Thanh long được xếp vào nhóm 12 loại cây ăn quả quan trọng của Việt Nam và là 1 trong 9 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Thôn Trực Trang là nơi trồng nhiều Thanh long nhất xã Bát Trang, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Cách đây khoảng 10 năm, do trồng lúa ngày càng kém hiệu quả, một số hộ đi trước trồng Thanh long, sau đó bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay cả thôn đã có hơn 50 ha trồng Thanh long.
Năm 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng toàn thôn đã có 2 ha trồng Thanh long theo hướng VietGAP và 1,5 ha thanh long theo hướng hữu cơ. Hiệu quả bước đầu của sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ tương đối rõ nét, trong suốt quá trình sản xuất không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... mà chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng và các loại chế phẩm sinh học để bón cho Thanh long.
Anh Trường đang chăm sóc vườn thanh long của gia đình
Theo anh Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Hợp tác xã hữu cơ Trực Trang, hiện tại, gia đình đang thực hiện thí điểm mô hình trồng Thanh long hữu cơ với 1500 gốc. Vườn thanh long của anh Trường sử dụng phân hữu cơ được làm từ phân bò đã qua xử lý men vi sinh kết hợp với đậu tương ngâm ủ lên men. Trong phân bò có chứa nhiều chất đa lượng, trung và vi lượng. Cụ thể là Đạm, Lân, Kali, Canxi, Magie… Đồng thời cung cấp chất mùn giúp cải tạo đất nghèo dinh dưỡng. Loại phân này có độ an toàn cao, bón các loại cây nông sản thì cho ra sản phẩm sạch. Trung bình mỗi năm, một gốc thanh long được bón 30 kg phân hữu cơ được chia làm 2 lần, lúc cây ra hoa và lúc thu hoạch xong. "Đây là giai đoạn mà cây cần bổ sung nhiều dưỡng chất nhất, vì vậy, nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cây mạnh khỏe, cho trái ngon, quả ngọt", anh Trường chia sẻ. Còn đậu tương ủ lên men được anh dùng tưới trực tiếp vào gốc cây, cứ 15 ngày tưới 1 lần bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Hệ thống này sẽ tiết kiệm nước, phân bón hơn so với việc phun tưới thông thường nhưng vẫn đảm bảo lượng nước, dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho cây trồng, tránh lãng phí và thất thoát.
Khi sản xuất theo quy trình hữu cơ, không dùng hóa chất, cây thanh long vẫn cho quả đều đặn, năng suất khá cao, mã quả sáng bóng, và vị ngọt mát. Với giá bán dao động từ 20-30.000đ/kg (tùy theo đợt) trung bình mỗi sào cho thu lãi 25 triệu đồng. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cây không bị hư hao, cành vẫn phát triển tốt, không lo sợ ảnh hưởng năng suất các vụ sau. Bên cạnh đó, thanh long hữu cơ luôn đảm bảo đầu ra ổn định với giá cao hơn thị trường khoảng 10%.
Mô hình canh tác Thanh long theo hướng hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của nông nghiệp bền vững. Với những yêu cầu của thị trường không ngừng tăng cao về chất và lượng, nông sản nếu đáp ứng được các yêu cầu này thì sẽ không còn tình trạng được mùa mất giá, lợi nhuận bấp bênh và sự phụ thuộc vào thương lái. Người nông dân làm chủ được chất lượng sản phẩm nghĩa là làm chủ được thị trường.
Ks. Đỗ Thị Nhung- Trạm Khuyến nông An Lão.