Bảo quản và sử dụng vắc xin trong chăn nuôi

11:04:04 28/05/2021 Lượt xem 1637 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Những năm gần đây trong chăn nuôi dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Do đó, công tác quản lý đàn vật nuôi trở nên rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả chăn nuôi. Sử dụng vắc xin để chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi được xem là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn cho người chăn nuôi.

         Vắc xin là chế phẩm sinh học chứa các mầm bệnh hay phiên bản của mầm bệnh (được gọi là kháng nguyên) đã bị làm yếu hay làm chết, giải độc tố đi (không còn khả năng gây bệnh, sau khi tiêm vào cơ thể chế phẩm này mới kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại mầm bệnh còn gọi là miễn dịch).

         Mỗi loại vắc xin đều có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch phụ thuộc rất nhiều vào cách bảo quản và người sử dụng vắc xin. Do đó, khi sử dụng người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

         1. Bảo quản vắc xin

       - Vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp: < 00C (đối với vắc xin sống), từ 2 - 80C (đối với vắc xin chết); nên sử dụng riêng tủ bảo quản vắc xin, vệ sinh sát trùng định kỳ tủ nhằm đảm bảo vô trùng.

      - Khi vận chuyển cần giữ vắc xin trong điều kiện râm mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu vận chuyển xa nên có hộp xốp hoặc phích đá để bảo quản, nếu gần thì bảo quản bằng túi nilon tối màu và đá giữ lạnh.

       - Ghi chép việc xuất nhập kho từng loại vắc xin, số lượng, hạn sản xuất để sử dụng đúng hạn tránh lãng phí.

        2. Sử dụng vắc xin

        Khi sử dụng vắc xin cần phải thực hiện theo đúng những nguyên tắc sau:

      - Đối tượng cần phòng bệnh:

    + Thực hiện phòng bệnh hàng năm đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa.

      + Những nơi có dịch chỉ nên dùng vắc xin chết.

      + Nên phòng bệnh cho vật nuôi trước khi vận chuyển đi xa trước 15 - 20 ngày và sau 20 - 30 ngày trong trường hợp nhập vật nuôi từ nơi khác về.

      + Vắc xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác.

      - Hiệu lực của vắc xin: tình trạng sức khỏe vật nuôi, điều kiện ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin. Chỉ sử dụng vắc xin khi vật nuôi khỏe mạnh.

      ‑ Thời gian có tác dụng của vắc xin: Tùy loại vắc xin, thời gian cơ thể sẽ tạo được miễn dịch sau khi dùng vắc xin là khác nhau. Trong thời gian đầu vật nuôi chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể mắc bệnh và phát bệnh.

      ‑ Liều sử dụng: cần sử dụng vắc xin theo chỉ định của nhà sản xuất.

     - Số lần dùng: tùy loại vắc xin, động vật cảm nhiễm và tình hình dịch tễ mà số lần sử dụng khác nhau, có loại chỉ dùng một lần đã đủ miễn dịch cho con vật, một số vắc xin cần dùng nhắc lại hai hoặc nhiều lần (theo hướng dẫn sử dụng).

      ‑ Kiểm tra lọ vắc xin trước khi sử dụng:

    + Thông tin trên nhãn: Tên vắc xin, số lô, số liều sử dụng, ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng, thời hạn sử sụng, quy cách bảo quản.

     + Những hư hỏng trong lọ vắc xin: nút chặt hay lỏng, nguyên vẹn hay bị rách, tình trạng lớp sáp phủ bên ngoài lọ thủy tinh có bị rạn nứt không.

    + Tình trạng vắc xin trong lọ: màu sắc, kết cấu, có bị vón không, có vật lạ không, độ đồng nhất (nếu khi lắc lọ vắc xin vẫn chia thành hai lớp là đã bị hư hỏng).

    ‑ Thao tác khi sử dụng vắc xin:

    + Khử trùng các dụng cụ dùng để đựng, pha chế vắc xin bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa sạch bằng nước sạch (nước sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng.

    + Sát trùng bằng cồn 700: tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vắc xin.

     + Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời.

       3. Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng vắc xin

        a. Đường đưa vắc xin

         ‑ Tiêm dưới da: vắc xin Newcastle, vắc xin dịch tả vịt, vắc xin tụ huyết trùng keo phèn...

        ‑ Tiêm bắp thịt: vắc xin được tiêm vào trong cơ thường được hấp thu vào trong máu nhanh hơn so với tiêm dưới da. Để tránh trào thuốc ra ngoài từ vị trí tiêm, nên kéo da qua một bên trước khi đâm kim. Gia súc thường tiêm bắp thịt ở đùi, gia cầm là sau gáy, vị trí 1/3 giáp thân; cơ cánh, cơ ức .

         ‑ Phun sương, nhỏ mắt, miệng: vắc xin Lasota, Gum boro, IB..

         ‑ Chủng màng da: vắc xin đậu

         b. Phản ứng sau khi dùng vắc xin

       ‑ Sau  khi dùng vắc xin, vật nuôi có thể bị phản ứng do các chất phụ trợ trong vắc xin, cơ thể đang ủ bệnh ... phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm là sưng, nóng, đỏ, đau ...nhưng sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm. Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây áp xe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh.

      ‑ Tiêm vắc xin còn có thể gây phản ứng dị ứng, vật nuôi có biểu hiện: sốt, nôn mửa, run rẩy, thở gấp, nổi mẩn trên mặt da (thường gặp ở lợn). Nếu phản ứng nhẹ thì sau một thời gian sẽ hết, nếu phản ứng ở mức độ nặng thì vật nuôi có thể bị chết. Khi có hiện tượng dị ứng nên sử dụng các loại thuốc kháng Histamin như: Dimedron , Adrenalin.

        c. Xử lý vắc xin thừa

      Sau khi dùng vắc xin cho vật nuôi, tất cả vắc xin thừa cần tập trung lại và tiêu hủy (dùng nhiệt hoặc hóa chất), các dụng cụ tiêm hoặc nhỏ vắc xin phải rửa sạch và sát trùng ngay .

       d. Sổ ghi chép

      Phải có sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ ngày dùng, tên, số lô, trạng thái và hạn sử dụng của vắc xin, tình trạng sức khỏe vật nuôi trước và sau khi sử dụng vắc xin.

Ks. Nguyễn Thành Lăng  - Trạm Khuyến Nông Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 11956
  • Hôm qua: 14447
  • Tuần này: 55254
  • Tuần trước: 62771
  • Tháng này: 460906
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4494181
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon