Phường Tân Thành, quận Dương Kinh là địa phương có thế mạnh trong nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, cá vược…Những năm gần đây nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để xây dựng nhà bạt nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao.
Ao nuôi tôm nhà bạt của anh Vũ Thanh Hải
Anh Vũ Thanh Hải – Tổ dân phố (TDP) Tân Tiến, phường Tân Thành là một kỹ sư xây dựng, nhưng rất đam mê nuôi tôm, anh đã từ bỏ công việc ổn định để thực hiện đam mê và ước mơ.
Năm 2017 anh thuê 1 ha đầm nuôi của Xí nghiệp Nuôi trồng thuỷ sản Kiến Thuỵ nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm đầu anh gặp rất nhiều khó khăn, kinh nghiệm nuôi chưa có, tôm nuôi thả được 20 ngày lại nhiễm bệnh và chết. Thất bại 2 vụ liên tiếp, hết sạch vốn, nhưng khó khăn lại làm anh càng thêm ý chí quyết tâm làm giàu.
Năm 2019 nhờ chính sách hỗ trợ theo NQ13 của HĐND thành phố cộng với vốn vay ngân hàng anh đã tiến hành xây dựng và quy hoạch lại khu nuôi. Hiện nay, khu nuôi của gia đình anh khá khang trang, anh xây dựng 1 bề ương tôm 100m2, 2 ao nuôi thương phẩm nhà bạt mỗi ao 1.500m2 , 1 ao 4.000m2 để xử lý nước cấp vào ao nuôi và ao xử lý chất thải. Hệ thống ao ương và ao thương phẩm thông với nhau nhờ hệ thống van xả, sau khi ương tôm trong bể được khoảng 20 ngày là có thể mở van đưa toàn bộ tôm ra ngoài ao nuôi thương phẩm mà không cần dùng đến lưới te như trước đây. Bên cạnh đó cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông cơ sở ngay từ khâu cải tạo ao, chọn giống, chăm sóc ao đầm nuôi, anh còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo do Trung tâm khuyến nông Hải Phòng tổ chức, tích cực tham quan các mô hình nuôi có hiệu quả trên địa bàn phường cũng như các địa phương lân cận.
Mọi sự cố gắng đều được đền đáp xứng đáng cùng với tinh thần ham học hỏi đã giúp anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm nuôi, nên trong mấy năm nuôi tôm trong nhà bạt (2019- 2021) đều cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt năm 2020, anh nuôi tôm thẻ theo hình thức 2 giai đoạn và sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm vi sinh trong quá trình nuôi, tôm giống sau khi mua về sẽ được ương ở bể ương khoảng 20 ngày sau đó mới cho ra nuôi ở 2 ao nhà bạt thương phẩm. Trong quá trình nuôi nhờ sử dụng các chế phẩm sinh học nên hầu như không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh cũng như các hoá chất xử lý môi trường. Sau 4 tháng nuôi năng suất trung bình đạt 10 tấn/ ha. Chỉ với 3000m2 anh thu được hơn 3 tấn tôm, do bán vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên tôm khá được giá, cỡ tôm 40-50 con/kg giá bán 200.000đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí anh thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Anh Hải chia sẻ: “ Nuôi tôm thẻ rất nhiều rủi ro đặc biệt là giai đoạn tháng đầu khi nuôi. Ương tôm trong bể sẽ giảm thiểu được tỷ lệ tôm chết, nếu xảy ra vấn đề gì ta cũng dễ xử lý hơn, khi san ra các ao nuôi thương phẩm tốc độ sinh trưởng tốt hơn. Mặt khác nuôi sử dụng chế phẩm sinh học nên tiết kiệm được khoản hoá chất xử lý môi trường ao nuôi. Đầu năm thời tiết còn lạnh nhưng nuôi trong nhà bạt nên nhiệt độ bao giờ cũng cao hơn ngoài trời từ 5-70C, khi gặp mưa thì cũng không xảy ra hiện tượng nước bị phân tầng do đó các yếu tố môi trường ao nuôi cũng được kiểm soát tốt hơn, điều đặc biệt là giá bán khá cao có khi gấp 3 lần tôm vào chính vụ”.
Anh Hải kiểm tra tôm
Bên cạnh thành công đã đạt được anh không chỉ đúc kết được kinh nghiệm cho bản thân mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nuôi xung quanh. Một số hộ nuôi đã đến tham quan đầm nuôi tôm của anh học hỏi và áp dụng nuôi rất thành công.
Có thể nói nuôi tôm thẻ chân trắng vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thành công cao, kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường, nguồn tiêu thụ lại có sẵn. Đây sẽ là hướng đi mới giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững, tiến tới kết nối tiêu thụ sản phẩm tôm sạch với thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi và thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương.
KS. Nguyễn Thị Huệ - Trạm Khuyến nông Liên Quận