Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ là tiền đề hướng tới sản xuất thủy sản hữu cơ theo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 của Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020. Và bắt nguồn từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo Quyết định 1753/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố ngày 29/7/2019 về việc phê duyệt Đề án Chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 thì diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp chuyển sang chuyên nuôi trồng thủy sản hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 toàn thành phố đạt 3.771,63 ha;
Thực hiện chương trình Khuyến nông năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tổ chức bàn giao con giống, vật tư cho các hộ tham gia mô hình “Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ nuôi xen canh cá lúa” tại xã Thuận Thiên huyện Kiến Thụy, xã Trấn Dương huyệnVĩnh Bảo với quy mô 3,2 ha, trong đó: huyện Kiến Thụy 1ha, huyện Vĩnh Bảo 2,2 ha.
Tham gia buổi bàn giao có ông Nguyễn Ngọc Đam Giám đốc Trung tâm, đại diện các phòng chuyên môn nghiệp vụ, trạm Khuyến nông, cán bộ Khuyến nông theo dõi mô hình và đại diện lãnh đạo các địa phương, hội nông dân 2 xã triển khai mô hình và các hộ tham gia triển khai mô hình.
Ông Phạm Văn Điệp (xã Thuận Thiên – huyện Kiến Thụy) kiểm tra chất lượng con giống
Ông Trần Văn Khúc, chủ hộ( Trấn Dương,Vĩnh Bảo) nhận vật tư hỗ trợ
Trước khi triển khai thực hiện mô hình, các hộ được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chuẩn bị, cải tạo ao, thả giống, chăm sóc và quản lý… theo đúng quy trình kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, chỉ đạo kỹ thuật, thường xuyên bám sát cơ sở, cùng với chủ hộ theo dõi thực hiện mô hình.
Ông Nguyễn Ngọc Đam cho biết: “Mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ xen canh cá lúa” được đánh giá là mô hình thích nghi với biến đổi khí hậu, được nhiều nhà khoa học và người nuôi đánh giá bền vững về mặt môi trường, do có tính đa dạng loài và áp dụng các biện pháp “quản lý tổng hợp”, giảm nhu cầu sử dụng các loại phân bón, hóa chất trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới. Về mức độ tái sử dụng tài nguyên sinh học, sau một vụ cá, các chất thải từ cá nuôi sẽ được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu. Ngược lại, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống các loài động thực vật thủy sinh, đây là nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Nhờ đó, mô hình hứa hẹn sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận, tăng thu nhập cho người sản xuất trước những ảnh hưởng tiêu cực khi có biến động giá cả, thị trường. Đâv là một trong những hướng đi phù hợp với các khu vực có diện tích sâu, trũng trong giai đoạn hiện nay mang lại hiệu quả.
Ths Nguyễn Thị Hằng - Phòng Chuyển giao kỹ thuật Thủy sản