Sản xuất lúa vụ Mùa luôn gặp nhiều khó khăn do thời gian giao vụ giữa thu hoạch lúa Xuân và gieo mạ, cấy lúa vụ Mùa rất ngắn, trong khi vừa thu hoạch lúa Xuân vừa xuống đất gieo mạ Mùa. Để đảm bảo năng suất lúa, cây trồng vụ Xuân và chuẩn bị thật tốt các điều kiện cho sản xuất lúa vụ Mùa năm 2022 bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật trong sản xuất như sau:
1.Tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa và cây trồng vụ Xuân đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh ảnh hưởng do thời tiết bất thuận gây ra.
2. Đối với sản xuất vụ Mùa
Thực hiện nghiêm lịch thời vụ gieo cấy của từng địa phương đã xây dựng
Trà mùa Muộn: chủ yếu là giống nếp cái hoa vàng cấy vùng bãi và vùng chân ruộng trũng thời gian gieo mạ từ 10-15/6/2022, tuổi mạ 30-35 ngày, thời gian cấy xong trước 20/7/2022.
Trà mùa Sớm: gieo cấy trên chân ruộng cao, thu hoạch trước ngày 5/10/2022 để trồng cây vụ Đông sớm, gieo mạ dược từ ngày 10-15/6/2022, gieo mạ trên nền đất cứng, mạ khay từ 15-20/6/2022; cấy kết thúc trước ngày 5/7/2022 lựa chọn các giống ngắn ngày, thời gian sinh trưởng từ 95 -105 ngày: VT-NA2, QR1, P6ĐB,VS1, RVT, nếp 87,…
Trà mùa Trung: gieo mạ dược từ ngày 20-25/6/2022, gieo mạ trên nền đất cứng, mạ khay gieo từ 1-5/7/2022 lựa chọn các giống có thời gian sinh trưởng từ 100-115 ngày như: Bắc Thịnh, RVT, VS1, VT-NA2, Hương biển 3, TBR 225, TBR 279, Nếp 97, Nếp 87, Nếp Lang Liêu, nếp Cô Tiên, HT1, Nam hương 4, JO2, …. Các giống có thời gian sinh trưởng từ 110-125 ngày như VT404, VT 505, Bắc ưu 903 KBL ….
Đối với vụ gieo cấy lúa mùa cần gắn liền với các tiết khí trong năm như: tiết tua rua ngày 5/6/2022, tiết lập thu ngày 7/8/2022, tiết hàn lộ ngày 8/10/2022
3. Trên những diện tích lúa đã thu hoạch xong cần tranh thủ làm đất ngay, tận dụng tối đa các phượng tiện làm đất bằng cơ giới. Tuyệt đối không được đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Sử dụng các loại chế phẩm phân hủy Xenlulo như: chế phẩm AT-YTB, Sumitri, Trichoderma, vôi bột ... để xử lý sau khi cày vùi, lồng dập rạ lần thứ nhất, nhằm hạn chế ngộ độc do quá trình phân hủy hữu cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển lúa mùa, đồng thời bổ sung lượng phân hữu cơ, chất mùn cho đất cách sử dụng như sau: chế phẩm AT-YTB lượng 100 g/sào, chế phẩm Sumitri, sử dụng 125 gram/sào. Trộn đều với khoảng 3 kg đất bột hoặc cát đen để vãi cho 1 sào. Thời điểm vãi chế phẩm hiệu quả nhất là ngay sau cày, lồng dập rạ lần 1 (yêu cầu phải có nước láng mặt ruộng để vi sinh vật hoạt động). Trường hợp không thực hiện được như trên, có thể vãi trước hoặc sau lồng cấy, hoặc ngay cả khi đang cấy, tuy nhiên sẽ giảm hiệu quả so với rắc sớm.
Sử dụng vôi bột: Nếu không có chế phẩm sinh học xử lý đất, rơm rạ dùng vôi bột, rắc 20 - 25 kg vôi bột/sào ngay sau lồng dập rạ.
Xử lý mộng trước khi gieo tập trung bằng thuốc hóa học Apta300 WP,... phòng bệnh lùn sọc đen
Vụ mùa thường hay có mưa to xảy ra ngập lụt nên cần tiêu thoát nước kịp thời trong ruộng mạ, gieo mạ dự phòng...
4. Áp dụng cấy lúa theo phương thức cấy hiệu ứng đường biên, mạ khay cấy máy để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ Mùa. Đưa cơ giới hóa đồng bộ từ cấy đến thu hoạch, chế biến…, ưu tiên sử dụng phân hỗn hợp NPK, sử dụng phân tổng hợp chuyên lót, chuyên thúc. Bón phân cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, bón tập trung (nặng đầu, nhẹ cuối). Điều tiết nước cần thực hiện theo phương châm: “Giữ cạn lòng mương, tưới nông mặt ruộng”.Bảo quản, tích trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp hạn chế hiện tượng xâm nhập mặn vào các sông.
5. Một số đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu ở vụ mùa là bệnh sinh lý, nghẹn rễ, bọ trĩ và Ốc bươu vàng ở đầu vụ; bệnh Bạc lá, đốm sọc vi khuẩn từ thời kỳ lúa con gái đến trỗ; Sâu cuốn lá nhỏ gây hại thời kỳ làm đòng đến trỗ.... Để hạn chế đến mức tối đa các đối tượng sâu bênh gây hại bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong quản lý đồng ruộng theo IPM. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của thời tiết và các đối tượng sinh vật gây hại.
Ks. Ngô Thị Nga – Phòng Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp