Khởi nghiệp thành công với nghề nuôi thỏ

09:46:18 29/04/2021 Lượt xem 2721 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Gần 9 năm, chị Trần Thị Nga - Thôn Phủ Niệm, xã Thái Sơn, huyện An Lão đã “bén duyên” với nghề nuôi thỏ và hiện chị rất thành công với mô hình này. Nuôi thỏ thương phẩm đã giúp gia đình chị có mức thu nhập khá cao.

       Tới thăm trang trại của gia đình chị, chúng tôi không khỏi bất ngờ người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn này lại là bà chủ của trại thỏ hàng nghìn con. Chị tâm sự, năm 2013 mình vốn là một thợ may có tiếng ở huyện An Dương, công việc nhàn lắm lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng, nhưng vì quá thích làm trang trại mà đã thuyết phục chồng bằng được, bán nhà ở An Dương về Thái Sơn - An Lão mua đất làm trang trại. Ban đầu chồng chị phản đối vì không muốn vợ vất vả nhưng do chị quá quyết tâm nên cuối cùng chồng chị cũng đồng ý.

       Qua tham khảo thị trường, cũng như tìm hiểu những thông tin, chị Nga nhận thấy: Không giống như lợn, gà hay vịt, dịch bệnh trên thỏ rất ít khi xảy ra, nếu có thì cũng ở mức độ rất thấp, không lây lan và không gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Mặt khác, thỏ là loài vật có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường thỏ thương phẩm cũng khá ổn định.

       Năm 2013, chị đã đến Sơn Tây (Hà Nội) để học nghề nuôi thỏ sinh sản và thương phẩm. Sau hơn một tháng học tập, chị trở về và bắt tay chuẩn bị xây dựng chuồng trại chăn nuôi thỏ. Nhờ rút kinh nghiệm và chú trọng hơn cách phòng trị bệnh trên thỏ, nên chị đã thành công. Từ đàn thỏ 20 con, rồi tăng đến hàng trăm con và không ngừng tăng dần sau mỗi năm. Hiện nay trại của chị có 200 cặp thỏ sinh sản, 1.200- 1.500 thỏ thịt và 600 -700 thỏ con. Với tốc độ sinh sản nhanh, đều, mỗi thỏ mẹ có thể sinh sản từ 7-8 lứa/năm, mỗi lứa từ 6-9 con. Với giá thị trường thỏ thịt như hiện nay dao động từ 80-100 ngàn đồng/kg, thỏ giống 80-100 ngàn đồng/con sau khi trừ tất cả chi phí chị lãi gần 30 triệu/tháng .

Dãy chuồng nuôi bò thương phẩm

       Sau nhiều năm nuôi thỏ chị Nga nhận thấy, nuôi thỏ không tốn chi phí thức ăn, bởi chúng thường ăn các loại rau, củ quả rẻ tiền, dễ tìm. Trong quá trình nuôi, hay mắc bệnh cầu trùng, bại huyết, ghẻ nhưng nếu chăm sóc tốt, tiêm phòng định kỳ, vệ sinh chuồng trại hằng ngày, thì không đáng lo ngại…

       Theo chị, chuồng nuôi có thể làm bằng bất cứ nguyên vật liệu gì, nhưng phải bảo đảm yêu cầu là phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh mưa tạt gió lùa, dễ quét dọn vệ sinh, sát trùng. Đặc biệt phải cách xa chỗ nuôi các gia súc khác, vì thỏ rất mẫn cảm, dễ lây bệnh. Quy cách chuồng phù hợp nhất là thiết kế chuồng khối hộp hình chữ nhật, cao 50 cm, dài 100 cm, rộng 50- 60 cm, chia ra 2 ngăn, mỗi ngăn nuôi 1 con nái hay 2 con hậu bị.

Dãy chuồng nuôi thỏ giống

       Còn đối với nuôi thỏ thịt cũng nên ngăn nhiều ô, mỗi ô nhốt từ 8- 10 con, nhưng cũng phải đảm bảo chuồng thoáng mát, đủ chỗ cho thỏ đi lại. Hằng ngày nên cho thỏ ăn 2 bữa rau, 1 bữa cám để tăng lượng tinh bột cho chúng. Tuy nhiên đối với thỏ nái và thỏ con nên hạn chế cho ăn thức ăn công nghiệp vì không tốt cho sức khỏe, sinh sản, mà nên tăng cường nhiều thức ăn rau xanh, sạch.

       Cũng cần lưu ý là thỏ thiếu nước còn nguy hiểm hơn là thiếu thức ăn, đặc biệt là đối với thỏ đẻ và tiết sữa. Bởi theo chị, nếu không cung cấp đủ nước uống cho thỏ có thể dẫn đến thỏ mẹ thiếu sữa, thậm chí ăn cả thịt thỏ con. Vì thế trong thời gian nuôi con, nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường để giúp cơ thể nhanh hồi phục, tiết nhiều sữa giúp đàn con khỏe mạnh, béo tốt.

         Trong chuồng trại, chị Nga xử lý phân và nước tiểu thỏ bằng men sinh học nên dù nuôi thỏ với số lượng nhiều nhưng khu vực nuôi thỏ của gia đình chị vẫn sạch sẽ. Cũng nhờ đó, đàn thỏ không chỉ ít bệnh mà còn phát triển rất tốt. Lượng phân đã được xử lý, chị dùng để nuôi trùn quế, bán trùn thương phẩm và dùng phân trùn quế bón cây thức ăn cho thỏ ở vườn.

       Những ai tới mua giống đều được chị hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách chăm sóc và truyền đạt những kinh nghiệm mình có được trong thời gian qua. Chính vì vậy, thỏ giống của trang trại chị luôn tìm được đầu ra ổn định.

       Ông Hoàng Văn Xếp,  Phó chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết: “Mô hình nuôi thỏ của chị Nga là một trong những mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình tiêu biểu của xã ,mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình chị Nga phù hợp với điều kiện thực tế của xã, bởi có thể tận dụng những sản phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, đầu ra ổn định”.

       Nhờ mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm mà gia đình chị Nga đã có nguồn thu nhập cao, đặc biệt là đã tìm ra lời giải cho việc nuôi con gì thay thế con lợn vào thời điểm dịch tả lợn châu Phi vẫn còn đang tiềm ẩm nhiều rủi ro.

Ks.Vũ Thị Nga - Trạm Khuyến nông An Lão

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1742
  • Hôm qua: 4576
  • Tuần này: 15081
  • Tuần trước: 27766
  • Tháng này: 217346
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2785407
0225.3541.398 
messenger icon