Những gần năm đây, do ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu và việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đã làm cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên vùng nội đồng Hải Phòng ngày càng suy giảm. Bên cạnh đó, với giá trị nguồn lợi thủy sản nội đồng ngày càng tăng cao cùng công tác quản lý hoạt động đánh bắt thiếu quyết liệt, dẫn đến mức độ khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản trong vùng nội đồng diễn biến ngày càng mạnh mẽ, cộng với sự quan tâm đầu tư cho phát triển các đối tượng thủy sản nội đồng còn hạn chế đã làm nguồn lợi thủy sản nội đồng ngày càng cạn kiệt.
Trước thực trạng đó, mặc dù một số đối tượng nuôi cà ra, rạm, cua đồng, chạch đồng chưa có qui trình nuôi. Đặc biệt, chưa có quy trình và chưa sinh sản nhân tạo được, vì vậy việc lựa chọn con giống để thử nghiệm nuôi thương phẩm là rất khó khăn. Mặc dù vậy trong hai năm 2013-2014 Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hải Phòng (nay là Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) đã thực hiện một số mô hình nuôi một số đối tượng thủy sản nội đồng bằng con giống thu gom tự nhiên có giá trị kinh tế cao như cua, rạm, cà ra, chạch đồng qua đó đã đa dạng hóa đối tượng nuôi, bổ sung vào cơ cấu giống loài, vật nuôi của ngành. Tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi. Các mô hình thủy sản nội đồng do Trung tâm triển khai ngoài mang lại hiệu quả cao về kinh tế còn mang lại ý nghĩa xã hội to lớn giúp bổ sung thêm các đối tượng vào cơ cấu đối tượng nuôi trồng thủy sản của thành phố; tạo cho người dân có cơ hội lựa chọn đối tượng, phương thức nuôi phù hợp với điều kiện hiện có; mang lại công ăn việc làm cho người lao động; giảm thiểu tình trạng sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong canh tác từ đó góp phần trực tiếp và gián tiếp vào công cuộc khôi phục nguồn lợi thủy sản trong vùng nội đồng đang có nguy cơ mai một. Tuy kết quả đạt được của các mô hình là thủy sản nội đồng là tốt, nhưng với nguồn kinh phí đầu tư hiện còn khiêm tốn, cộng với việc chưa chủ động được nguồn giống sinh sản nhân tạo bởi vậy, cho đến nay việc xây dựng các mô hình trình diễn thủy sản nội đồng mới chỉ thí điểm chứ chưa phổ biến được. Vì vậy, để đẩy mạnh quá trình khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản nội đồng ở Hải phòng trong thời gian tới theo chúng tôi cần có các biện pháp đồng bộ sau:
- Xây dựng và ban hành các quy trình kỹ thuật nuôi các đối tượng đặc sản thủy sản nội đồng.
- Triển khai các mô hình trình diễn sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng rạm, cà ra, ốc bươu ta, rươi, lươn, cua đồng, cáy... theo các hình thức: sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
- Quy hoạch hài hòa giữa phát triển nông nghiệp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tiếp tục bổ sung nguồn lợi thủy sản vào môi trường tự nhiên; cải tạo hệ thống kênh nội đồng, hệ thống kênh rạch trong khu đê bao, nâng cấp khẩu độ cống các khu đê bao nhằm đảm bảo nguồn nước cho các loài thủy sản có nơi sinh sống, phát triển.
Song song đó, cần tuyên truyền ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ vốn xây dựng các mô hình chuyển đổi ngành nghề cho người dân; kiên quyết loại bỏ các công cụ bắt tôm, cá có tính hủy diệt; tăng cường công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Tăng nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản nội đồng và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu quy trình sản xuất nhân tạo các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao nhằm bảo tồn giống loài thủy sản nội địa, tạo ra con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản giúp giảm áp lực khai thác thủy sản tự nhiên. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ các loài thủy sinh ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhằm tránh tác động xấu đến các loài thủy sản bản địa.
Quy hoạch những khu vực ruộng trũng cấy lúa một vụ chuyển đổi sang chuyên canh sản xuất thuỷ sản nội đồng kết hợp với trồng lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, hạn chế tình trạng xung đột lợi ích giữa các thành phần kinh tế nông nghiệp. Hiện nay Hải Phòng có khoảng 4.000 ha diện tích ruộng trũng có thể nuôi kết hợp trồng lúa hoặc chuyển đổi sang chuyên canh nuôi trồng thuỷ sản.
Bể nuôi lươn của gia đình anh Phong, xã Trường Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng
Như vậy, có thể nói cùng với công tác tăng cường quản lý hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên thì việc triển khai xây dựng các mô hình trình diễn nuôi trồng các đối tượng thủy sản nội đồng sẽ là giải pháp hữu ích để giải quyết cơ bản nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thủy sản nội đồng bởi ngoài lợi ích mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, các mô hình sẽ đáp ứng nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ thủy đặc sản cho người dân thành phố từ đó giúp giảm áp lực lên khai thác ngoài tự nhiên, nâng cao ý thức của người dân trong việc cải thiện môi trường sống, đồng thời hỗ trợ bổ sung các nguồn giống thủy sản ra môi trường tự nhiên góp phần vào công cuộc khôi phục bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng của Hải Phòng được tốt hơn.
Ths. Đặng Thị Thanh -Trưởng phòng CGKT Thủy sản
|
|