Hiệu quả mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm năm 2021

10:44:13 19/10/2021 Lượt xem 1307 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Nghề nuôi tôm thâm canh ở Hải Phòng phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, quá trình thâm canh hóa tôm nuôi càng tăng thì càng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường do vật chất hữu cơ gây ra. Hiện nay, các hộ nuôi đang áp dụng biện pháp thường xuyên thay nước trong ao nuôi nhằm giảm nồng độ chất thải, duy trì màu nước. Tuy nhiên, việc thay nước thường xuyên dễ dẫn đến việc lây lan mầm bệnh như virus đốm trắng (WSSV), bệnh virus Taura, bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng…có nguy cơ lây lan mầm bệnh, gây thiệt hại cho các hộ nuôi.

       Công nghệ Biofloc là tập hợp các loại vi sinh vật khác nhau, chủ yếu là các chủng vi khuẩn có lợi, kết lại thành khối bông, xốp, màu vàng nâu, với trung tâm là hạt chất rắn lơ lửng trong nước. Là giải pháp giải quyết được 2 vấn đề: (1) Loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước ao nuôi, (2) sử dụng Biofloc làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho các loài nuôi. Biofloc có chất lượng dinh dưỡng cao, trở thành thức ăn cho tôm, do đó có thể làm tăng năng suất nuôi. Một số các axit béo có mặt trong Biofloc là tác nhân sinh học giúp loài nuôi kháng bệnh. Biofloc làm giảm chi phí thức ăn, nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích nuôi.

      Để tìm hướng phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng thực hiện mô hình “Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc”. Là năm thứ 3 liên tiếp triển khai thực hiện, mô hình đã giúp người nuôi tìm ra một hướng đi mới, công nghệ nuôi mới, hình thành liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

      Theo đó, năm 2021 Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triên khai 1,3 ha cho 4 hộ. Sau khi chọn điểm, chọn hộ. Trung tâm đã tiến hành tập huấn, cử cán bộ kỹ thuật hướng dấn cụ thể, chi tiết quy trình thực hiện cho các hộ nuôi. Giai đoạn 1, tôm ương được nuôi từ 20-25 ngày với mật độ nuôi 1.200 con/m2. Sau đó chuyển sang ao nuôi đã được xử lý và gây vi sinh Biofloc để nuôi giai đoạn 2, tôm tiếp tục được nuôi từ 63-65 ngày với mật độ nuôi 120 con/m2. Sau hơn 3 tháng nuôi, cỡ thu hoạch trung bình là 42 con/kg; tỷ lệ sống trung bình đạt 75,3%; năng suất trung bình đạt 23,25 tấn/ha; lãi ròng hơn 1tỷ đồng/ha.

       Ông Phạm Văn Bách (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng), cho biết: Quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc có ưu điểm là: Nếu so sánh với các mô hình nuôi thâm canh truyền thống, mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc có nhiều tính ưu việt hơn: giảm rủi ro bệnh, rủi ro sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất; sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, do sản phẩm đảm bảo ATTP nên được rất nhiều đơn vị nhận thu mua, ký hợp đồng bao tiêu, đảm bảo đầu ra rất ổn định.

      Ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, khẳng định: Qua kết quả của mô hình và quá trình đánh giá thực tế tại các ao nuôi, mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm là một hướng đi mới, phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 06/11/2017 của UBND thành phố về Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tại Hải Phòng đến năm 2025 góp phần nhằm phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước

      Thành công của mô hình là cơ hội lớn cho các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, các HTX, doanh nghiệp tiếp cận, học tập để từng bước phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững.

Th.s Nguyễn Trung

Phó trưởng phòng - Phòng Chuyển giao KTTS

hoạt động khuyến nông Khác:

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6229
  • Hôm qua: 11946
  • Tuần này: 40461
  • Tuần trước: 71991
  • Tháng này: 354421
  • Tháng trước: 566218
  • Lượt truy cập: 4722430
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon