Những điển hình tiên phong trong tiến trình xây dựng nông thôn mới

10:56:05 28/04/2021 Lượt xem 1383 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Đi khắp các làng mạc, thôn quê của Hải Phòng hôm nay, đâu đâu ta cũng thấy bà con nông dân hăng hái thi đua đẩy mạnh ứng dụng KHKT, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con mới vào phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nền nông nghiệp đang phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, tiến tới nông nghiệp sinh thái, ứng dụng CNC. Người dân đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Có được bước chuyển mình lớn lao ấy không thể không kể đến những nỗ lực, đóng góp của các mô hình, điển hình tiên tiến, tiên phong trong tiến trình xây dựng NTM của thành phố gót chục năm qua...

“Thảo nguyên xanh” giữa lòng thành phố...

       Trạng trại hộ ông Nguyễn Văn Chinh, sinh 1966, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Lê Lợi, huyện An Dương, một trong những hội viên sản xuất kinh doanh giỏi của huyện nhà hiện lên mới sống động, kỳ thú biết bao. Trang trại rộng trên 1.000m2, nằm giữa cánh đồng bạt ngàn màu xanh của cỏ cây, hoa lá. Điểm xuyết giữa không gian mênh mông, êm ả, thanh bình của miền quê phì nhiêu ấy là những chú hươu hồn nhiên, ngơ ngác nhìn.

       Theo sự chỉ dẫn của ông Chinh thì hươu là động vật hoang dã, rất nhát nên mất khá nhiều thời gian và thật rón rén, cẩn trọng chúng tôi mới vào được phía trong của trang trại. Một cảnh tượng xưa nay hiếm ở chốn thôn dã đã dần hiện ra trước mắt chúng tôi: Ngoài những chú “lộc” – Hươu mọc sừng non đang ở trong chuồng, đàn hươu sao thuộc đủ lứa tuổi, có con đang nằm phơi mình trên bãi cát, con lại thảnh thơi gặm cỏ bỗng giật thột. Con nào con nấy nháo nhác chạy loạn xạ khi thấy bóng dáng người lạ.

       Ông Chinh chia sẻ: Cơ duyên đưa đẩy ông Chinh đến với nghề nuôi hươu là những tháng ngày lặn lội đi buôn chè ở Thái Nguyên kiếm sống ông có gặp, thân rồi học mót được cách nuôi từ một người bạn dân tộc. Năm 2005, thấy một cán bộ Hội Nông dân huyện có nuôi hươu nên gia đình ông Chinh quyết định mạo hiểm chuyển đổi diện tích cấy lúa kém năng suất sang lập trạng trại nuôi ong lấy mật, hươu lấy nhung, kết hợp trồng cây thanh long.

Ông Chinh khoe vườn Thanh long vừa cho thu hoạch quả, vừa là nguồn thức ăn quen thuộc của đàn Hươu

       Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp về nguồn vốn, năm đầu gia đình ông Chinh mua được 4 con hươu, giá trên 10 triệu đồng/con. Nuôi được năm trước, năm sau thấy có lời nên gia đình quyết định đầu tư lớn, mang sổ đỏ đi cầm cố mượn được 200 triệu đồng vào Nghệ An mua thêm 8 con hươu về nuôi. Do chưa có hiểu biết đầy đủ về đặc tính của loài Hươu nên khi mua gia đình không chú ý đến tuổi tác, cứ thấy “đẹp” là mua. Mua về năm trước, năm sau hươu được tầm 15, 16 tuổi, gặt rét thế là lăn ra chết. 3 năm đầu gia đình ông Chinh thiệt hại 12 con hươu (trên, dưới 150 triệu đồng).

Đàn Hươu ngơ ngác nhìn

       Sau mỗi “vấp ngã” như vậy, ông Chinh không hề nản lòng. Được sự hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện, xã; cộng thêm ý chí ham học hỏi, quyết tâm làm giàu, ông Chinh đã không ngừng mày mò, tìm kiếm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi hươu trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ những người nuôi trước và những kinh nghiệm đúc rút được từ thực tế chăn nuôi để làm giàu kinh nghiệm cho bản thân.

Đàn Hươu nhác nhác chạy khi thấy có người lạ

       Hiện, tổng quy mô trang trại của gia đình ông Chinh được mở rộng lên 3.500m2. Riêng diện tích chuồng trại là 1.000m2 với trên 40 con Hươu và trên 200 đàn ong. Diện tích còn lại ngoài trồng Thanh Long ruột đỏ gia đình ông Chinh còn trồng thêm củ canh mang lại nguồn thu khá lớn. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được 20kg nhung hươu, trị giá 400 triệu đồng và 1.000 lít mật ong, trị giá 250 triệu đồng. Trừ chi phí đi, nguồn lời thu được từ cây củ, quả và nuôi hươu, ong mang lại cho gia đình đạt trên dưới 500 triệu đồng/năm. Trang trại tạo việc làm ổn định cho 2 lao động, với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.

       Bật mí về nghề nuôi hươu, ông Chinh chia sẻ: Hươu là động vật hoang dã, rất nhát. Chúng có vòng đời khoảng trên dưới 20 năm. Khai thác được khoảng 18 năm. Hươu được 2 tuổi sẽ bắt đầu mọc nhung. Từ năm 5 tuổi đến 10 tuổi sẽ cho lấy nhung 2 lần/năm. Dưới 5 tuổi và trên 10 tuổi cho lấy nhung năm 1 lần. Những chú hươu nhanh nhẹn, mắt sáng, cao, đứng ngơ ngác thường là những chú hươu tốt, khỏe mạnh. Nuôi hươu rất nhàn lại không tốn chi phí. Thức ăn ưa thích của chúng chỉ là các loài cỏ màu xanh, chát, đắng, vỏ quả, thân cây, hoa chuối. Ngoài nguồn thức ăn (cỏ, cành cây Thăng Long... ) có sẵn trong trang trại, trung bình 1 ngày gia đình ông Chinh chỉ mất 15, 16 nghìn tiền xăng xe đi thu gom vỏ ngô, mít, dứa... về cho hươu ăn là được. Hươu lại ít bệnh tật, thường chết do già. Để phòng bệnh cho chúng, hàng ngày cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, kiểm tra thể trạng của đàn hươu 1, 2 lần để kịp thời phát hiện con nào có biểu hiện chán ăn, mắc bệnh thì tìm các loài “cây độc” như: lá xoan, bạch đàn, đào thậm chí là lá ngón hái về cho hươu ăn sẽ khỏi bệnh. Tuyệt đối không tiêm kháng sinh vì loài hươu hễ tiêm là chết.

       Đáng chú ý, ngoài việc có thể tự chăm sóc, cắt sừng, chế biến nhung hươu, ông Chinh còn có thể tự nấu cao hươu già nên tận dụng được tối đa giá trị đàn hươu mang lại. Tất cả các mặt hành nông sản của trang trại gia đình ông Chinh đều trở thành thương hiệu, nức tiếng một vùng, được người dân cũng như thương lái khắp nơi tìm về thu mua, tấm tắc ngợi khen...

Tiên phong trong đổi mới...

       Chia tay trang trại hộ ông Chinh - một trong số ít trang trại nuôi hươu lớn nhất của Hải Phòng, chúng tôi tìm về HTX Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ Nông nghiệp xã Quang Phục (HTX), Tiên Lãng - Mô hình chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 hoạt động hiệu quả nhất của địa phương.

       Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: Được thành lập từ năm 1960, qua 2 lần chuyển đổi, từ tháng 7-2016 đơn vị chính thức đi vào hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Từ ngày chuyển đổi đến nay, HTX không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa tiến bộ KHCN đến gần hơn với người nông dân, giúp họ ứng dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tạo tiền đề cho phương thức sản xuất mới, hướng tới đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

       Hiện, HTX đã thành lập tổ hợp tác cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất; tiến hành cấp ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn theo tiêu chuẩn quy định. Hoạt động của đơn vị tập trung chủ yếu vào sản xuất vùng lúa lai làm giống và 10.000 m2 lán trại nấm sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap; xây dựng vùng sản xuất rau màu tập trung với tổng diện tích 5ha, chuyên sản xuất các loại cây truyền thống cho giá trị kinh tế cao như: khoai tây, ớt, dưa hấu... Tổng doanh thu bình quân của đơn vị tăng từ 15 - 20%/năm. Đáng chú ý, 3 năm gần đây, đơn vị đã thực hiện thành công các hợp đồng sản xuất, bảo tiêu sản phẩm cho: 50ha/năm giống lúa lai, giá trị sản lượng 3,3 tỷ đồng; 46ha/năm lúa thuần, sản lượng đạt 256 tấn, giá trị sản lượng 2,56 tỷ đồng và cung ứng giống nấm 4 tấn/năm, giá trị 124 triệu đồng. 500 xã viên được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Thông qua các hợp đồng sản xuất, kinh doanh bao tiêu nông sản tạo điều kiện cho xã viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, đảm bảo sản xuất bền vững. Có thể nói, HTX đã, đang khẳng định được vị trí của mình đối với mỗi xã viên và trong cuộc sống cộng đồng.

       Với những thành tích kể trên, những năm qua, HTX đã vinh dự nhân được nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, Cờ thi đua của Liên minh HTX Việt Nam dẫn đầu phong trào thi đua các HTX nông nghiệp cụm thi đua 5 thành phố (năm 2017)... Là điểm sáng của Hải Phòng trong tiến trình xây dựng NTM.

       Ngoài hai điển hình kể trên, tiến trình xây dựng NTM của Hải Phòng đã xuất hiện hàng trăm mô hình, điển hình tiên tiến khác. Tất cả đều rất xuất sắc, nổi bật trong từng lĩnh vực cụ thể. Tiểu biểu có thể kể đến: Mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất hoa lan thương phẩm của Cty Nông nghiệp CNC Châu Giang hàng năm sản xuất trên 200.000 cây lan hồ điệp thương phẩm, doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Trừ chi phí, lãi thuần đạt 3 đến 4 tỷ đồng/năm...

       Hay mô hình HTX Sản xuất, Kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, Kiến Thụy, điển hình trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Hiện bên cạnh các sản phẩm rau màu, sản phẩm “gạo ruộng rươi” mà HTX thu mua của người dân là sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện, đã có mặt tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị của nhiều tỉnh, thành phố.

       Tiếp đến là những mô hình điểm “Thôn nông thôn kiểu mẫu” như thôn Cống Mỹ, xã Nam Sơn, An Dương. Rồi hàng trăm gia đình như gia đình lão nông Đào Văn Phiêu, xã Hùng Thắng, Tiên Lãng, điển hình trong đóng góp, tham gia xây dựng NTM và mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất bỏ hoang quy vùng sản xuất tập trung, tạo việc làm thường xuyên cho 5 đến 10 lao động...

       Tất cả những mô hình, điển hình kể trên và còn hàng trăm mô hình, điển hình khác đã, đang và sẽ tiếp tục là những nhân tố quan trọng, xung kích trong tiến trình xây dựng NTM của thành phố...

Khánh Chi - CTV

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 7105
  • Hôm qua: 4854
  • Tuần này: 25139
  • Tuần trước: 28914
  • Tháng này: 291182
  • Tháng trước: 274746
  • Lượt truy cập: 2696019
0225.3541.398 
messenger icon