Một số lưu ý khi tái đàn trong chăn nuôi

20:29:03 24/02/2022 Lượt xem 633 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Sau Tết Nguyên Đán, nhu cầu tái đàn tăng cao, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, khi tái đàn, cơ sở chăn nuôi phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Đặc biệt cần lưu ý một số nội dung kỹ thuật như sau:

            Thực hiện tái đàn đảm bảo cung cầu; tránh tái đàn ồ ạt để cung vượt quá cầu.

           - Thiết kế, bố trí chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học:

            Bố trí cổng ra vào trại chăn nuôi, có hàng rào xung quanh khu vực chăn nuôi.  Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi…). Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh.

          Tại cổng và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi;

         Nên có ô chuồng nuôi cách ly: nuôi vật nuôi mới nhập hoặc nuôi vật nuôi bị bệnh. Đối với chăn nuôi lợn, nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau.

         Có khu vực thu gom và xử lý chất thải; Có máng ăn riêng từng ô chuồng; không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các dãy chuồng và tốt nhất là riêng biệt giữa các ô chuồng.

          Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín. Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó ra đường thoát nước chung.

         - Hướng dẫn nhập giống: vật nuôi nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại Vắc xin theo đúng độ tuổi. Vật nuôi nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.

           Tiêm phòng đầy đủ các loại Vắc xin cho vật nuôi định kỳ và theo đúng lứa tuổi. Đối với lợn cần tiêm tiêm phòng 4 bệnh đỏ (Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Phó thương hàn), Tai xanh, Circo, Suyễn, Lở Mồm Long Móng, Ecoli…

           Đối với gia cầm cần phòng đầy đủ Văcxin các bệnh Newcastle, Gumboro, IB, đậu, Cúm gia cầm…

         Hiện trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cung ứng con giống cho người chăn nuôi. Khuyến khích sản xuất con giống tại chỗ hoặc nhập giống tại Hải Phòng để kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh lây lan dịch bệnh.Tại Hải Phòng, một số cơ sở sản xuất giống uy tín như: Công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ tại xã Hồng Phong, An Dương cung cấp giống gia cầm, Công ty cổ phần xăng dầu An Hòa tại Trang trại Đảo Bầu, Xí nghiệp chăn nuôi Đồng Hiệp tại khu An Tràng, thị trấn Trường Sơn, An Lão cung cấp giống lợn, ...

          - Hướng dẫn sử dụng thức ăn và nước uống

          Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn lợn đã xuất chuồng và thức ăn của đàn lợn đã bị dịch bệnh cho đàn lợn mới.

         Cho vật nuôi ăn đảm bảo dinh dưỡng, đủ khẩu phần, đặc biệt thức ăn có đủ độ đạm (VD lợn thương phẩm (độ đạm 14-18%); Lợn hậu bị, nái chửa (độ đạm 13-15%), nái nuôi con (độ đạm 15-16%), lợn con (độ đạm 18-20%), Gà lông màu giai đoạn 0 – 3 tuần tuổi thức ăn có độ đạm 21- 22%, Thức ăn gà lông màu giai đoạn 4 tuần đến xuất có độ đạm 17 – 18%...)

           Nguồn nước dùng cho chăn nuôi phải đảm bảo an toàn: nước máy, nước giếng khoan đã qua hệ thống lọc và khử khuẩn; không dùng trực tiếp nước từ các nguồn ao, hồ, kênh, mương… chưa qua xử lý.

       Thường xuyên xử lý, diệt khuẩn nguồn nước uống và nước dùng trong chăn nuôi bằng các loại hóa chất Choloramin B,T; Iod… theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất. Ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, acid hữu cơ, thảo dược thường xuyên trộn thức ăn, nước uống để tăng khả năng tiêu hóa, tăng sức đề kháng, phòng trị bệnh cho vật nuôi.

           -  Chăm sóc, nuôi dưỡng

          Áp dụng phương thức quản lý "cùng vào - cùng ra" theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng. Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển.

        Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch.

         - Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi.

           Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi.

          Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng.

         Chất sát trùng tại các hố sát trùng tại các hố sát trùng phải bổ sung hoặc thay hàng ngày, cần thay đổi các loại chất sát trùng để tăng hiệu quả sát trùng.

      Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

        Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng.

        Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên.

        Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

        -  Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi

         Không để các phương tiện như xe máy, xe đạp, xe đẩy, xe thồ… trong khu chuồng nuôi.

      Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển.

        Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi sử dụng.

          - Xử lý chất thải chăn nuôi

          Chất thải được gom để xử lý phải để cuối chuồng, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước.

        Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hóa chất, hoặc xử lý bằng sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh theo quy định hiện hành của thú y.

         Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp.

         Khi phát hiện hoặc nghi ngờ động vật có dấu hiệu ốm, chết cần kịp thời báo cho cán bộ kỹ thuật, cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời. Không vứt xác động vật, sản phẩm từ động vật nghi bị bệnh, động vật ốm, chết ra ngoài môi trường; Không dấu dịch, không bán chạy động vật bị bệnh; Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm từ động vật bị ốm, động vật nghi mắc bệnh, động vật bị chết từ địa phương này sang địa phương khác. Cần chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của pháp luật về thú y.

         Thực hiện ghi chép và lưu giữ nhật ký chăn nuôi.

        Để thực hiện tái đàn an toàn, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là thực hiện đảm bảo các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Việc tái đàn cần thận trọng, thực hiện đảm bảo theo quy định tái đàn của nhà nước và theo đúng các quy định của Luật thú y./.

Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tại Trang trại Đảo Bầu chăm sóc đàn lợn mới sinh

Người chăn nuôi ở phường Bàng La vào lứa thủy cầm mới

Nguyễn Hương Giang - Phòng Đào tạo và TTTT

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1295
  • Hôm qua: 4463
  • Tuần này: 26639
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 265349
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2833410
0225.3541.398 
messenger icon