Nghề nuôi ong mật nâng cao thu nhập cho người dân xã Bát Trang, huyện An Lão

10:51:29 22/04/2025 Lượt xem 1298 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Là một xã thuần nông nằm bên dòng sông Văn Úc, xã Bát Trang (huyện An Lão) từ lâu đã được biết đến với lợi thế tự nhiên về đất bãi màu mỡ và diện tích trồng cây ăn quả lớn. Hiện toàn xã có khoảng 247 ha trồng vải, nhãn, thanh long và nhiều loại cây ăn quả khác – đây chính là nguồn hoa lý tưởng cho nghề nuôi ong mật, một mô hình kinh tế mới đang từng bước khẳng định hiệu quả bền vững tại địa phương.

         Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở Bát Trang đã có bước phát triển mạnh. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, tận dụng tối đa lợi thế nguồn hoa tại địa phương để nuôi ong. Hiện toàn xã có khoảng 600 đàn ong đang được duy trì và chăm sóc, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

         Trong số những người tiêu biểu với nghề nuôi ong tại địa phương, bà Đoàn Thị Thủy – thôn Đại Trang là tấm gương điển hình. Chia sẻ về mô hình kinh tế của mình, bà Thủy cho biết:

           “Gia đình tôi hiện đang nuôi khoảng 100 đàn ong. Mỗi vụ thu hoạch đạt trung bình khoảng 3 lít mật/đàn. Giá mật dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/lít, tùy theo chất lượng và thời điểm thị trường. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi có thể thu lãi 30 – 50 triệu đồng từ nghề này.”

            Cần mẫn – Kỹ thuật – Tâm huyết là chìa khóa thành công

          Để có thể thu được mật ong đạt chất lượng cao, người nuôi ong như bà Thủy phải dành nhiều tâm sức trong chăm sóc. Mỗi đàn ong cần được kiểm tra, vệ sinh thường xuyên để đảm bảo thùng ong luôn khô ráo, sạch sẽ. Người nuôi cần tránh mặc đồ sặc sỡ, thao tác nhẹ nhàng để tránh làm đàn ong hoảng loạn. Đồng thời, phải nắm vững kỹ thuật phòng chống rét – nóng theo mùa, tách đàn – tạo chúa – khai thác mật, phấn hoa và sữa ong chúa đúng kỹ thuật.

          Theo bà Thủy, mùa thu hoạch mật chủ yếu diễn ra vào tháng 3 và tháng 9. Đặc biệt, tháng 3 là vụ chính – thời điểm cây cối đâm chồi, hoa vải, hoa nhãn bung nở, tạo điều kiện lý tưởng cho ong đi hút mật. Trung bình 10–15 ngày thu mật một lần, tùy thuộc vào mật độ hoa và lượng mật ong trong cầu.

          Khi thu hoạch, người nuôi chỉ chọn những cầu ong đã vít nắp hoàn toàn (hoặc đạt từ 75% trở lên) để đảm bảo mật chín, cô đặc và chứa đầy đủ enzyme tự nhiên. Ngược lại, mật non chưa vít nắp chứa nhiều nước, chưa đủ giá trị dinh dưỡng nên sẽ không được lấy vội. Đây chính là sự cẩn trọng, chỉn chu trong từng bước chăm sóc và thu hoạch giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín của người nuôi.

 

Bà Đoàn Thị Thủy kiểm tra – thu hoạch mật ong tại hộ gia đình

        Phát triển kinh tế từ sức lao động và sáng tạo

        Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi ong mật không chỉ dừng lại ở con số thu nhập ổn định, mà còn là minh chứng rõ ràng cho hướng đi đúng đắn của người nông dân trong việc khai thác tiềm năng tự nhiên gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật.

         Tấm gương của bà Đoàn Thị Thủy – người phụ nữ cần cù, chịu khó, ham học hỏi – là minh chứng sinh động cho việc chuyển đổi sinh kế hiệu quả tại nông thôn. Bằng sự kiên trì, tâm huyết và tình yêu với nghề, bà không chỉ tạo thu nhập cho gia đình mà còn góp phần nhân rộng mô hình nuôi ong mật tại xã Bát Trang, hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.

Ks. Đào Thị Phương Nhung – Trạm KN An Lão

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 8178
  • Hôm qua: 9779
  • Tuần này: 63448
  • Tuần trước: 59620
  • Tháng này: 546446
  • Tháng trước: 605702
  • Lượt truy cập: 6043610
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon