Huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) từ lâu đã được biết đến là vùng trồng thuốc lào truyền thống nổi tiếng, trong đó xã Kiến Thiết giữ vai trò là vùng trọng điểm với diện tích trồng thuốc lào ổn định hàng năm trên 300 ha, chiếm trên 50% diện tích cây trồng vụ Xuân của toàn xã.
Theo ông Vũ Văn Hương – Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Kiến Thiết: “Dù đầu vụ gặp không ít khó khăn do thời tiết và sâu bệnh, nhưng nhờ có sự đồng hành sát sao của cán bộ kỹ thuật và sự vào cuộc kịp thời của Hợp tác xã, bà con yên tâm sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng vụ thuốc lào năm nay sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân.”
Ngay từ đầu vụ Xuân 2025, Kiến Thiết đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cục bộ, ít mưa, khiến cây thuốc lào sinh trưởng chậm tại một số diện tích. Đặc biệt, trong giai đoạn sau cấm ngọn và trải lá, nhiều ruộng thuốc xuất hiện bệnh do nấm và virus như: khảm lá virus, héo vàng, đốm vòng, thán thư... khiến mật độ cây trên đơn vị diện tích sụt giảm.
Trước tình hình này, cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn đã chủ động kiểm tra đồng ruộng, theo dõi dịch hại, đồng thời phối hợp với Hợp tác xã để kịp thời hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ. Các biện pháp can thiệp đồng bộ, khoa học như:
- Luân phiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình
- Điều tiết nước tưới hợp lý
- Bổ sung dinh dưỡng vi lượng theo từng thời điểm sinh trưởng.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ kỹ thuật và sự chủ động của nông dân, đến nay hầu hết diện tích thuốc lào trên địa bàn xã đã khống chế được dịch hại, cây sinh trưởng tốt, bộ lá đều, thân mập, lá dày, cho thấy triển vọng một mùa thu hoạch đạt năng suất cao và chất lượng tốt.
Bệnh khảm lá virut trên cây thuốc lào
Cán bộ khuyến nông kiểm tra sinh trưởng của cây thuốc lào
Một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc cây thuốc lào trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch đầu vụ, nhằm đảm bảo chất lượng lá, năng suất cao và thuận lợi cho quá trình phơi, sấy sau này:
1. Kiểm soát nước tưới hợp lý
- Giảm dần lượng nước tưới khi cây chuẩn bị ra lá bánh tẻ (lá trưởng thành), không để ruộng bị ngập úng.
- Không tưới sát ngày thu hoạch (trước 5–7 ngày), giúp lá săn chắc, ít nước, dễ sấy và giữ hương vị đặc trưng.
2. Tỉa lá – điều chỉnh mật độ lá
- Tỉa bỏ các lá chân già, vàng úa để cây tập trung dinh dưỡng cho lá chính.
- Tạo độ thông thoáng cho cây, giảm nguy cơ sâu bệnh, đặc biệt là bọ trĩ và bệnh cháy lá.
3. Bón thúc bổ sung (nếu cần thiết)
- Trước thu hoạch khoảng 10–15 ngày, có thể bón bổ sung kali (K) hoặc vôi bột để: Tăng hương vị, giúp lá thuốc thơm, đậm. Hạn chế sâu bệnh, tăng độ dai, độ mềm lá.
- Không nên bón đạm (N) vào giai đoạn này vì dễ làm lá non, khó sấy, dễ bị mốc.
4. Phòng trừ sâu bệnh
Giai đoạn này dễ xuất hiện: Sâu xanh ăn lá, bọ trĩ (gây xoăn, khô mép lá), bệnh thán thư, đốm nâu, đốm vòng
Biện pháp: Dùng thuốc Bảo vệ thực vật sinh học hoặc thuốc trừ sâu an toàn có thời gian cách ly phù hợp (tối thiểu 7–10 ngày). Không phun thuốc Bảo vệ thực vật quá sát ngày thu hoạch để tránh dư lượng.
5. Chọn thời điểm thu hoạch hợp lý
- Thu hoạch vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, tránh nắng gắt.
- Lá đạt tiêu chuẩn khi:
+ Có độ mềm dẻo, màu xanh đậm.
+ Không còn phấn trắng (bám trên mặt lá).
+ Lá không còn non mềm hoặc quá già.
Lưu ý :
- Không thu hoạch sau khi mưa to, dễ bị thối, khó phơi, mất mùi.
- Nên phân lô theo đợt, không thu hoạch ồ ạt để đảm bảo khâu xử lý sau thu hoạch.
- Chuẩn bị sẵn nơi phơi, ủ hoặc sấy thuốc để xử lý ngay sau thu hoạch.
Trong thời gian tới, cán bộ Khuyến nông sẽ tiếp tục theo sát đồng ruộng, phối hợp với chính quyền xã tư vấn kỹ thuật và cảnh báo sinh vật gây hại, giúp nông dân chủ động xử lý và duy trì diện tích an toàn. Với sự đồng lòng, chủ động của nông dân, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của ngành chuyên môn, vụ thuốc lào xuân 2025 của xã Kiến Thiết hứa hẹn đạt kết quả tích cực, góp phần khẳng định giá trị của “thuốc lào Tiến Vua” – niềm tự hào văn hóa và kinh tế đặc trưng của địa phương.
Ks. Nguyễn Thị Quỳnh – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng