Kinh nghiệm tái đàn lợn thành công

09:50:20 05/08/2021 Lượt xem 1456 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Gia đình ông Trịnh Văn Miên là một trong những hộ chăn nuôi lợn đã tái đàn lợn thành công tại thôn Tiến Lập, xã Mỹ Đức, huyện An Lão với quy mô vừa, khoảng hơn 100 đầu lợn các loại đã tái đàn thành công và rút ra kinh nghiệm quý trong việc nuôi lợn an toàn.

Ông Miên kiểm tra đàn lợn nái và lợn thịt

      Trong đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, cũng như hầu hết các hộ chăn nuôi trong huyện, trại lợn của ông bị dịch và phải tiêu hủy hoàn toàn. Vừa mất vốn, vừa thiếu tiền cám, công chăm, giá lợn giống lại lên quá cao khiến đầu năm 2020, dù dịch đã hết, ông Miên vẫn băn khoăn không biết có nên tái đàn. Được sự tư vấn kỹ thuật nhiệt tình của cán bộ Khuyến nông cơ sở Trạm Khuyến nông An Lão, ông đã mạnh dạn quyết tâm tái đàn lợn.

        Lúc đầu, ông tận dụng các ô chuồng nuôi lợn chuyển sang nuôi 700 con gà thịt nhưng quy mô nhỏ lại không áp dụng được kinh nghiệm tích lũy nhiều năm nuôi lợn nên ông rất băn khoăn, trăn trở, ông nghĩ rằng mình đã nuôi con lợn nhiều năm, ngã ở đâu thì đưng lên ở đó. Con lợn là vật nuôi quan trọng và cũng là nguồn thu nhanh, ổn định với nhà nông, vậy là ông quyết định tái đàn.

        Trước khi tái đàn, ông Miên sửa lại hoàn toàn chuồng trại. “Trước kia nuôi thì mình làm chuồng hở cũng bình thường như mọi nhà, lợn nái nuôi dưới nền. Lợn cũng ăn, uống nước bằng máng tự động nhưng cơ bản quy trình chăm sóc cũng còn khá lung tung”, ông Miên cho biết.

        Khi tiến hành sửa chuồng, ông nghiêm túc tuân theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, xây chuồng kín hoàn toàn. Thay vì để lợn nái trên mặt nền xi măng, ông nâng sàn lên bằng khung thép, trên phủ một lớp sàn nhựa, cách ly khỏi mặt đất, giúp lợn vừa sạch, vừa an toàn. Đặc biệt, ông điều chỉnh lại quy trình chăn nuôi theo chuỗi khép kín trong trang trại, một chiều vào - ra. Người lạ không được vào khu vực chăn nuôi, tránh việc lây lan mầm bệnh, không chỉ bệnh dịch tả lợn mà cả các bệnh khác. Chất thải lợn được gom lại bể biogas, không làm ô nhiễm gây mùi hôi thối. Việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng định kỳ, đúng quy định cũng giúp hạn chế dịch bệnh phát sinh; Chuồng kín đã giúp kiểm soát tốt được động vật và côn trùng, hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

        Tháng 6/2020, ông Miên tái đàn với việc mua đàn lợn nái về cho sinh sản, thay cho việc mua lợn giống con giá quá cao và rất khan hàng. Ông mua 15 con lợn nái ngoại giống chuẩn, 40 con lợn con nuôi thịt. Tháng 11/ 2020, ông xuất được lứa lợn thịt đầu tiên sau tái đàn với 40 con lợn thịt đã mua. Còn đàn lợn nái đã sinh sản hơn 100 lợn con, ông để lại nuôi toàn bộ. Tháng 5/2021, ông tiếp tục bán 60 con lợn thịt do lợn nái đẻ ra. Lứa lợn bán được mang lại cho gia đình ông khoảng hơn 100 triệu đồng và phần còn dư là 17 con lợn nái, trong đó có 15 con lợn nái chất lượng tốt đã sinh con, 2 con hậu bị đã phối giống cùng hơn 50 con lợn thịt các loại. Đến tháng 6/2021, gia đình ông Trịnh Văn Miên đã tái đàn thành công, sẵn sàng cho việc ra đời những lứa lợn khỏe mạnh, cung cấp cho thị trường nguồn thịt dồi dào.

          Thay đổi cách thức chăn nuôi, ông Miên chia sẻ. Dù dịch tả lợn châu Phi khiến gia đình ông và hầu hết các hộ chăn nuôi trong vùng chịu thiệt hại rất lớn nhưng ở chiều ngược lại, nó cũng khiến người nông dân thay đổi cách thức chăn nuôi. Nông dân quan tâm đến việc xây dựng chuồng trại đúng chuẩn, quy trình chăm sóc an toàn, đúng kỹ thuật, giữ vệ sinh chuồng lợn chứ không còn tình trạng chuồng trại tạm bợ, nuôi lợn tự nhiên như trước nay vẫn làm. Về lâu dài, người chăn nuôi buộc phải nâng cấp chuồng trại, chuẩn hóa quy trình để tránh rủi ro dịch bệnh.

       Ông Trịnh Văn Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Đức, cho biết, dịch tả lợn châu Phi khiến hầu hết các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn đều phải tiêu hủy đàn lợn. Hiện tại, một số hộ đã tái đàn thành công, có hộ tái đàn bằng lợn nái, có hộ tái đàn bằng lợn giống nhỏ.

      Tuy nhiên, ông Vũ cũng nhận xét, chỉ có trang trại chăn nuôi quy mô từ trung bình trở lên tái đàn mới thực hiện an toàn sinh học tốt được, các hộ nhỏ lẻ ít nuôi lại. Đầu tiên bởi chi phí sửa chuồng trại khá lớn, lợn giống cũng rất đắt và khan hàng, thức ăn chăn nuôi cũng tăng giá, áp lực dịch bệnh cao.

      Đến nay, chăn nuôi nhỏ lẻ không còn là sự lựa chọn phù hợp bởi rủi ro cao và thu nhập không đạt kỳ vọng. Cán bộ khuyến nông kết hợp với Ban chỉ đạo sản xuất xã luôn vận động các hộ chăn nuôi áp dụng chuồng trại theo quy chuẩn kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học, giúp đàn lợn phát triển tốt và an toàn trước dịch bệnh.

BSTY: Nguyễn Thị Thái - Trạm Khuyến nông An Lão

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 3787
  • Hôm qua: 5231
  • Tuần này: 20012
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 258722
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2826783
0225.3541.398 
messenger icon