Người nông dân trẻ trân quý từng tấc đất

15:29:40 09/02/2023 Lượt xem 400 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

     Đến với làng Đồng Giá xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng không ai là không biết đến anh Đàm Văn Đoàn ( tên thường gọi là anh Cường) là một trong những người được nhiều các bà, các cô nông dân yêu mến nhất, bởi với 1 chiếc máy cày bừa, 1 chiếc máy gặt, 1 giàn máy gieo mạ khay và 3 chiếc máy cấy, anh Cường đã thay hàng trăm cô bác làm công việc vất vả “còng lưng” cấy lúa khi mùa vụ đến.

Mạ khay được anh Cường vận chuyển bằng băng chuyền đưa đi cấy

    Do gắn bó và có niềm đam mê với đồng ruộng anh đã ham đầu tư máy móc để áp dụng vào sản xuất, là một trong những hộ tiên phong mua máy gặt đập liên hợp, máy cày công suất lớn để phục vụ sản xuất của bà con.

      Anh Cường đã chia sẻ “Được sự tư vấn của cán bộ Khuyến nông về kỹ thuật và tham dự nhiều lớp tập huấn về cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất tôi khá tự tin vì đã nắm được chắc kinh nghiệm chăm sóc và đặc biệt là cách gieo mạ khay. Một trong những bí quyết đó là tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích để cây mạ xanh tốt, mà phải sử dụng phân hữu cơ, cố gắng làm sao để cây mạ “đanh”, dẻ mạ cứng, khi cấy xuống ruộng, cây lúa chắc, ít bị chuột, cây sinh trưởng, phát triển khỏe”.

      Nhận thấy sự cần thiết trong thực tế lao động nên anh đã mạnh dạn đầu tư mua giàn máy gieo mạ khay và từ 2 chiếc máy cấy đứng, cuối năm 2022 anh đã mua thêm 1 chiếc máy cấy ngồi . Tính ra đến nay anh Cường là cá nhân có nhiều máy cấy nhất trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

 

Cơ sở sản xuất mạ khay hộ nhà anh Cường

     Không còn vất vả nhổ mạ và cấy, chỉ cần đứng trên bờ chỉ ruộng để máy cấy đến cấy, bà Nguyễn Thị Hường, thôn Đồng Giá, xã Thiên Hương tỏ rõ sự phấn khởi: Nhờ có anh Cường đưa máy cấy về làng, tôi “thoát” được cảnh đi nhổ mạ từ nửa đêm và còng lưng cấy giữa nắng hè hay mưa dầm như thế này. Không riêng tôi, mà chị em phụ nữ đều cám ơn anh Cường vì đã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thay chị em. Cái hay nữa là cấy máy, lúa bảo đảm kỹ thuật nên chúng tôi đỡ phải phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hơn, lúa cho năng suất cao hơn...

Cánh đồng cấy máy

 

     Với 3 máy cấy, vụ xuân năm nay, anh Cường nhận cấy khoán gần 45ha lúa xuân cho nông dân với chi phí 400.000 đồng/sào (cả mạ và công cấy). Với công suất máy hiện tại, trung bình mỗi máy cấy được 3 mẫu lúa/ngày, với 3 máy đạt công suất 9 mẫu lúa/ngày, tương đương hoặc cao hơn 90 lao động cấy trong 1 ngày. Nhiều người đùa rằng một mình anh Cường “cấy” nhanh hơn 90 thợ cấy giỏi. Ước tính, trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi hàng trăm triệu đồng từ dịch vụ cấy lúa bằng máy cho nông dân. Ngoài ra, anh Cường tạo việc làm thời vụ cho 7 - 8 lao động ở các khâu lái máy cấy, kiểm tra, dặm lại một số cây lúa bị nổi, vận chuyển mạ khay, thu nhập từ 200.000 đồng - 500.000 đồng/ngày/người. Anh Cường còn mượn ruộng của các hộ bỏ hoang để cấy, cứ mỗi vụ thu được 40 tấn thóc.

Kho thóc nhà anh Cường sau mỗi vụ thu hoạch

    “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và cán bộ Khuyến nông huyện tôi càng trân quý từng tấc đất quê mình vì nó không chỉ mang lại thu nhập khá cho gia đình từ dịch vụ cấy lúa bằng máy, điều tôi phấn khởi hơn cả là bản thân tôi đã áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật để góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, giảm sức lao động, hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất lúa cho nông dân” - anh Cường chia sẻ thêm./.

Ks. Phạm Thị Liên - Trạm KN Thủy Nguyên

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 537
  • Hôm qua: 4656
  • Tuần này: 21418
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 260128
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2828189
0225.3541.398 
messenger icon