Các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục

15:48:19 06/05/2021 Lượt xem 1087 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Theo thông tin từ Cục Thú y, bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò (VDNC) là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi; từ năm 2013 đến nay, bệnh xảy ra tại một số nước thuộc khu vực Châu Á: các nước Trung Đông, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Trung Quốc. Từ ngày 10/8-09/12/2020, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra trên địa bàn các 09 tỉnh (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang và Hà Nam); tổng số trâu, bò mắc bệnh hơn 1.100 con, số trâu, bò tiêu hủy 140 con và dịch có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

         Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Vi rút này có sức đề kháng cao, có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 đến 3 tháng. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình 4-14 ngày. Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: sốt cao (có thể trên 410C), bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi). Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh và chết khoảng 1-5% .

          Biện pháp phòng chống bệnh, ngoài phun tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động phun thuốc diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi; hạn chế việc chăn thả rông, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Đặc biệt là không vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch; thường xuyên rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại. Hiện trên thế giới đã có vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục; các cơ quan chức năng đang khẩn trương nhập khẩu để tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vắc-xin.

          Để chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn số 2683/SNN-CN ngày 23/11/2020 về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò gửi các huyện, quận và các cơ quan chức năng chủ động triển khai các biện pháp tuyên truyền người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò nhập lậu vào địa bàn; tăng cường thông tin tuyên truyền, đến người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò để thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn thành phố.

          * Các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục

          Khi chưa có trâu, bò có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục:

       - Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cung cấp thông tin về bệnh cho các hộ nuôi trâu, bò; các cơ sở kinh doanh, giết mổ trâu, bò; các dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng chống bệnh Viêm da nổi cục.

       - Thống kê số lượng trâu, bò nuôi trên địa bàn báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

        - Tăng cường công tác giám sát dịch, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên trâu, bò và nguy cơ xâm nhập, lây lan bệnh Viêm da nổi cục để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Một số hình ảnh trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục

        - Kiểm tra tình hình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ trâu, bò trên địa bàn. Yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ trâu, bò không tiếp nhận trâu, bò từ vùng dịch; thường xuyên kiểm tra trâu, bò nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh; tuyệt đối không vận chuyển, giết mổ trâu, bò nghi nhiễm bệnh Viêm da nổi cục khi chưa có kết quả xét nghiệm âm tính.

       - Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp an toàn sinh học, thực hiện vệ sinh phòng bệnh; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Trường hợp phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh phải báo ngay Ủy ban nhân dân xã, Trạm Chăn nuôi và Thú y thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xác định bệnh và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

          - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển trâu, bò trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trâu, bò nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh; không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, nghi nhập lậu theo quy định

          Đối với địa phương đã có trâu, bò có biểu hiện của bệnh, có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục:

          - Tổ chức cách ly toàn bộ trâu, bò chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục; nuôi nhốt trâu, bò tại các khu vực có trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

         - Tổ chức tiêu hủy toàn bộ trâu, bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục, hoặc trâu, bò trong cùng địa bàn cấp xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh Viêm da nổi cục.

           - Hỗ trợ cho chủ vật nuôi có gia súc buộc phải tiêu do dịch bệnh với định mức, quy trình và điều kiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

        - Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng, liên tục trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh.

          - Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch; trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch.

         - Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tất cả các địa phương đã phát hiện có bệnh Viêm da nổi cục; trong đó lưu ý, ghi rõ thông tin tình trạng gia súc khỏe mạnh, trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng xuất bán, giết mổ, vận chuyển trâu, bò ra khỏi địa bàn xã.

       - Tổ chức kê khai số lượng trâu, bò, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã có dịch cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường.

        - Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi, nuôi nhốt trâu, bò.

       - Thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

        - Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch và các giải pháp cụ thể về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục./.

Ks. Bùi Văn Luyện- Phó CCT.Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2754
  • Hôm qua: 4834
  • Tuần này: 27437
  • Tuần trước: 27766
  • Tháng này: 229702
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2797763
0225.3541.398 
messenger icon