Nuôi trồng thủy sản mặn lợ ở Quận Hải An tập trung chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, trong đó tôm thẻ chân trắng đang được người dân thay thế dần tôm sú vì tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, có thể nuôi mật độ dày để đạt năng suất cao, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Tuy nhiên nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất đang gặp rất nhiều khó khăn do môi trường ao nuôi ngày càng bị ô nhiễm, hệ thống ao nuôi đầu tư thiếu đồng bộ nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Hình thức nuôi chủ yếu là thả trực tiếp xuống ao nuôi (nuôi 1 giai đoạn) nên việc kiểm soát tỷ lệ sống để chăm sóc, kiểm soát môi trường ao nuôi gặp nhiều khó khăn, bệnh tôm chết sớm còn gọi là hội chứng hoại tử gan - tụy cấp thường xuyên xảy ra đã làm thiệt hại lớn cho người nuôi. Nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật để khắc phục đã được áp dụng như trải bạt bờ, trải bạt đáy ao, sử dụng men vi sinh, giảm mật độ nuôi kết hợp nuôi xen ghép nhiều đối tượng, tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao.
Năm 2020, được sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Liên Quận, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn có mái che ứng dụng công nghệ Biofloc đã được một số hộ mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng nâng cấp hệ thống ao nuôi có mái che trong đó có hộ ông Nguyễn Hữu Cốc địa chỉ phường Tràng Cát quận Hải An.
Hệ thống ao nuôi của mô hình được thiết kế gồm: 1 bể ương giai đoạn 1 với diện tích 300 m3, dạng bể nổi hình tròn, lót bạt chống thấm HDPE, có mái che bằng lưới; 1 ao đất nuôi giai đoạn 2 được bố trí liền kề bể ương để thuận tiện cho việc san thưa, ao có diện tích 4000 m2; 1 ao chứa và 1 ao xử lý nước thải để xử lý nguồn nước cấp cũng như nước thải của quá trình nuôi trước khi xả ra môi trường. Có hệ thống điện lưới 3 pha, đồng thời lắp dự phòng máy phát điện. Hệ thống ao ương được lắp đặt máy sục khí, hệ thống xiphong; ao nuôi lắp máy quạt nước đầy đủ...
Giai đoạn 1 tôm được ương trong bể nổi có thể tích 300m3, Mật độ ương 1.200 con/m3.Tổng số lượng giống thả là 360.000 con (cỡ giống PL-12). Con giống khỏe mạnh, mua tại cơ sở uy tín và được kiểm dịch trước khi thả nuôi. Môi trường bể ương được kiểm soát chặt chẽ, các chỉ tiêu môi trường được kiểm tra hàng ngày để kịp thời điều chỉnh phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Sau thời gian ương 22 ngày tôm đạt kích cỡ 900 con/kg tiến hành chuyển sang ao nuôi tiếp giai đoạn 2 (2 ao nuôi 3000 m2 và 4000 m2) với mật độ nuôi 80 con/m2. Lượng giống chuyển sang giai đoạn 2 là 324.000 con. Trong quá trình nuôi, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trị bệnh, xử lý môi trường, tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Sau khi nuôi giai đoạn 2 được hai tháng, tiến hành thu hoạch, kết quả đạt được như sau: tỷ lệ sống đạt 75%, trọng lượng bình quân đạt 50 con/kg, sản lượng 4.860 kg; năng suất đạt 12,15 tấn/ha. Với giá bán 150.000 đồng/kg và trừ hết chi phí sản xuất mô hình đã thu lãi 310.000.000 đồng.
Kết quả cho thấy mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn có mái che ứng dụng công nghệ Biofloc đã khẳng định được tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Việc sử dụng ao ương bằng bể nổi có lắp đặt hệ thống mái che, sục đáy nên ương được mật độ dày kiểm soát tốt môi trường ao nuôi, quản lý chăm sóc thuận tiện. Đặc biệt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc, giai đoạn đầu vụ nuôi thường hay mưa và rét, nhiệt độ không khí thấp, từ tháng 5 trở đi thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nên việc ương trong bể nổi với diện tích nhỏ có thể che, chắn nên khắc phục được yếu tố nhiệt độ.
Ks. Trần Thị Phương – Trạm KN Liên Quận