Tối ngày 10/06/2022, tại hội trường nhà văn hoá xã Tam Hưng đã tổ chức Hội nghị tập huấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, cũng như định hướng quy hoạch vùng trồng dưa hấu VietGAP tại địa phương, cùng với đó là triển khai kế hoạch gieo cấy vụ Mùa 2022. Tham dự có đại diện Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện (BVTV), cán bộ Khuyến nông, lãnh đạo địa phương cùng hơn 50 hộ nông dân có ruộng khu đồng Cửa Chùa.
Hội nghị diễn ra vào buổi tối, tạo không khí gần gũi, các hộ dân tham dự đầy đủ, nội dung trao đổi thiết thực. Thông qua hội nghị trao đổi, lấy ý kiến của bà con xây dựng kế hoạch sản xuất dưa hấu trong vụ thu đông sắp tới.
Tập huấn tại hội trường nhà văn hóa xã Tam Hưng
Dưa hấu là cây trồng vụ Đông truyền thống của bà con nông dân trong xã Tam Hưng mang lại thu nhập cao, được bắt đầu trồng sớm vào đầu tháng 8 ngay sau khi thu hoạch lúa mùa sớm. Tuy nhiên, bà con chủ yếu vẫn là sản xuất theo hướng tự phát, mỗi nhà trồng một giống, trồng một thời gian khác nhau, xem kẽ nhiều loại cây trồng khác,.. dẫn đến việc điều tiết nước, quản lý sâu bệnh trên đồng ruộng gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến năng suất chung.
Mang nỗi băn khoăn trăn trở trong lòng bà Vũ Thị Hợi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp dịch vụ xã chia sẻ: làm sao để quả dưa hấu Tam Hưng được mọi người biết đến chứ không chỉ được bán ở các xã lân cận, làm sao để nâng cao giá trị cho quả dưa quê mình trồng ra. Buổi tập huấn đã giúp giải đáp vướng mắc cũng như định hướng sản xuất theo hướng an toàn, lâu dài cho người dân: sản xuất an toàn, có dán tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm thì mới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng bá được thương hiệu, nâng cao giá trị sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Kết thúc buổi hội nghị tập huấn, các hộ dân đã nhận được nhiều kiến thức bổ ích để phục vụ cho vụ mùa sắp tới, giúp bà con tiếp cận với tư duy sản xuất mới, góp phần vào bước thay đổi sau này. Thay đổi tư duy mới, nhất là tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn trong thời đại mới không phải buổi một buổi hai, mà đó là cả một quá trình thay đổi và nhận thức trong tư duy người sản xuất, cũng như cách thức quản lý của lực lượng nòng cốt của địa phương.
Ks. Lý Thị Hạnh – Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên