Trở thành triệu phú từ cây lúa

19:32:15 21/05/2021 Lượt xem 661 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Ở thôn Lạc Hồng, xã Vĩnh An huyện Vĩnh Bảo anh Trịnh Công Thuần là một trong những tấm gương làm giàu từ cây Lúa. Với nỗ lực vươn lên và sự cần cù, chịu khó của mình anh đã trở thành “triệu phú” nhà nông ngay trên mảnh đất quê hương mình.

         Ở tuổi 35, vợ chồng anh đã sở hữu trong tay 1 máy cấy, 2 máy cày cỡ trung, 1 máy bơm nước, 1 máy gieo mạ khay và các dụng cụ, thiết bị kèm theo.

          Những ngày mới lập nghiệp anh chị chỉ có trong tay 20 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi cùng với tình yêu công việc đồng ruộng anh đã vận động bà con cho thuê những diện tích bỏ hoang với giá trung bình 15 kg thóc/sào/vụ để cấy lúa nếp thơm và một số giống mới khác. Năm 2017, được sự hỗ trợ vốn vay từ  ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn anh đã đầu tư mua 1 máy cày, để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của gia đình và cày thuê cho bà con trong thôn xóm. Năm 2018, được sự hỗ trợ tư vấn của cán bộ Khuyến nông anh đã quy tụ được 5 ha đất của dân để cấy lúa. Nhờ có máy móc và hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông, ngay từ vụ đầu anh đã thu được thắng lợi lớn. Có đồng lãi từ thu hoạch lúa kết hợp với vốn tự có, anh chị quyết định mua thêm máy cày, máy cấy, máy gieo mạ khay. Với sự đam mê, yêu nông nghiệp, anh chị vận động thêm được 5 ha ruộng của nông dân bỏ hoang và quy tụ thành vùng lớn để sản xuất. Vụ xuân 2020 với diện tích 10 ha, anh chị cấy 5 ha giống lúa nếp thơm cho thu hoạch trung bình 170 kg/sào, bán giá 11.000 đồng/kg, còn lại 5 ha cấy các giống mới khác, năng suất đạt từ 220 - 250 kg/sào, bán giá 7.500 đồng/kg. Tổng diện tích trên thu được trên 500 triệu đồng, trừ chi phí vật tư và trả số tiền thuê ruộng anh chị còn mang về được gần 300 triệu đồng.

           Có được số tiền trên là do năng suất lúa cao, chi phí công lao động thấp vì hoàn toàn làm bằng máy móc. Trao đổi với chúng tôi anh nói: “Điều thuận lợi hơn cả là do có máy móc, chi phí ít công lao động và đảm bảo thời vụ gieo cấy. Đặc biệt sản phẩm làm ra dễ bán, nhiều thương lái đến mua không khó như mặt hàng hoa quả. Tuy nhiên để sản xuất mang tính bền vững cũng cần phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Vụ sau tôi sẽ cố gắng vận động hết những ruộng còn bỏ hoang vừa cho thu nhập, vừa hạn chế chuột bọ cư trú sinh sản”.

           Với tinh thần quyết tâm, dám nghĩ dám làm như vợ chồng anh Thuần, đến nay anh chị đã có khoản ăn khoản để mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Nếu ai cũng như anh Thuần, chắc hẳn trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo nói riêng toàn thành phố Hải Phòng nói chung sẽ không còn diện tích ruộng bỏ hoang.

Trần Văn Thời - Trạm Khuyến nông Vĩnh Bảo

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 71
  • Hôm qua: 4463
  • Tuần này: 25415
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 264125
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2832186
0225.3541.398 
messenger icon