Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên
Cây thuốc lào là một loại cây trồng đã gắn bó lâu đời đối với người dân quê hương Trạng Trình huyện Vĩnh Bảo. Không biết từ khi nào, cây thuốc lào đã được ông cha chúng ta trồng, chăm sóc và sử dụng nó như một mặt hàng thiết yếu. Ngày nay do nhu cầu của thị trường gia tăng nên diện tích đất trồng thuốc lào cũng được tăng lên rất lớn. Hằng năm cứ vào khoảng tháng 4 tháng 5, giữa cái nắng oi nồng lại là thời điểm "vàng" để người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo thu hái thành quả sau một nửa năm chăm bón.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, thuốc lào được trồng rất phổ biến với diện tích hàng năm gần 1000 ha.
Hiện nay, công nghệ phát triển với những máy móc hiện đại, song cây thuốc lào vẫn được người dân chế biến thủ công là chủ yếu. Không ngoa khi nói rằng: “Chăm cây thuốc lào chẳng khác gì chăm con mọn”. Từ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đến quy trình trồng, chăm sóc và chế biến cây thuốc lào đều thể hiện đây là loại cây rất “kén”.
Cánh đồng thuốc lào
Để đảm bảo cây thuốc lào sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, lực lượng Khuyến nông huyện đã giúp đỡ và đồng hành cùng bà con trong các vụ mùa.
Cán bộ Trạm Khuyến nông Vĩnh Bảo kiểm tra tình hình sinh trưởng,
phát triển trên ruộng thuốc lào chuẩn bị thu hoạch
Thuốc lào được gieo trồng từ tháng 9 của năm trước tới tháng 5, tháng 6 năm sau mới thu hoạch. Sau khi hái lá xuống sẽ được tuốt lấy phần thịt lá, bỏ gân ở phần giữa. Tiếp đó, lá thuốc được xếp lại thành cuộn dài khoảng 2 – 3m và đưa vào ủ cuộn
Cuộn thuốc đem đi ủ "dấm"
Sau khi “dấm” cuộn thuốc tới khoảng thời gian nhất định thì được thít lại một lần nữa cho chặt và đem đi thái. Lưỡi dao sắc ngọt chính là vật dụng để thái thuốc lào. Công đoạn này khá vất vả vì đòi hỏi người làm nghề phải có kinh nghiệm để thái được sợi thuốc nhỏ, đều và không bị vụn. Người dân trồng thuốc lào cho biết, trước đây chưa có máy thái, người dân thái thuốc bằng tay. Sau khi có máy thái thuốc, giảm được công lao động và sợi thuốc cũng nhỏ, đều hơn. Tuy nhiên, vai trò của người điều khiển máy vẫn vô cùng quan trọng, đôi bàn tay khéo léo giúp những sợi thuốc nhỏ đều và không bị đứt chỉ.
Thuốc lào sau khi thái được người dân dùng que phơi cẩn thận, tỉ mỉ trên chiếc “sảo” và nhiều nơi còn có cách gọi khác là chiếc nong phơi. Là công dụng giúp những sợi thuốc vừa “thái” được khô kiệt.
Thuốc lào được thái bằng máy
Thuốc lào sau khi phơi sẽ được người dân nhanh chóng di chuyển tới địa điểm thoáng, có ánh nắng để phơi. Khi phơi cần theo dõi thời tiết, nếu trời mưa hay âm u không có nắng sẽ ảnh hưởng xấu đến sợi thuốc làm ngả màu và kém chất lượng. Sợi thuốc lào thành phẩm có màu nâu đậm, nâu hạt cau hoặc vàng, có mùi thơm, người dân sẽ gấp lại thành từng bánh bỏ vào nilong để chống ẩm mốc. Việc bảo quản này cũng yêu cầu sự cẩn thận vì chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể khiến thuốc bị hỏng, giảm chất lượng.
Thuốc lào thành phẩm
Thuốc lào khi hoàn thiện sẽ bán được giá thành 200.000 đồng/kg, thời điểm cao còn có khi lên tới 400.000 đồng/kg. Ngày nay thuốc lào vẫn được người dân trồng rất nhiều. Ngoài thu hoạch lá người dân còn chăm cả cây để ra hoa lấy hạt phục vụ cho mùa sau. Đất trồng cần đất thịt nặng thì thuốc lào càng ngon, mùa thuốc lào có thuận lợi phần lớn nhờ vào thời tiết.
Qua việc đi khảo sát nhà dân, bác Phạm Văn Núi (thôn 4 - xã Giang Biên - Huyện Vĩnh Bảo) cho biết bí quyết để sợi thuốc có màu vàng đẹp và đạt chất lượng là thuốc được phơi thông từ sáng tới 10h tối. Thời điểm sương xuống, sợi thuốc được tưới sương sẽ mềm, dẻo và màu sắc sẽ đẹp hơn. Theo lời bác Núi tâm sự: Trồng thuốc lào rất vất vả, thường xuyên thăm ruộng, nhặt cỏ, vẽ lá già, bẻ nhánh và tưới nước. Được cái hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần trồng lúa.
Tất cả các bộ phận của cây thuốc lào được các chuyên gia nghiên cứu có chứa thành phần nicotin nên được sử dụng để sản xuất thuốc diệt côn trùng, các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thuốc lào tại địa phương không chỉ mang giá trị cao về kinh tế mà ngày xưa còn từng mang danh thuốc lào tiến vua.
Thuốc lào trong dân gian còn được sử dụng như một loại thuốc để cầm máu. Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị đứt tay hoặc đứt chân ta có thể lấy vài sợi thuốc lào đắp trực tiếp lên vết thương bị đứt, máu sẽ được cầm lại ngay. Ngoài ra còn chữa được các bệnh khác như: chữa bỏng, đỉa cắn, hắc lào...
Việc duy trì cây trồng truyền thống, đặc sản của địa phương, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Với những lợi ích và công dụng mạng lại, cây thuốc lào đang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Bảo, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ks.Nguyễn Thị Huyền – Trạm KN Vĩnh Bảo