Một số phương pháp chẩn đoán bệnh cho Gia súc (Phương pháp tìm triệu chứng của bệnh)

10:17:20 12/08/2022 Lượt xem 9277 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Chăn nuôi Gia súc hiện nay ngày càng phát triển về quy mô, mật độ chăn nuôi trên một diện tích ngày càng lớn, đồng nghĩa dịch bệnh ngày càng nhiều và mức độ bệnh ngày càng phức tạp. Do đó, để điều trị được bệnh cho Gia súc giảm thiệt hại thì việc chẩn đoán đúng bệnh và quyết định dùng thuốc điều trị là khâu then chốt thành công của việc chữa bệnh cho Gia súc. Vì vây, người chăn nuôi cần nắm được một số phương pháp chẩn đoán bệnh cho Gia súc như sau:

          1. Triệu chứng bệnh là gì

         Trước hết, muốn chẩn đoán được bệnh ta phải hiểu triệu chứng bệnh là gì? Triệu chứng bệnh là một quá trình bệnh lý có thể gây ra các rối loạn về chức năng hoặc những thay đổi hình thái của khí quan này hay khí quan khác trong cơ thể nhưng biểu hiện ra bên ngoài của những thay đổi bệnh đó gọi là triệu chứng. Nói cách khác triệu chứng là những hiện tượng của quá trình bệnh biểu hiện ra bên ngoài mà ta nhận biết được.

         2. Cách tìm triệu chứng (cách chẩn đoán bệnh)

       Nhiệm vụ đầu tiên của chẩn đoán là phát hiện triệu trứng của bệnh Gia súc. Trong một quá trình bệnh lý, giá trị chẩn đoán của các bệnh lý không giống nhau, căn cứ phạm vi biểu hiện có thể chia triệu trứng thành hai loại:

        - Triệu chứng cục bộ chỉ biểu hiện ở một khí quan hay một bộ phận bệnh (âm đục vùng ngực, đau vùng bụng..)

       - Triệu chứng toàn thân xuất hiện do triệu chứng của toàn cơ thể đối với nguyên nhân gây bệnh (thân nhiệt cao, tim đập nhanh..)

        Có rất nhiều phương pháp khám bệnh cho gia súc. Mỗi cán bộ thú y hay người chăn nuôi cần nắm chắc những phương pháp khám cơ bản trước một ca bệnh. Đa số các triệu chứng được phát hiện bằng phương pháp sử dụng các giác quan: quan sát, sờ, nắn, gõ, nghe và kiểm tra cơ năng. Những triệu chứng phi lâm sàng được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm bằng các phương pháp đặc biệt.

       * Quan sát

       Là phương pháp dùng trước tiên để khám bất cứ bệnh nào, nó là phương pháp đơn giản nhưng chính xác, bằng cách nhìn ta có thể thu được một số lượng lớn các triệu chứng quan trọng. Tùy theo mục đích và vị trí nhìn mà ta đứng xa hay gần Gia súc. Nên rèn luyện thành thói quen nhìn từ tổng quát đến cục bộ.

       - Nhìn toàn thân: là nhìn dáng điệu, cử động, thể cốt, tình hình dinh dưỡng…

       - Nhìn bộ phận: nhìn lần lượt từ đầu, cổ, lồng ngực, vùng bụng và 4 chân để phát hiện vết thương, mụn nhọt, chỗ rụng lông, nước mũi, phân, nước tiểu...

       Phương tiện dùng quan sát là ánh sáng mặt trời, đèn chiếu. Cần quan sát so sánh sự cân đối hai bên mông, hai thành bụng, ngực, các khớp hai bên chân và giữa các bộ phận đau với bộ phận lành để thấy những điểm khác thường.

Phương pháp quan sát Gia súc

         * Sờ nắn

         Dùng cảm giác của ngón tay hay của bàn tay để kiểm tra chỗ khám, xác định ôn độ, độ ẩm, trạng thái tổ chức và cảm giác đau; độ mẫn cảm của khí quan sờ nắn còn để bắt mạch, đo huyết áp và khám trực tràng. Sờ nắn có hai cách:

        + Sờ bề mặt: là sờ những bộ phận nông để biết ôn độ, độ ẩm của da, lực căng của cơ; cũng có thể sờ để biết tần số hô hấp, tim đập...

         + Sờ sâu: để khám các khí quan sâu. Ví dụ sờ nắn vùng dạ cỏ trâu bò, dùng ngón tay hay nắm tay ấn thẳng vuông góc với bề mặt da ở vùng dạ cỏ. Nên sờ từ nhẹ đến mạnh, bộ phận khỏe đến bộ phận nghi mắc bệnh, từ ngoài dìa vào trung tâm. Qua sờ nắn cảm giác tay có thể nhận biết được các trạng thái sau:

        - Dạng bột nhão ấn vào thấy mềm như bột, để lại vết tay ấn. Dạng này do tổ chức bị thấm ướt. Ví dụ như bị thủy thũng.

            - Dạng rất cứng: như sờ vào xương

          - Dạng ba động: lúc sờ có cảm giác bùng nhùng, ấn mạnh vào giữa thì lõm xuống, xung quanh có cảm giác như di động là do tổ chức bị thấm đầy nước như lúc sờ vào ổ mủ lớn.

          - Dạng khí thũng: sờ vào thấy mềm và thấy đầy khí; dùng tay ấn vào tổ chức thấy kêu lép bép, do khí lẫn vào các tổ chức bên cạnh.

           Sờ nắn là phương pháp khá đơn giản. Để có được kết quả khám chính xác cần phải nắm vững vị trí giải phẫu kết hợp với kinh nghiệm về kỹ thuật sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán bệnh.

 

Phương pháp sờ nắn kiểm tra Gia súc

        * Gõ

         Gõ là phương pháp để chẩn đoán bệnh là phương pháp cơ bản thường được dùng trong nhân y và trong thú y. Cơ sở lý luận của phương pháp gõ là vấn đề âm hưởng. Âm thanh là do trấn động của một vật thể tạo ra sóng. Các vật thể trấn động khác nhau tạo ra âm hưởng khác nhau. Các khí quan tổ chức trong cơ thể Gia súc khác nhau về cấu tạo và tính chất nên lúc gõ sẽ phát ra âm hưởng khác nhau. Trong trạng thái bệnh lý, tính chất của các tổ chức thay đổi thì âm thanh lúc phát ra cũng thay đổi.

         Kỹ thuật gõ: tùy theo Gia súc lớn hay nhỏ mà ta có thể áp dụng theo các cách sau đây:

        + Gõ trực tiếp: dùng ngón tay chỏ và ngón tay giữa của tay phải co lại gõ theo hướng thẳng góc với bề mặt của tổ chức hay khí quan cần khám cách này lực gõ không lớn âm phát ra yếu thường dùng để gõ cho Gia súc nhỏ.

        + Gõ gián tiếp: dùng búa gõ có lót phiến gõ:

         Búa gõ nặng nhẹ khác nhau tùy theo thể vóc của Gia súc. Loại nhẹ 60-70 g dùng để gõ gia súc bé; loại nặng 120-160 dùng để gõ cho gia súc lớn.

         Phiến gõ: được làm bằng gỗ, sừng, nhựa hay kim loại, cùng vật liệu với búa gõ. Phiến gõ có hình vuông, hình tròn dài, hình chữ nhật....sao cho dễ làm và áp sát được vào thân gia súc.

        - Cách gõ: tay trái cầm phiến gõ đặt sát bề mặt da của Gia súc. Tay phải cầm búa gõ, gõ từng tiếng một. Tùy theo tổ chức cần gõ to hay bé, ở nông hay sâu mà gõ nặng hoặc nhẹ. Gõ mạnh chấn động lan trên bề mặt rộng từ 4-6 cm, sâu đến 7 cm. Gõ nhẹ chấn động lan 2-3 cm, sâu 4 cm. Khi gõ để Gia súc ở trong phòng rộng vừa phải và đóng cửa là thích hợp nhất, trong các trường hợp khác âm gõ sẽ không thuần.

          - Những âm gõ

         + Âm trong vang mạnh, âm hưởng dài gia súc khỏe mạnh gõ vùng phổi và phần dưới manh tràng trong. Khi phổi bị viêm gan hóa gõ sẽ có âm đục.

          + Âm đục: có tiếng vang yếu và ngắn, khi gõ ở vùng gan và vùng có bắp cơ dày có âm đục.

          + Âm bùng hơi: Khi gõ vào vùng dạ cỏ trướng hơi, hay ở manh tràng đầy hơi.

         * Nghe

         Dùng tai để nghe những tiếng phát ra từ những bộ phận phát ra từ cơ thể Gia súc như nghe tim, phổi, dạ dày và ruột để đoán biết trạng thái và sự hoạt động của khí quan đó.

            Có 2 cách nghe

          + Nghe trực tiếp: áp tai vào chỗ định nghe có phủ khăn vải để giữ vệ sinh cho người nghe (nghe vùng ngực thì quay mặt về phía đầu gia súc; nghe vùng bụng thì quay mặt về phía sau con vật, tay bên trong để lên lưng con Gia súc).

           + Nghe gián tiếp: Dùng các loại ống nghe, hiện nay thường dùng ống nghe 2 loa có độ phóng âm lớn, sử dụng thuận lợi. Nhược điểm của loại này là làm cho tính chất âm thay đổi, dễ lẫn tạp âm.

           - Điều kiện nghe

            + Để Gia súc nơi yên tĩnh, Gia súc phải đứng yên, không dung da và không có gió to.

             + Nghe lâu 1 chỗ để nhận định rõ, nghe từ trên xuống dưới từ trái sang phải.

              + Nghe ở ngực cả 2 bên để so sánh, Muốn nghe được rõ thì cho gia súc vận động vài phút trước khi nghe.

Nghe phổi của Gia súc

          * Kiểm tra cơ năng

           Xem mắt còn tinh không, hay kiểm tra các phản xạ mắt, yết hầu, đo thân nhiệt, cho Gia súc vận động xem cử động các chi, kiểm tra sự hoạt động của hệ tiêu hóa, hệ thần kinh...

           * Hỏi bệnh

           Hỏi bệnh để giúp cho việc thu thập triệu chứng được nhanh chóng đầy đủ, vì nếu chờ triệu chứng xuất hiện sẽ mất nhiều thời gian; đồng thời hỏi bệnh sẽ cung cấp nhiều tài liệu mà lúc khám bệnh không thu thập được. Có thể hỏi người chăn nuôi hay chủ Gia súc.

            - Nội dung hỏi bệnh

           + Thời gian Gia súc mắc bệnh: để biết được đang ở thời kỳ nào (Tiền phát, toàn phát vv..) hoặc thể bệnh gì (cấp tính, á cấp tính, mãn tính)

           + Đã thấy những triệu chứng gì: gợi ý để biết được về những thay đổi bất thường ở con vật từ lúc bệnh mới phát đến lúc khám bệnh.

          + Hỏi về ăn uống, bài tiết phân, nước tiểu, hoạt động đi lại và các biểu hiện khác thường của các khí quan các tổ chức của cơ thể vv..

         + Nguyên nhân thuận lợi cho việc phát sinh bệnh là do đâu: điều kiện ăn, uống, khí hậu, chăm sóc, nuôi dưỡng và sử dụng. Các loại Vaccin đã được tiêm phòng, từ trứơc tới nay đã mắc bệnh gì?

         + Thăm dò bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm độc: hỏi số Gia súc mắc bệnh trong vùng hoặc trong đàn hiện nay, loài Gia súc đang mắc bệnh. Trước đây Gia súc trong vùng có mắc bệnh truyền nhiễm nào?

       + Con vật đầu tiên ốm xuất phát từ đâu? Nếu Gia súc bị bệnh hàng loạt và chết nhiều thường do bệnh truyền nhiễm hoặc nhiễm độc.

         + Thăm hỏi tình hình thức ăn, nước uống và các triệu chứng đã thấy sẽ gợi ý cho phương pháp chẩn đoán và phân biệt bệnh truyền nhiễm hay nhiễm độc.     

        + Tình hình chữa bệnh: Bệnh súc đã được chữa bằng thuốc gì? liều lượng bao nhiêu? Sau điều trị bệnh tăng hay giảm để tìm hướng điều trị mới hay đẩy mạnh theo hướng điều trị cũ hoặc cho mổ thịt. (khi mổ thịt cần tuân theo nguyên tắc hay luật lệ thú y hiện hành)

         - Những điều ghi nhớ trong hỏi bệnh

        + Thái độ ôn hòa từ tốn, hỏi rộng, tường tận nhưng không quá tỉ mỉ.

        + Những lời khai của chủ Gia súc chỉ nên lấy làm tham khảo và chọn lọc những điểm có thể tin tưởng được. Vì chủ Gia súc thường thiếu kiến thức kỹ thuật và có một số hạn chế khác. Người khám bệnh phải có sự phán đoán độc lập của mình.

          + Lúc nào thì cần hỏi: Có thể hỏi trước, trong và sau khi khám bệnh. Cần hỏi những gì có liên quan đến bệnh súc./.

TS. Vũ Đức Hạnh – TP Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 644
  • Hôm qua: 5231
  • Tuần này: 16869
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 255579
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2823640
0225.3541.398 
messenger icon