và 500 con cá rô phi, sau 8 tháng nuôi hạch toán kinh tế gia đình anh thu lãi trên 45 triệu đồng”.
Nhận thấy nuôi cá vược thức ăn chủ yếu là các loại cá ăn tạp thu mua trôi nổi cho cá ăn rất dễ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, do vậy là cán bộ Khuyến nông phụ trách tại địa phương tôi luôn khuyến cáo các hộ nuôi: trong quá trình nuôi cần thay nước kết hợp với việc bón vôi định kỳ 15 ngày/lần, liều lượng từ 1.5 – 3.0 kg vôi/ 100m3 nhằm đảm bảo môi trường nuôi luôn sạch, an toàn.
Cá vược một nắng thơm ngon
Với nghề nuôi cá vược hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Ngũ Đoan đang kỳ vọng để có một “cái nghề” phát triển bền vững. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nâng cao giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế thì bà con địa phương cần nhân rộng mô hình liên kết các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm nguồn hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm đồng thời tìm ra hướng chế biến cá vược thành nhiều sản phẩm đa dạng như cá vược một nắng… từng bước khẳng định thương hiệu cá vược Ngũ Đoan – Kiến Thụy.
BSTY. Vũ Thị Hương Giang - Trạm KN Kiến Thụy