Mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ đã được nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng triển khai có hiệu quả, nhờ mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, áp dụng tiến bộ mới để trồng Thanh Long ruột đỏ mà gia đình bà Đỗ Thị Hồng thôn 2, xã Gia Minh, huyện Thuỷ Nguyên đã cho thu nhập hơn 250 triệu đồng mỗi năm.
Xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên trước đây chủ yếu là đất chuyên trồng lúa, sâu trũng, nên hiệu quả sản xuất và năng suất không cao, trong 10 năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa, phát triển mạnh các khu công nghiệp, nông dân bỏ ruộng khá nhiều. Thực hiện chủ trương của thành phố, Huyện ủy, UBND huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2011, đi đầu trong phong trào này, Bà Đỗ Thị Hồng thôn 2 xã Gia Minh, đã mạnh dạn đưa cây Thanh Long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm, diện tích trên 1 ha với 1.000 trụ Thanh Long.
Được sự hỗ trợ của địa phương, sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên và sự ham học hỏi qua các kênh báo, mạng, gia đình bà Hồng tích cực đầu tư kinh phí, áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất, áp dụng hệ thống tưới tự động. Sau 9 năm dành tâm huyết với loại cây này, đến nay, vườn Thanh Long ruột đỏ gia đình bà phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khu vườn thanh long của gia đình nhà bà Đỗ Thị Hồng
Giống Thanh Long ruột đỏ của gia đình nhà bà Hồng là giống Thanh Long Long Định 1 được bà mua tại tỉnh Quảng Ninh là giống cây dễ trồng, không kén đất, chất lượng, năng suất, lợi nhuận cao. Theo bà Hồng trồng Thanh Long ruột đỏ không khó, chỉ cần một cột xi măng, phân hữu cơ là chủ lực, 4 hom giống Thanh Long là đã có 1 trụ Thanh Long. Mỗi năm chỉ bón phân 2 lần, bón thúc mầm và bón thúc quả. Bên cạnh đó, Thanh Long ruột đỏ có vị dịu ngọt, thanh mát, có nhiều giá trị dinh dưỡng nên được thị trường ưu chuộng.
Trụ Thanh Long trong giai đoạn thu hoạch
Sau khi trồng 2 - 3 năm, Thanh Long cho từ 4-5 lứa quả/năm, sản lượng tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Tuổi thọ của cây bình quân có thể từ 20-25 năm tuỳ theo khả năng chăm sóc. Bằng sự hỗ trợ nhiệt tình về mặt kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông, gia đình bà đã mạnh dạn lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới tự động giúp giảm 10-15% chi phí chăm sóc, tiết kiệm được lượng nước tưới. Cán bộ khuyến nông luôn theo sát mô hình, hướng dẫn tư vấn chăm sóc, kỹ thuật đốn tỉa cành, bón phân sau mỗi đợt thu quả, kỹ thuật tuyển quả và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Tính đến nay, vườn Thanh Long ruột đỏ nhà bà Hồng cho năng suất từ 20-30kg/trụ, trung bình 20 tấn/lứa/ha và cho thu hoạch 80-100 tấn/ha 1 năm với giá từ 25-30 nghìn/1 kg. Mỗi năm sau khi trừ tất cả chi phí bà thu lãi về khoảng 250 triệu đồng.
Bà Hồng bên vườn Thanh Long của gia đình
Mô hình trồng cây Thanh Long ruột đỏ của gia đình bà Đỗ Thị Hồng là mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao trên địa bàn xã, với kết quả đạt được từ mô hình này và đánh giá hiệu quả của các cây trồng chuyển đổi có giá trị, hiệu quả trên địa bàn huyện, hứa hẹn sẽ có nhiều mô hình chuyển đổi được nhân rộng trên địa bàn huyện, góp phần làm giàu thêm cho mảnh đất Thuỷ Nguyên hào hùng.
Ks. Bùi Thị Duyên- Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên