Thành công từ mô hình cá- lúa trên cánh đồng hoang hóa

09:19:09 10/06/2021 Lượt xem 625 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Mô hình cấy lúa vụ Xuân, nuôi cá vụ mùa và tận dụng diện tích bờ ruộng để nuôi vịt thương phẩm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho ông Phạm Văn Tuyến thôn 7, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy.

Ông Phạm Văn Tuyến đang thu hoạch lúa Xuân

       Ông Tuyến cho biết cách đây khoảng 4 năm, thấy nhiều hộ trong thôn bỏ ruộng hoang hóa do cấy lúa không có hiệu quả, tôi nhìn thấy tiếc quá. Được sự tư vấn của cán bộ Khuyến nông Trạm Khuyến nông Kiến Thụy, nên tôi đã quyết định thuê lại những diện tích ruộng bỏ hoang ở gần nhà để canh tác theo hướng cá lúa. Công tác vận động để thuê lại ruộng cũng gặp nhiều khó khăn: người đòi cho thuê với giá cao, người không cho thuê để giữ ruộng chờ dự án…Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương xã Tú Sơn đã tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động tích cực nên các hộ cũng đã thay đổi suy nghĩ và đồng ý cho ông thuê lại ruộng để chuyển đổi mô hình.

Ruộng hoang trước khi được cải tạo

        Vậy là hơn 5 ha ruộng đã được cải tạo để cấy lúa và nuôi cá (3 ha cấy lúa vụ Xuân, vụ Mùa không cấy chỉ để diện tích nuôi cá 4ha, còn lại bờ ven tận dụng nuôi vịt). Mỗi năm ông Tuyến cấy một vụ lúa Xuân sang vụ Mùa thì bắt đầu thả cá. Vì vụ Xuân cấy lúa cho năng suất cao, ít sâu bệnh nên ông tiến hành gieo sạ lúa như bình thường. Khi lúa gieo sạ của ông đến giai đoạn tỉa dặm, ông lại cho mạ để các hộ xung quanh cấy nên diện tích cấy lúa của xã cũng tăng lên đáng kể. Đến tháng 5, sau khi thu hoạch lúa xong thì ông bắt đầu dâng nước lên thả cá. Do kết hợp cấy lúa với thả cá, nuôi vịt ông không phun trừ thuốc BVTV, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh và áp dụng các biện pháp phòng trừ chuột hại nên giảm được chi phí trong quá trình canh tác lúa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mỗi vụ cấy lúa cũng cho năng suất đạt từ 50-54 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế đạt 20 triệu/ha, với diện tích trên ông được 60 triệu/3ha/vụ.

Thu hoạch lúa Xuân

      Ông Tuyến cho biết thêm: Việc nuôi cá kết hợp trong ruộng lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giúp loại bỏ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm đất, công làm cỏ sau mỗi vụ. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn. Nhờ nuôi thả tự nhiên, chất lượng thịt cá đảm bảo, an toàn, thịt cá dai và thơm ngon. Mỗi năm thu hoạch 1 lứa cá thương phẩm, trung bình 5 tấn/lứa/ha, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng/lứa/ha, ông thu được 200 triệu đồng/lứa/4ha. Ngoài ra, tận dụng được diện tích đất trên bờ ruộng ông nuôi thêm vịt: một năm 4 lứa vịt, mỗi lứa nuôi 2.000 con, thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.

Đàn vịt hơn 2.000 con của ông Tuyến sắp được bán

       Như vậy với tổng diện tích 5ha (cả nuôi cá, cấy lúa, nuôi vịt) Ông Tuyến thu được 340 triệu đồng/năm (chưa trừ công ông bỏ ra). Ông nói vui: “Mình làm lấy công làm lãi”.

       Hiệu quả từ mô hình nuôi cá cấy lúa của ông Tuyến đã trở thành điểm sáng để người nông dân trong vùng học tập. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn xã Tú Sơn đã có khoảng 45ha chuyển đổi từ vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình cá – lúa để nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ks. Vũ Thị Chang – Trạm KN Kiến Thụy

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 3557
  • Hôm qua: 4834
  • Tuần này: 28240
  • Tuần trước: 27766
  • Tháng này: 230505
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2798566
0225.3541.398 
messenger icon